Hàng trăm tàu đang mắc cạn trên sông Hồng

Chủ tàu như ngồi trên lửa
Hàng trăm tàu đang mắc cạn trên sông Hồng

Khoảng 1-2 tuần trở lại đây, mực nước sông Hồng bắt đầu cạn kiệt nghiêm trọng, các mạch chảy ra sông Hồng đều khô trơ đáy, dẫn đến tình trạng hàng trăm con tàu lớn nhỏ đang bị mắc kẹt giữa dòng, quanh các bến cảng, chuyện làm ăn của chủ tàu cũng bị dở dang, lỡ độ, thiệt hại rất nhiều tiền của…

Cả đoàn tàu chở vật liệu đã phải nằm chết trên sông Hồng gần tháng nay vì không có đủ mớn nước.

Cả đoàn tàu chở vật liệu đã phải nằm chết trên sông Hồng gần tháng nay vì không có đủ mớn nước.

Chủ tàu như ngồi trên lửa

Cả một vệt sông Hồng trải dài hàng trăm cây số từ tận Lào Cai về đến Hà Nội, hàng trăm bến đò, bến phà đang lâm tình cảnh đình đốn hoặc hoạt động cực khó khăn do các điểm khan cạn cứ ngày một nhô cao hơn khỏi mặt nước, các đảo cát cứ rộng dần ra, nhiều nơi cát đã trắng phau.

Người dân ở làng Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc) cho biết, khoảng 1 tháng trở lại đây, không ngày nào không xảy ra hiện tượng phà Vĩnh Thịnh bị mắc kẹt vào doi cát ở sông Hồng. Đây là một bến phà lớn để trung chuyển khách từ Sơn Tây (Hà Nội) qua Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), Việt Trì (Phú Thọ) và ngược lại. Mỗi lần phà kẹt, hàng chục người lại phải nhảy xuống lòng sông “hò dô” đẩy phà ra khỏi doi cát. Nhưng nghiêm trọng nhất vẫn là đoạn sông Hồng thuộc Hà Nội.

Ông Cao Văn Định, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6 (Bộ GT-VT) cho biết, chỉ trên một đoạn sông Hồng dài 70km từ Việt Trì (Phú Thọ) đến Bắc Biên (Hà Nội) đã xuất hiện 4 điểm khan cạn ngay từ đầu tháng 10. Trong khoảng 2-3 tuần trở lại đây, khi mực nước xuống áp sát mức 1m, nơi sâu nhất cũng chỉ khoảng 1,8-2m thì những tàu vận tải có mớn nước sâu hơn không thể nào đi lại được.

“Vả lại, luồng lạch thường xuyên thay đổi nên hiện tượng tàu mắc cạn, ùn ứ trên sông thường xuyên xảy ra”, ông Định nói.

Còn theo khảo sát của Trạm quản lý đường sông Hà Nội, từ đầu tháng 10-2009, do khô hạn nặng nên lượng hàng hóa vận chuyển trên sông Hồng (đoạn qua Hà Nội) đã giảm rõ rệt. Cụ thể, vào tháng 10-2009, chỉ còn 2.457 lượt/tháng, tương đương 856.000 tấn hàng hóa. Sang tháng 11-2009 chỉ còn 2.390 lượt/tháng, tương đương 813.600 tấn hàng hóa. Trong khi vào tháng 11 của năm 2008 vẫn đạt 3.013 lượt, tương đương trên 1 triệu tấn hàng hóa.

Anh Phan Đức Tiến, chủ tàu vận tải PT-6055, cho biết, đã bị mắc kẹt ở đây hơn 1 tháng. Anh kể: “Tôi vừa mua con tàu này giá 1,5 tỷ đồng để chở vật liệu xây dựng từ Tuyên Quang, Việt Trì về Hưng Yên, Nam Định. Làm ăn suôn sẻ thì mỗi chuyến cũng lãi được 1,5 triệu đồng. Nhưng cả tháng nay nước xuống quá mớn, tàu đành nằm chết một chỗ, chúng tôi cũng đành phải ở lại để coi tàu, coi hàng. Ngày lại ngày, sốt ruột trông ngóng nước”.

Không chỉ anh Tiến mà chỉ riêng một khúc sông Hồng đoạn gần ngã ba Bạch Hạc (Phú Thọ), hiện đang có khoảng 600 con tàu lớn bị mắc cạn. 

Theo ông Trịnh Ngọc Toán, Trưởng Phòng kỹ thuật thuộc Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 6, có ngày ở đoạn Bắc Biên (Hà Nội) có hơn 200 tàu và sà lan tự hành phải neo đậu vì cạn nước. Mặc dù vậy, ở đây lại không có đủ tàu để cứu hộ, cứu nạn. 

“Mỗi khi tàu bè bị mắc cạn, các chủ tàu đều tự xoay xở, phải nhờ đến các công ty tư nhân giúp đỡ, gây mất trật tự trên tuyến giao thông đường thủy”- ông Toán nói.

Chưa kể, nhiều chủ tàu không đủ tiền để thuê cứu hộ cứu nạn hoặc vì làm ăn khó khăn nên không nhiệt tình với việc cứu hộ cứu nạn, cứ để mặc tàu mắc cạn giữa dòng, càng tăng thêm sự cản trở dòng chảy, ùn tắc giao thông đường thủy.

Nông dân cũng lo toát mồ hôi

Dưới sông thì hàng trăm tàu thuyền đang mắc cạn. Còn trên bờ thì hàng ngàn nông dân đang điêu đứng vì không lo được nguồn nước tưới. Tại khu vực bãi bồi ven sông thuộc xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm (Hà Nội), nơi người dân đang trồng hoa và rau để lo bán dịp Noel, Tết Dương lịch, Tết cổ truyền, từ trưa đến chiều, nông dân hớt hải gánh nước để tưới hoa.

 Những năm trước, người trồng hoa ở xóm Bãi chỉ cần đi 50m là múc được nước nhưng từ tháng 11-2009 đến nay, bà con phải đi xa 1-2km.

Lão nông Nguyễn Văn Thìn, ở thôn Nội, xã Liên Mạc đang kẽo kẹt từng gánh nước tưới, lau vội mồ hôi trên mặt, cho biết, nước tưới hành phải “chắt” từng gáo nhỏ một ở con mương sột sệt bùn.

Mới đây, hợp tác xã phải nhờ bơm nước từ tận dòng sông Nhuệ về, nhưng nước đen ngòm, bốc mùi ô nhiễm nên hành chết như ngả rạ. Trong khi đó thời gian gần đây, do mực nước sông Hồng xuống quá thấp nên tại khu vực cống Chèm, nước sông Nhuệ còn chảy ngược ra sông Hồng. Mà sông Nhuệ thì nổi tiếng về ô nhiễm, màu nước đen ngòm do hàng trăm nhà máy ở huyện Từ Liêm xả ra.

Không có nước, nông dân cũng chẳng biết làm thế nào, đành chỉ biết cầu trời mưa cho một trận. Nhưng suốt cả đợt không khí lạnh vừa mới đây, trời cũng chỉ mưa lây rây vài hạt nhỏ, đành phải chờ phương án xả nước các hồ thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà của Bộ NN-PTNT và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).

Văn Phúc Hậu

Tin cùng chuyên mục