Khắc phục hậu quả trận lụt lịch sử ở các tỉnh phía Bắc

Miền Bắc trước nguy cơ vỡ đê

° Hà Nội lo vỡ đê
Miền Bắc trước nguy cơ vỡ đê

° Hà Nội lo vỡ đê

Sau 3 ngày biến thủ đô Hà Nội thành bể nước lụt, mưa lũ lại đang tiếp tục đe dọa nhiều địa phương khác ở miền Bắc. Do mưa lớn nên mực nước các sông đều dâng cao, nhiều nơi đứng trước nguy cơ bị tràn, vỡ đê, đe dọa cuộc sống của nhiều người dân…

Tràn Lạc Khoái có nguy cơ vỡ

Suốt 3 ngày qua, mưa như trút từ thượng nguồn đã làm nước lũ từ sông Bôi (Hòa Bình) đổ dồn về sông Hoàng Long, đe dọa trực tiếp hàng vạn nhà dân thuộc 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn (Ninh Bình).

Do lũ lên cao nên chính quyền tỉnh Ninh Bình đã quyết định cho xả tràn tại đập Đức Long-Gia Tường (huyện Nho Quan) để cứu quốc lộ 1A, TP Ninh Bình và hạ lưu. Ông Trần Văn Bách - Phó ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Ninh Bình - cho biết, sau khi xả tràn, nước lũ từ sông Hoàng Long đã làm chìm ngập 13.000 nhà dân với 40.000 nhân khẩu ở 7 xã Đức Long, Gia Tường, Lạc Vân, Gia Thủy, Gia Lâm, Gia Sơn và Xích Thổ (huyện Nho Quan).

Miền Bắc trước nguy cơ vỡ đê ảnh 1

Ngày 2-11, đồng chí Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy TP Hà Nội trao quà tặng và thăm hỏi bà con bị lũ lụt tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội

Mặc dù chính quyền đã tổ chức sơ tán dân song hiện vẫn còn hàng ngàn người bị cô lập trên các “ốc đảo”. Bước đầu, lực lượng cứu hộ đã chở 300 lít dầu, 1.000 thùng mì tôm, 300 thùng lương khô, nước uống và 950 triệu đồng vào cứu bà con. Nhưng do sức nước lũ chảy quá xiết nên vẫn còn nhiều nơi lực lượng cứu hộ không thể đi sâu vào khu dân cư.

Trao đổi với PV Báo SGGP 12 Giờ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, Phó trưởng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương Đào Xuân Học cho biết, hiện nay nước lũ trên sông Hoàng Long là đáng ngại nhất. Quan điểm chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCLB Trung ương là bằng mọi giá phải cứu tràn Lạc Khoái để không thiệt hại cho hàng vạn dân cư bên trong.

Hiện nay, đã có hàng ngàn công an, bộ đội, dân quân ngày đêm túc trực, gia cố cứu tràn. Tuy nhiên, nếu mực nước sông Hoàng Long vẫn lên cao thì buộc phải xả tràn để giảm lưu lượng nước lũ trên sông, nhằm tiếp tục cứu hạ lưu.

Ông Trương Cộng Hòa, Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, cho biết, hiện mực nước sông đã cách mặt đê chỉ còn 20cm, địa phương đang chuẩn bị mọi kế hoạch sơ tán khẩn cấp khoảng 15.000 hộ dân trong trường hợp không giữ được tràn Lạc Khoái.

Đê bao ở nhiều tỉnh đặt trong tình trạng báo động

Sau hơn 3 ngày quần thảo, những tưởng mưa đã dần ngớt nhưng đến sáng nay, 3-11, mưa vẫn còn rơi trên diện rộng. Các con sông lớn và hệ thống đê bao ở nhiều tỉnh thuộc miền Bắc đều đặt trong tình trạng báo động. 

Trong đó, sông Lục Nam ở tỉnh Bắc Giang đang lên cao. Hàng ngàn người dân nằm dọc hai bên sông Lục Nam nơm nớp lo khi lũ lên cao. 

Nước sông Cà Lồ chảy qua địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cũng đang dâng lên rất cao. Tin từ Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, hơn 2km đê sông sông Tranh (một nhánh của sông Cà Lồ) đã bị tràn, làm ngập một phần thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên-Vĩnh Phúc). Sau đó, cả khúc đê đã bị vỡ hoàn toàn. Tỉnh đã cử 600 bộ đội, dân quân sơ tán khẩn cấp 200 hộ dân ở thị trấn Hương Canh.

Nghiêm trọng hơn là tại địa bàn Hà Nội mở rộng, nhiều nơi đang có nguy cơ vỡ đê rất nguy hiểm. Cụ thể, dọc theo các con sông như Bùi, Nhuệ, Đáy… thuộc địa bàn Hà Nội mở rộng đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Chiều qua, hơn 2.000 hộ dân nằm dọc hai bên sông Đáy, sông Bùi đã phải di dời khẩn cấp. Còn tại 2 thôn Muôn và Do, xã Tuyết Nghĩa (huyện Quốc Oai), theo ghi nhận của PV Báo SGGP 12 Giờ sáng nay, hơn 1km đê sông Tích đã vỡ, nước tràn vào khu làng mạc, nhấn chìm nhiều ngôi nhà dân được bao bọc bên trong.

Đặc biệt, tại TP Hà Đông (Hà Nội), lượng mưa đo được đã đạt kỷ lục: 810mm, làm nước sông Nhuệ, sông Đáy tràn lênh láng. Trong khi đó, hơn 2 ngày qua, nước lụt từ khu nội thành Hà Nội và Hà Đông đều đổ dồn về sông Nhuệ, đã làm nước sông dâng lên rất cao, hiện đang đặt trong tình trạng báo động đỏ.

Ban chỉ đạo PCLB Trung ương đã có công điện khẩn gửi UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu dừng bơm nước vào sông Nhuệ để “cứu nguy” cho TP Hà Đông, Hà Nội và vùng hạ lưu, bởi mực nước trên sông Nhuệ đã quá tải, nếu tiếp tục bơm thì có thể gây vỡ đê, làm ảnh hưởng hàng vạn hộ dân nằm trải dài từ TP Hà Đông xuôi tận Phủ Lý (Hà Nam).

VĂN PHÚC HẬU

Hà Nội ùn tắc giao thông nghiêm trọng

° Sáng nay, nhiều cơ sở y tế vẫn ngập nặng

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP sáng nay, 3-11, do trời vẫn còn mưa và tồn tại hàng chục điểm ngập lụt, đặc biệt ở khu vực phía Nam Hà Nội nên có tới 90% lượng xe cộ đều đổ dồn lên phía Bắc, chấp nhận đi kiểu “vòng thúng”, xa thêm 10-15km, để không phải lội trong nước lụt dẫn đến tình trạng ùn ứ nghiêm trọng.

Mới 6g30, các luồng xe ở Nguyễn Thái Học, Kim Mã, Cầu Giấy đã quá tải. Đến tầm cao điểm, khoảng 7-8g, suốt các tuyến đường Láng, Xuân Thủy - Cầu Giấy - Bưởi vòng lên Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam… xe chật như nêm.

Miền Bắc trước nguy cơ vỡ đê ảnh 2

Sáng nay, lực lượng cứu hộ của Hà Nội vẫn tất bật cứu xe ô tô bị ngập nướcẢnh: Q.KHÁNH

Hầu như tất cả luồng xe cộ từ TP Hà Đông và một phần huyện Thanh Trì, Hoàng Mai, phía Tây Hà Nội đều đổ dồn về Thanh Xuân sau đó vòng sang Cầu Giấy để xuôi trung tâm Bờ Hồ theo một con đường gần như “độc đạo”: Cầu Giấy - Kim Mã do huyết mạch từ cửa ngõ Ngã Tư Sở lên Khâm Thiên - Nguyễn Lương Bằng, Thái Hà, Chùa Bộc và Láng Hạ - Trung tâm chiếu phim quốc gia và Nguyễn Chí Thanh đều bị nước phong tỏa tứ bề.

Ngược lại, người từ nội thành Hà Nội muốn vào TP Hà Đông làm việc cũng phải đi ngược lên phía Bắc rồi vòng xuống theo hình thúng. Còn từ khu vực phía Nam gồm luồng xe từ quốc lộ 1A, phía Đông Thanh Trì, Hoàng Mai… muốn đi lên phía Bắc thì có hai cách: Một, đi vòng sang TP Hà Đông, hai là đi vòng lên phía cầu Vĩnh Tuy, theo đê sông Hồng vào nội thành.

Do đoạn đường vành đai 3 bị ách tắc hoàn toàn tại đường Phạm Hùng - trước cửa Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình - nên hầu như các xe khách, xe tải từ phía Nam muốn lên cầu Thăng Long đều phải đi vòng theo đê Yên Phụ, Trần Nhật Duật, Nghi Tàm, Âu Cơ... đã gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng dọc tuyến đường dẫn lên cầu Thăng Long.

