Di tích Nghĩa trang Phan Bội Châu bị lãng quên?

Di tích bị xâm hại
Di tích Nghĩa trang Phan Bội Châu bị lãng quên?

Khu nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu là công trình độc đáo của cố đô Huế. Đó là di tích lịch sử cấp quốc gia liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp hoạt động của nhà yêu nước Phan Bội Châu và nhiều nhân vật lịch sử khác. Thế nhưng hiện nay, di tích này đang bị... bỏ hoang.

Di tích bị xâm hại

Mặc dù biết di tích nghĩa trang mang tên nhà yêu nước Phan Bội Châu tọa lạc tại đường Thanh Hải (TP Huế) nhưng khi đi khảo sát thực tế, chúng tôi phải 3 lần nhờ đến sự chỉ dẫn của người dân mới có thể tìm được.

Lý do, bên ngoài nghĩa trang chỉ có hàng chữ thay bảng hiệu gắn trên cột cổng “Khu nghĩa địa Phan Bội Châu” nhưng đã quá cũ và bị nhòe. Mặt khác, hai cánh cửa sắt hoen rỉ, đóng kín mít. Vào khuôn viên nghĩa trang, tận mắt chứng kiến tình trạng cỏ cây mọc um tùm, các ngôi mộ chôn cất lộn xộn, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng.

Khuôn viên di tích Nghĩa trang Phan Bội Châu trở nên hoang phế.

Khuôn viên di tích Nghĩa trang Phan Bội Châu trở nên hoang phế.

Chúng tôi tìm gặp ông Lê Văn Thế (75 tuổi), người có trách nhiệm trông nom, chăm sóc nghĩa trang. Ông cho biết: “Ông cụ thân sinh của tôi tên Lê Văn Phác là học trò của cụ Phan Bội Châu. Khi còn sống, cụ Phan đã cho phép thân sinh tôi đưa cả gia đình đến xây nhà ở trong khu vực nghĩa trang để tiện cho việc trông coi, hương khói. Sau khi thân sinh tôi mất, tôi tiếp tục công việc này”.

Nghĩa trang Phan Bội Châu có diện tích 5.625m² được bắt đầu xây dựng từ năm 1934, với mục đích làm nơi an nghỉ cuối cùng của những người cùng chí hướng với cụ Phan. Nghĩa trang này trở thành nơi yên nghỉ của chí sĩ yêu nước Nguyễn Chí Diểu, nữ sĩ Đạm Phương, nhà văn Hải Triều, liệt sĩ Lê Tự Nhiên... Năm 1991, Bộ Văn hóa - Thông tin đã công nhận Nghĩa trang Phan Bội Châu là di tích lịch sử cấp quốc gia.

Ông Lê Văn Thế còn cho biết, suốt gần 20 năm qua, ngành chức năng “quên” cấp kinh phí hương khói cũng như đầu tư xây dựng tường rào, chỉnh trang các phần mộ. “Việc chăm sóc khu nghĩa trang chỉ do hai vợ chồng tôi lo liệu, không có bất cứ sự hỗ trợ nào. Nhưng mấy năm gần đây, tôi già yếu quá nên không quản lý nổi, nhiều người cứ thả rông trâu bò ăn cỏ làm hư hại di tích”, ông Thế nói.

Kinh phí: Chờ!

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hữu Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử - Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, di tích Nghĩa trang Phan Bội Châu trong những năm gần đây gặp rất nhiều vấn đề cần phải khắc phục, trong đó nổi cộm nhất là việc một số người tự ý chôn cất người thân của mình trong khu vực nghĩa trang mà không tuân theo quy ước ban đầu do cụ Phan Bội Châu đặt ra.

Do thiếu kinh phí nên năm 2000 chính quyền địa phương mới xây được một nhà bia, cổng sắt có trụ bằng xi măng. Hằng năm, Bảo tàng Lịch sử - Cách mạng tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp với Trường THCS Nguyễn Chí Diểu (TP Huế) tổ chức làm vệ sinh và dâng hoa, thắp nhang những phần mộ nằm trong khuôn viên di tích.

“Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị với Sở Văn hóa - Thông tin và Du lịch (VH-TT-DL) phê duyệt kinh phí chỉnh trang, quy hoạch lại di tích nghĩa trang một cách khoa học nhưng sở chưa duyệt. Sắp tới, địa phương sẽ cho xây lại bờ tường bao quanh, giải quyết dứt điểm căn nhà của gia đình ông Thế nằm trong khuôn viên di tích. Mặt khác, địa phương cũng sẽ tiến hành di dời những ngôi mộ không phù hợp với quy ước của cụ Phan khi lập bia, xây dựng nghĩa trang”, ông Đỗ Hữu Hà nói.

Thế nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề bao giờ tiến hành thì ông Hà trả lời: “Phải đợi Sở VH-TT-DL phê duyệt đề án quy hoạch và cấp kinh phí thì mới thực hiện được”!

Nhiều ý kiến cho rằng khó có thể biết được bao giờ Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế mới phê duyệt đề án quy hoạch và cấp kinh phí. Trong khi đó, nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu dù đã được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia vẫn đang tiếp tục xuống cấp nghiêm trọng.

Vũ Văn Thắng
(SGGP-12G)

Tin cùng chuyên mục