Vụ “bức tử” rừng để lấy than ở Quảng Nam : Phá rừng có... giấy phép?

Vụ “bức tử” rừng để lấy than ở Quảng Nam : Phá rừng có... giấy phép?

Báo SGGP số ra ngày 14-7 đã có bài phản ánh về tình trạng hàng trăm hécta rừng ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) bị phá nát. Theo phản ánh của người dân địa phương, nhiều đơn vị đã và đang tập trung máy móc, nhân lực ngày đêm khai thác than đá tại đây hoạt động có... giấy phép. Muốn khai thác than đá nằm trong lòng núi thì không thể không bạt núi, phá rừng, nhất là đối với những mỏ than lộ thiên. Bởi thế, việc cấp phép cho các đơn vị khai thác than đá tại đây chẳng khác nào cấp phép cho họ phá rừng, bạt núi.

  • Tỉnh cấp phép, xã “bó tay”

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc khai thác than đá không chỉ diễn ra ở khu vực rừng Khe Tre. Từ nhiều năm nay, các khu rừng khác ở xã Đại Hưng với gần trăm hécta cũng đã và đang bị cày xới tan hoang. Hiện có 8 đơn vị đang khai thác ở đây, trong đó 3 đơn vị vừa được cấp phép, 2 đơn vị khác giấy phép gần hết hạn, 3 đơn vị còn lại dường như khai thác “chui” .

Rừng núi ở xã Đại Hưng bị tàn phá, cày xới tan hoang do khai thác than.Ảnh: Nguyễn Hùng

Rừng núi ở xã Đại Hưng bị tàn phá, cày xới tan hoang do khai thác than.Ảnh: Nguyễn Hùng

Ông Phạm Đức Thịnh, Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho biết: “Việc cấp phép khai thác than tại các khu rừng này là do tỉnh cấp. Huyện, xã không biết. Trong số các đơn vị đang khai thác tại đây, chỉ có 3 đơn vị không có giấy phép. 3 đơn vị này liên doanh với các đơn vị có phép để... phối hợp khai thác và chia lợi nhuận”.

Ông Thịnh cho biết thêm, khi thấy các công ty kéo hàng trăm công nhân cùng xe ủi, xe xúc, xe tải đến và tiến hành khai thác than trên địa bàn, chính quyền địa phương thật sự bất ngờ. Khi chính quyền địa phương kiểm tra, các đơn vị khai thác trưng ra... giấy phép do cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam cấp.

“Với giấy phép đó thì chúng tôi không thể can thiệp gì được. Nhiều lần họp dân, nghe bà con phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do việc hủy hoại rừng ngày càng nghiêm trọng. Chúng tôi đã đi kiểm tra thực tế và thấy đó là sự thật và rất lo ngại về vấn đề này. Chúng tôi đã làm đơn, qua nhiều cuộc họp đã có kiến nghị với UBND huyện cấm các đơn vị khai thác than đá phá rừng. Đồng thời phải hoàn thổ và trồng lại cây tại những nơi đã khai thác xong, không được tiếp tục khai thác ra phần diện tích khác và có biện pháp ngăn chặn tình trạng chảy đất đá, than đá xuống dưới chân núi. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời”- ông Phạm Đức Thịnh chua chát nói.

Đối với nạn đốn hạ cây rừng để đốt lấy than, theo tìm hiểu của chúng tôi, chính quyền địa phương đã nhiều lần tổ chức truy quét nhưng chưa thể ngăn chặn được. Một trong các lý do chính mà cán bộ địa phương đưa ra là do rừng núi hiểm trở, khi lực lượng chức năng đến nơi thì các đối tượng phá rừng đã bỏ trốn đi nơi khác. Khi lực lượng chức năng rút về, đâu lại vào đấy. Ngoài ra, các đối tượng đốn hạ cây đốt lấy than phần lớn là người dân nơi khác đến nên không thể tuyên truyền vận động để chấm dứt tình trạng này.

  • Đùn đẩy trách nhiệm

PV Báo SGGP đã chất vấn ông Dương Chí Công, Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Quảng Nam. Ông Công cho rằng: “Khi Báo SGGP thông tin chúng tôi mới biết sự việc này. Việc cấp phép cho các đơn vị khai thác than ở xã Đại Hưng là do UBND tỉnh. Chúng tôi sẽ cử anh em đi kiểm tra rồi báo với các anh sau”.

Nói đến đó, ông Công bảo chúng tôi hãy liên hệ với ông Nguyễn Viễn, Phó Giám đốc sở vì ông này nắm rõ vấn đề hơn. Chúng tôi tiếp tục hỏi ông Viễn thì ông Viễn cho rằng: “Việc này có lẽ do Sở NN-PTNT cùng Sở Công thương và UBND huyện Đại Lộc tham mưu với tỉnh để cấp phép. Tôi cho anh em kiểm tra rồi báo cáo sau!”.

Đem vấn đề này trao đổi với ông Nguyễn Văn Trúc, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc thì ông Trúc lại đẩy trách nhiệm cho ông Phạm Đức Tính, Phó Chủ tịch và ông Tính tiếp tục “đá” sang cho ông Bùi Đức Lợi, Trưởng phòng Tài nguyên – Môi trường huyện. Và rồi ông Lợi lại tiếp tục từ chối trả lời với lý do: “Tôi đang đi công tác, có gì sau khi về tôi sẽ báo anh biết”.

Sự thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số cơ quan chức năng và chính quyền địa phương khiến rừng đầu nguồn xã Đại Hưng đã, đang và sẽ tiếp tục bị cày xới, “bức tử”.

Cuộc sống hàng trăm hộ dân dưới chân núi đang bị đe dọa, thảm họa về môi trường đang dần hiển hiện trước mắt. Hàng ngàn hộ dân khác ở vùng hạ lưu sông Vu Gia, Thu Bồn chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi xảy ra mưa lũ cũng như nguồn nước sinh hoạt, sản xuất bị ô nhiễm trầm trọng bởi than đá chảy hòa vào dòng nước

NGUYỄN HÙNG

- Bài liên quan:

>> “Bức tử” rừng để lấy than

*****

Lâm Đồng: Tạm ngưng cấp phép các dự án trồng rừng

(SGGP).- UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành quyết định tạm ngưng cấp phép đầu tư cho các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh và thu hồi những dự án triển khai không đúng mục đích. Lâm Đồng hiện có 178 dự án liên quan đến rừng, với tổng diện tích rừng đã giao cho các doanh nghiệp trồng, quản lý và bảo vệ lên tới 56.000ha. Trong đó, khoảng 60% dự án sau khi được cấp phép đầu tư, không những doanh nghiệp không quản lý được rừng mà còn trực tiếp tham gia phá rừng, bán rừng và sử dụng vào mục đích khác (Báo SGGP đã phản ánh trong bài “Lâm Đồng: Nhận trồng rừng để… phá rừng”). Cũng theo quyết định trên của tỉnh, những dự án sử dụng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi, giao khoán lại cho người dân chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, nhất là những hộ thuộc diện được hỗ trợ giảm nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

C. HOAN

Tin cùng chuyên mục