Để tiêu thoát lượng nước đang ứ đọng tại các khu vực ngập lụt, nhằm sớm giải cứu hệ thống giao thông đã bị tê liệt suốt 3 ngày liền, không còn giải pháp nào khả thi hơn, rạng sáng nay, Công ty Thoát nước Hà Nội đã phải huy động hơn 100 xe bồn đến các điểm bị ngập lụt nặng tại các huyết mạch chính yếu để hút nước trực tiếp lên xe, sau đó chở ra ngoại thành xả bỏ.

Đây gần giống như là một kiểu tát nước thủ công. Theo tính toán, phải ít nhất đến sáng mai, các xe bồn mới có thể hút hết hàng ngàn khối nước đang ngập lênh láng tại các điểm ngập, với điều kiện là trời dừng mưa.

° Theo ghi nhận, Bệnh viện E, Y học cổ truyền Hà Nội, BV Phụ sản Hà Nội... vẫn còn bị ngập nước. Đặc biệt, tại Bệnh viện Đống Đa vẫn còn những chỗ ngập sâu tới 1m nước. Bệnh viện Đống Đa đã chủ động huy động lực lượng cán bộ y tế, di chuyển toàn bộ bệnh nhân và máy móc, trang thiết bị lên tầng 2 an toàn, tuy nhiên hoạt động khám chữa bệnh cho người bệnh của bệnh viện vẫn bị ảnh hưởng nặng. Nhà ăn của bệnh viện cũng đảm bảo dự trữ đủ thức ăn cho người bệnh trong 1, 2 ngày tới.

Trong khi đó, tại các huyện ngoại thành như: Chương Mỹ có 6 trạm y tế bị ngập nước, huyện Thanh Oai có 2 trạm y tế bị nước tràn, riêng Trạm Y tế xã An Phú, huyện Mỹ Đức đã bị cô lập hoàn toàn trong biển nước.

Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức đã cử một đội cơ động y tế xuống trực tiếp, phối hợp với chính quyền địa phương xã An Phú dùng xuồng, thuyền để cấp cứu kịp thời nạn nhân bão lũ. Ngoài ra, tất cả các trung tâm y tế, các bệnh viện khác vẫn đảm bảo hoạt động bình thường.

VIỆT HÀ - Khánh Nguyễn

 Nghệ An, thêm 2 trẻ em chết đuối, tổng thiệt hại trên 220 tỷ đồng 

° Tiền Giang: Hơn 1000ha hoa màu bị ngập úng

(12G).- Cho đến sáng nay, 3-11, mưa lớn kéo dài đã làm lở núi, sạt đường khiến một số xã tại huyện miền núi Tương Dương bị cô lập hoàn toàn, đó là các xã Yên Tĩnh, Yên Thắng, Nga My và Xiêng My. Tại Nghệ An có thêm 2 trẻ em bị chết đuối, nâng tổng số người bị thiệt mạng lên 13 người.

Đến sáng nay, theo thống kê, Nghệ An có 2 tàu bị chìm, 1.160 nhà bị ngập, trong đó hư hỏng 11 cái; 7.613ha lúa mùa, 17.133ha ngô, 5.074ha rau màu, 1.160ha đậu phộng, 1.049ha mía,... bị ngập úng, gãy đổ; 44 trạm biến thế bị hỏng,... Tổng thiệt hại trên 220 tỷ đồng.

° Sáng nay, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang cho biết, mưa lớn kéo dài những ngày qua đã gây ngập úng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của nông dân trên địa bàn tỉnh.

Ở khu vực nằm trong dự án ngọt hóa Gò Công và dự án Bảo Định (phía Đông của tỉnh) thuộc các huyện: Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho, Gò Công Tây, Gò Công Đông và thị xã Gò Công có hơn 1.000ha hoa màu bị ngập úng giảm năng suất hơn 10%.

Hiện nay, các địa phương tỉnh Tiền Giang đang chủ động đối phó đợt triều cường dự kiến sẽ xảy ra vào giữa tháng 11, nếu có mưa to sẽ gây ra ngập úng trên diện rộng.

CƯỜNG - Trinh

Thông tin liên quan

 
Khắc phục hậu quả trận lụt lịch sử ở các tỉnh phía Bắc
Hà Nội: Mưa giảm nhưng còn ngập nặng

Tin cùng chuyên mục