Giá xăng dầu phải theo cơ chế thị trường

Mỗi lần xăng dầu tăng giá đều gây những dư luận trái chiều nhau về tính hợp lý của việc điều chỉnh này. Nguyên nhân bắt nguồn từ những chính sách về kinh doanh xăng dầu với nhiều bất cập. Từng là người nhiều năm theo dõi về giá cả, trong đó có xăng dầu, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận:
Giá xăng dầu phải theo cơ chế thị trường

Mỗi lần xăng dầu tăng giá đều gây những dư luận trái chiều nhau về tính hợp lý của việc điều chỉnh này. Nguyên nhân bắt nguồn từ những chính sách về kinh doanh xăng dầu với nhiều bất cập. Từng là người nhiều năm theo dõi về giá cả, trong đó có xăng dầu, TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế nhìn nhận:

Doanh nghiệp vẫn chưa thực sự tự chủ khi còn phụ thuộc vào cơ chế xin ý kiến liên Bộ Tài chính - Công thương. Điều này dẫn đến khi giá thế giới xuống thấp, giá bán xăng dầu thường không được điều chỉnh xuống mà lại tăng phần thu của nhà nước thông qua thuế nhập khẩu và các khoản thu khác. Ngược lại, khi giá thị trường thế giới lên cao, giá trong nước lại chỉ được điều chỉnh lên ít hơn và nhà nước lại phải cắt giảm các khoản thu.

Đổ xăng tại một cây xăng Petrolimex. Ảnh: CAO THĂNG

Đổ xăng tại một cây xăng Petrolimex. Ảnh: CAO THĂNG

Cơ chế giá hiện hành khiến lợi ích của doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng bị xung đột. Khi giá cả thế giới xuống thấp, lợi ích của người tiêu dùng bị xâm hại, ngược lại khi giá cả thế giới lên cao thì lợi ích của nhà nước lại bị thiệt hại. Như vậy, dù giá thế giới lên cao hay xuống thấp, xét về mặt tổng thể, lợi ích chung của xã hội đều bị thiệt hại.

Vấn đề cốt lõi là nhà nước phải làm nhiệm vụ điều hòa lợi ích giữa doanh nghiệp bán xăng dầu và người tiêu dùng mua xăng dầu dựa trên nguyên tắc công khai minh bạch và tạo cơ chế để hình thành thị trường xăng dầu cạnh tranh thật sự, cả thị trường bán buôn và bán lẻ, cả thị trường người bán lẫn thị trường người mua xăng dầu.

* PV:
Theo ông, những bất cập đó cần được điều chỉnh theo hướng nào?

* Ông VŨ ĐÌNH ÁNH: Cơ chế điều hành chính sách thuế và các khoản thu khác cũng cần có sự thay đổi. Việc điều chỉnh tăng giảm thuế nhập khẩu trong thời gian qua không thật kịp thời, có tính vụn vặt, tình thế, chưa ổn định theo một nguyên tắc nền tảng nên đã làm giảm tác dụng của công cụ điều hành thị trường. Ngoài ra việc điều chỉnh mức thu thuế cũng không đồng bộ, thiếu thống nhất giữa các mặt hàng cũng dẫn đến gian lận thương mại và làm thất thu ngân sách. Thuế nhập khẩu được sử dụng làm van điều tiết, được điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở quan hệ biến động giữa giá thế giới và giá trong nước nên đã khó tạo ra môi trường ổn định cho kinh doanh của doanh nghiệp và khó ổn định nguồn thu ngân sách.

* Thời gian giữa 2 lần công bố tăng/giảm giá bán lẻ xăng dầu như hiện nay có tạo cơ hội cho doanh nghiệp trục lợi và phần thiệt hại thì người tiêu dùng phải gánh chịu?

* Chính vì vậy, thời gian tới, giá xăng dầu cần quán triệt nguyên tắc thị trường, hướng tới cạnh tranh, bình ổn, hạch toán đầy đủ, công khai minh bạch, tiết kiệm năng lượng.

Chính phủ nên áp dụng cơ chế công bố trần giá bán lẻ xăng dầu theo thời điểm tính trên cơ sở công thức: Giá bán lẻ = Giá nhập CIF x tỷ giá + các khoản phải nộp + phí lưu thông (trong đó, giá nhập CIF là giá bình quân giản đơn trong 30 ngày của giá mua FOB xăng dầu kỳ hạn sau 1 tháng tại thị trường Singapore cộng với các khoản phí vận chuyển, bảo hiểm về tới cảng Việt Nam). Theo đó, khi giá bán lẻ xăng dầu tính theo công thức trên biến động trong khoảng 5-15% thì Chính phủ công bố trần giá bán lẻ mới. Khi giá bán lẻ xăng dầu tính theo công thức trên biến động trên 15% thì Chính phủ cân đối để công bố trần giá mới và công bố giảm khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Khoản giảm nộp vào ngân sách nhà nước do nhà nước quy định đủ để đảm bảo mục tiêu bình ổn giá xăng dầu và doanh nghiệp hạch toán đầy đủ nhưng không thay đổi thuế suất. Thời gian giữa 2 lần công bố tăng/giảm giá bán lẻ xăng dầu không được ngắn hơn 15 ngày.

Việc điều hành thời gian tới cần chú ý 4 vấn đề. Thứ nhất, giá xăng dầu phải được hình thành theo cơ chế thị trường. Thứ hai, cơ chế, chính sách giá xăng dầu phải bảo đảm quan hệ hợp lý và quá trình hội nhập giữa giá cả thị trường trong nước và giá thế giới. Thứ ba, thực hiện tự do hoá giá cả, nhưng không thả nổi giá theo biến động tự phát của thị trường, phải phục vụ yêu cầu tăng trưởng bền vững và bảo đảm an sinh xã hội. Thứ tư, giá xăng dầu phải khuyến khích việc sử dụng hợp lý và tiết kiệm năng lượng.

* Làm cách nào để mặt hàng xăng dầu thực sự vận hành theo thị trường?

* Theo tôi, cần thực hiện việc kiểm soát, xóa bỏ dần tình trạng độc quyền trong kinh doanh xăng dầu như sau: xóa bỏ hạn chế trong việc cấp phép nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu, trong đó, bỏ quy định cấp hạn ngạch tối thiểu nhập khẩu xăng dầu cho từng doanh nghiệp. Việc bỏ hạn ngạch này sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được cạnh tranh bình đẳng khi nhập khẩu xăng dầu đưa vào Việt Nam với giá thấp nhất. Tách khâu nhập khẩu, bán buôn xăng dầu với khâu bán lẻ, trong đó, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu không được lập hệ thống bán lẻ của riêng mình; họ có trách nhiệm bán hàng và đối xử bình đẳng với mọi thương nhân (doanh nghiệp, cây xăng) muốn mua sỉ xăng dầu về để bán lẻ. Các thương nhân bán lẻ xăng dầu được quyền chọn nhà nhập khẩu xăng dầu cấp hàng cho mình và cạnh tranh với nhau qua việc đưa ra mức giá bán lẻ thấp nhất.

Vì giá xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn của biến động giá trên thị trường thế giới, nên để hệ thống giá trong nước phản ánh đầy đủ quá trình hình thành và vận động của giá xăng dầu trên thị trường thế giới, thì nhà nước cần tháo gỡ các rào cản về hành chính và kinh tế ngăn cản sự hội nhập về giá, làm sai lệch thước đo hiệu quả. 

NGỌC QUANG

- Thông tin liên quan:

>> Giá xăng tăng 650 đồng/lít

Tin cùng chuyên mục