Bán đảo Cà Mau

Nông dân ngập nợ vì... tôm

Nông dân ngập nợ vì... tôm
Nông dân ngập nợ vì... tôm ảnh 1

5 năm trước, các ngân hàng ở vùng đất bán đảo Cà Mau kiến nghị nâng định mức cho vay đối với nuôi trồng thủy sản (NTTS). Đầu năm 2006, ngân hàng lại “khóa sổ” cho vay đối với NTTS. Ở Bạc Liêu, có những xã chỉ còn vài người còn giữ sổ đỏ. Số còn lại nằm im lìm ở ngân hàng. Hàng loạt hồ tôm, không ít thửa đất trồng lúa nằm trơ chờ hoang hóa! Đó là những điều nhức nhối đang âm ỉ diễn ra ở bán đảo Cà Mau...  

  • Con tôm “ôm sổ đỏ”!

Một ngày của tháng 7-2006,  một không khí ảm đạm phủ lên trên những hồ tôm giăng giăng lưới trắng tại xã Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) – nơi được xem là điểm nóng của chuyện con tôm “ôm sổ đỏ”.  Đường nông thôn vào Vĩnh Hậu A gãy khúc vì con lộ bị bể nát. Còn đoạn lộ nhựa gần xã cứ cách vài trăm mét lại có một hố sâu vì dân đào cắt đường dẫn nước mặn qua vùng ngọt nuôi tôm.

Gần 100 hộ dân sống theo con lộ nhựa dài 2,6 km dẫn đến xã, trong đó hơn 90 hộ đã bị “tôm ôm sổ đỏ”. Hộ nợ ngân hàng ít như anh Tư Hưng (Nguyễn Tử Hưng) ở ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, cũng đến 80 triệu đồng. Hơn 3 tháng qua, ít ai ngờ người đàn ông trung niên 43 tuổi, tướng tá lực điền này lại nằm co trong nhà – chẳng dám lú mặt ra đường.

Anh Tư Hưng nói như mếu: “Nuôi tôm sú như đánh bài cào với ông trời!”. Năm 2002, vợ chồng anh hồ hởi mang mấy trăm triệu đồng bỏ vào nuôi 1 ha tôm sú theo mô hình bán công nghiệp. Vụ đầu lời chút ít, trong khi cả xóm trúng đậm. Phấn khởi, anh tiếp tục mua, mướn thêm đất mở rộng diện tích lên 4 ha.

Và anh quyết định táo bạo: lên tận Bình Dương mua thêm 2 máy ủi trên 200 triệu đồng về làm dịch vụ. Như một định mệnh: Năm 2003 - 2005, cả xóm chết lặng vì bể tôm. Tôm còi, tôm sắt, tôm bạc đầu, đốm trắng tràn lan, cả xóm thất bại liên tiếp. Tư Hưng chỉ thu được 10 triệu đồng từ tiền bán tôm, dù đã đổ vào đó cả tỷ đồng. Đến nay, anh thua lỗ hơn 700 triệu đồng từ nuôi tôm, còn nợ ngân hàng gần 80 triệu đồng, nợ vay bên ngoài đến 200 triệu đồng, hoàn toàn không còn khả năng trả. Nhưng đây chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn cảnh éo le tại tỉnh Bạc Liêu.

  • Đổ nợ !

Năm 2004 là thời điểm Vĩnh Hậu A xóa sổ cây lúa để trở thành làng tôm. Cả xóm nuôi gần 3.000 ha tôm sú, trong đó có gần 1/2 là nuôi bán công nghiệp. Đó cũng là thời điểm cả làng rơi vào cảnh nợ trong nợ ngoài. Bí thư Đảng ủy xã Trần Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Đặng Quốc Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thống tiếp chuyện chúng tôi với những ngổn ngang, lo âu của những hồ tôm chính mình nuôi.

Anh Thống nói một câu mà nghe héo cả lòng: “Cả xã này, chỉ có mấy người “cà nhổng” không làm gì thì không có nợ thôi!”. Anh Phương thì nói: “Cả xã số sổ đỏ còn giữ trong nhà chắc chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay!”. Mấy ngàn hộ dân đều bị “con tôm ôm sổ đỏ”. Dư nợ ở ngân hàng lên 53 tỷ đồng, nợ khó đòi gần 20 tỷ đồng, nghe thật khó tin! Nhưng khi nghe Bí thư rồi Phó Chủ tịch xã cũng nợ từ 40 đến 110 triệu đồng/người ở ngân hàng thì cũng dễ hiểu. Đó là nợ ngân hàng còn cộng thêm nợ bên ngoài có người đã lên gần 400 triệu đồng. Thống kê sơ bộ cho thấy 4% hộ nghèo đã nhảy lên 28,5% (thay đổi theo tiêu chí mới). Trong số hộ nghèo phát sinh có khoảng 40% là do thảm bại từ tôm. Trên 300 hộ dân ở Vĩnh Hậu A đang để đáy hồ chết lặng vì không có tiền thả tôm.

Tổng dư nợ NTTS của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Bạc Liêu đã vượt qua con số 1.100 tỷ đồng, trong đó nợ xấu trên 233 tỷ đồng, chiếm trên 20%. Trong số nợ xấu khó đòi này, xã Vĩnh Hậu A đã chiếm khoảng 10%. “Nếu bán đất được, sẽ có 40% dân trong xã bán đất để trả nợ, nhưng ngặt nỗi chẳng ai dám mua!” – Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Thống nói

Cao Phong - Bình Đại

Tin cùng chuyên mục