Ninh Bình: Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn

Ninh Bình: Du lịch sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn

Thường vụ Tỉnh ủy Ninh Bình vừa tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030. Nhân dịp này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Bình (ảnh), Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình:

- Phóng viên: Năm 2008, tỉnh Ninh Bình đã hoàn thành và vượt mức 15/15 chỉ tiêu đề ra, xin ông cho biết những kết quả đã đạt được trong 8 tháng đầu năm 2009?

Ông Trần Hữu Bình

Ông Trần Hữu Bình

Ông TRẦN HỮU BÌNH: Trong 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 535 tỷ đồng, tổng đầu tư phát triển ước đạt 1.100 tỷ đồng, thu ngân sách ước đạt 187 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 11 triệu USD. Hiện nay, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các đơn vị nỗ lực cố gắng hoàn thành các mục tiêu đề ra. Năm 2009, tỉnh đã tập trung giải quyết những nhiệm vụ cơ bản như: thực hiện tốt những giải pháp cấp bách của Chính phủ nhằm duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời huy động mọi nguồn lực phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả và bền vững; tập trung cao hơn cho phát triển công nghiệp và dịch vụ-du lịch; phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; nâng cao trách nhiệm và năng lực điều hành của cơ quan quản lý Nhà nước, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội…

- Theo ông, Nghị quyết 15-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển KT-XH của tỉnh?

Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ra đời là cần thiết trong điều kiện du lịch Ninh Bình đang có bước phát triển nhanh như hiện nay. Ninh Bình có tài nguyên du lịch tự nhiên phong phú và hấp dẫn, đặc biệt là có vùng núi đá vôi với hệ thống hang động nguyên thủy và hệ sinh thái độc đáo, đan xen với những di tích lịch sử văn hóa. Cùng với những khu, điểm du lịch nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, còn có sự xuất hiện của các khu, điểm mới như KDL sinh thái Tràng An, KDL tâm linh núi chùa Bái Đính, Khu sinh thái đất ngập nước Vân Long, Khu tắm ngâm Kênh Gà... Năm 2008, ngành du lịch đón 1,9 triệu lượt khách. Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2009 Ninh Bình đã đón tới 1,2 triệu lượt khách, đạt 63,3% so với kế hoạch năm (tăng 43,6% so với cùng kỳ năm 2008), doanh thu đạt trên 114 tỷ đồng.

Nghị quyết số 15-NQ/TU đã đề ra những chủ trương, chính sách đồng bộ, những giải pháp cụ thể về xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết phát triển du lịch, đầu tư phát triển hạ tầng và xây dựng sản phẩm du lịch, trong đó coi trọng công tác quản lý, phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch; nâng cao nhận thức cộng đồng và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch... sẽ thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả cao, với mục tiêu đưa Ninh Bình thành một trong những trung tâm du lịch trọng điểm của cả nước.

- Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 15 cần phải khắc phục những khó khăn gì, thưa ông?

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, đòi hỏi tập trung các nguồn lực nhằm khai thác lợi thế, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động, tạo chuyển biến trong nhận thức về trách nhiệm của mỗi đơn vị, cá nhân trong việc phát triển du lịch, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về du lịch, sự phối hợp tham gia chặt chẽ của các ngành, các thành phần kinh tế. Có như vậy, mới nhanh chóng đưa du lịch vươn xa, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh, đóng góp lớn cho kinh tế-xã hội của tỉnh, tạo ra diện mạo mới của vùng đất Cố đô Hoa Lư văn hiến.

Khu du lịch tâm linh Bái Đính ở Ninh Bình. Ảnh: TRUNG PHẠM

Khu du lịch tâm linh Bái Đính ở Ninh Bình. Ảnh: TRUNG PHẠM

- Trong những năm gần đây thành tích thể thao tỉnh nhà đã có bước tiến vượt bậc. Vậy đâu là bí quyết của sự thành công đó?

Để đạt được những thành tích như, đội tuyển bóng đá Vinakansai được thăng hạng đội mạnh, đội tuyển bóng chuyền Tràng An Ninh Bình xếp thứ nhì đội mạnh toàn quốc, VĐV của nhiều môn thể thao khác đã đạt thành tích xuất sắc tại các giải đấu quốc gia và quốc tế là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh bằng những chế độ chính sách thích hợp. Trên cơ sở những kết quả đạt được, chúng tôi xây dựng chiến lược phát triển thể thao thành tích cao cho các môn thể thao trọng điểm như bóng đá, bóng chuyền, cờ vua, cầu lông, điền kinh… bằng việc, tập trung cho công tác đào tạo trẻ. Theo đó, đẩy mạnh công tác xã hội hóa, kêu gọi các nhà tài trợ cùng chung sức tạo nên sức mạnh tổng hợp, có bước tiến vững chắc trong những năm tới.

- Xin cảm ơn ông.

Võ Hùng (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục