Đi nghe hát ca trù ở Hà Nội

Lịch nghe hát ca trù vào các ngày chủ nhật tại BTDTHVN:

Món ăn tinh thần khá đặc biệt này diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (BTDTHVN) vào ngày chủ nhật trong các tháng 2, 3, 4, 5, 6 của năm 2007. Tới đây, ngoài nghe hát, du khách còn được tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử ca trù... Chương trình ngày chủ nhật 25-2 (mùng 9 Tết Âm lịch) có cuộc nói chuyện và giao lưu về thơ Xuân trong ca trù. 
 
Chương trình ca trù lần này được tổ chức bởi sự phối hợp giữa Trung tâm UNESCO ca trù và BTDTHVN. Trong tháng 1, đã có buổi giới thiệu về cố nghệ nhân, Nghệ sĩ nhân dân Quách Thị Hồ, kỷ niệm ngày mất của bà (10-2 Âm lịch). Tham gia biểu diễn ca trù tưởng nhớ nghệ nhân Quách Thị Hồ gồm có gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, các nghệ sĩ, hội viên và các ca nương lớp ca trù khóa 1 của Trung tâm UNESCO.

Nghệ nhân Quách Thị Hồ là một ca nương bậc nhất của Việt Nam vào thế kỷ XX. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống hát ca trù. Lên 6 tuổi, bà Hồ đã theo mẹ và các dì đi hát, 8 tuổi đã nổi tiếng hát hay trong giáo phường, 10 tuổi được hát chính, 12 tuổi đi hát ở nhiều hội hè, đình đám, 15 tuổi nổi tiếng hát hay ở kinh thành Thăng Long. Với những thành tích đạt được, nghệ nhân Quách Thị Hồ đã góp phần gìn giữ một di sản nghệ thuật truyền thống độc đáo của Việt Nam, một vốn quý cho nhân loại.

 Và để tiếp nối sức sống của nghệ thuật ca trù, nhiều câu lạc bộ ca trù được thành lập. Những bạn trẻ theo nghề ca trù chỉ đếm được trên đầu ngón tay, trong đó có đào nương Kiều Anh, 13 tuổi (thuộc CLB Thái Hà) là cháu nội của nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi, được đánh giá khá cao. Tuy nhiên, nghệ thuật ca trù cũng rất kén khán giả, nhiều người trẻ tuổi mới nghe lần đầu sẽ không hiểu gì cả! Trái lại, khi đã tìm hiểu lịch sử, nguồn gốc ca trù và có cảm nhận tốt về âm nhạc thì ca trù sẽ mang lại nét riêng cho người nghe không chỉ ở tính độc đáo, đa dạng mà nó còn trở thành một loại nghệ thuật thưởng thức riêng biệt, trong không khí ấm cúng, tế nhị hào hoa kinh kỳ.

 Theo Giáo sư Trần Văn Khê, ca trù là một loại nhạc truyền thống, có đầy đủ quy tắc về điệu, nhịp về nét hoa mỹ, cách biến tấu, ứng tấu. “Trù” là cái thỏi bằng tre khắc chữ Nho mà người ta thường dùng để thưởng cho các đào nương. Mỗi khi ca đoạn nào hay, đào nương được khán giả thưởng cho một cái trù, trù đổi được ra thành tiền. Ngay cả nét văn hóa đó khán giả cũng phải biết, vì không phải ai cũng hiểu được ca trù để thưởng tiền cho đào nương.
 
Các điệu: hát nói, chừ khi, thơ cổ, xẩm huê tình, gửi thư, hát giai – hát ru, xẩm nhị tình, 36 giọng, bắc phản... sẽ được biểu diễn lần lượt trong các chương trình ca trù hàng tháng tại BTDTHVN trong 6 tháng đầu năm 2007. Với thời gian như vậy, khán giả Hà Nội và khách du lịch có thể sắp xếp thời gian để thưởng thức 1 buổi diễn ca trù hoàn thiện  

LÊ NHI

 Lịch nghe hát ca trù vào các ngày chủ nhật tại BTDTHVN:

 - 16 giờ, 25-2-2007
 - 10 giờ, 25-3-2007
 - 10 giờ, 29-4-2007
 - 9 giờ 30, 27-5-2007
 - 9 giờ 30, 24-6-2007

Tin cùng chuyên mục