Làng “đi Lào”

Làng “đi Lào”

(SGGP).- Như bao nhiêu làng quê khác ở miền quê nghèo Phú Lộc (Thừa Thiên - Huế), phần lớn người dân xã Lộc Bổn, trước đây chỉ quanh quẩn với cây lúa, mảnh vườn nên mãi không “ngóc đầu” lên được. Cả xã chẳng có ai mua nổi cái xe máy cho “ra hồn”. Thế nhưng, bây giờ, ở Lộc Bổn đã có “lộc”, hầu như nhà nào cũng có “xế nổ” xịn mua được nhờ người nhà qua Lào làm ăn gửi tiền về. Và cũng vì thế, thanh niên ở đây cứ khi nào cảm thấy “học không vô” nữa là tính đến chuyện… “Tây tiến” qua Lào kiếm sống.

Những cuộc ra đi vì cơm áo…

Theo ông Võ Đại Củng, Trưởng thôn Hòa Mỹ xã Lộc Bổn, cả làng Hòa Mỹ có gần 500 hộ gia đình với trên 2.300 nhân khẩu thì đã có gần 500 người đi Lào. Như vậy, tính trung bình, ở Hòa Mỹ, mỗi nhà có một người sang Lào kiếm sống. “Có lẽ vì vậy mà Hòa Mỹ được người ta phong cho biệt danh: “Làng đi Lào”!...” - ông Củng cười, kết luận.

Chị Trương Thị Lân: Rồi tết ba sẽ về.

Chị Trương Thị Lân: Rồi tết ba sẽ về.

 “Mỗi năm, anh ấy chỉ về vào dịp tết, còn thì biền biệt. Tiền anh ấy kiếm về gom góp chừng vài mùa nữa là sửa được nhà. Mấy mẹ con chị ở nhà trông cậy vào tiền anh ấy gửi về và chăm bẵm thêm mấy con lợn…” - chị Trương Thị Lân kể. Không xa nhà chị Lân là nhà của ông Phan Lộc, hiện đang có đến 3 cậu “quý tử” đang mưu sinh bên đất nước Triệu Voi.

Vợ ông Lộc nói: “Cũng nhờ mấy thằng con qua Lào mà vợ chồng tui xây được ngôi nhà như thế này để ở, chứ gần 20 năm qua phải chui vào chui ra với mấy gian nhà thấp lè tè”…

Đất đai ở Lộc Bổn phần lớn đều là đồi cát, ruộng lúa chỉ làm được một vụ, lại kề sát đầm phá, ngập mặn là chuyện thường xuyên, sản lượng không đủ chi phí phân hóa học và thuốc trừ sâu. Chính vì vậy, những lao động chính, nhất là thanh niên không mặn mà với việc “bám trụ” lao động, sản xuất ở quê. Thế là người nọ rủ người kia, tạo thành phong trào “xuất khẩu lao động” sang Lào.

Họ đi bằng nhiều cách, nhưng chủ yếu qua ngả Quảng Trị. Địa bàn mà dân Lộc Bổn thường nhắm đến ở bên Lào là các tỉnh Pắcxế, Xavanakhệt, Khăm Muộn... Nghề kiếm sống bên ấy thì đủ cả, từ buôn bán nhỏ đến thợ nề, thợ mộc, bán hàng ăn...

Chúng tôi hỏi: “Thế tại sao trước đây cũng ruộng đất này dân không làm mà lại bỏ làng ra đi?”. Huỳnh Phương, một thanh niên ở thôn An Nong giải thích chúng tôi mới vỡ lẽ ra rằng, có một thời vùng đất duyên hải này khá hưng thịnh nhờ việc trồng ớt xuất sang thị trường Đông Âu. Nhưng rồi cây ớt hết thời, từ đó, những cuộc bỏ làng đi xa mưu sinh cứ thế diễn ra.

Phương bảo, trước đây cái xóm nhỏ xứ cát này không có lấy một nóc nhà ngói. Rộ lên phong trào “Tây tiến” sang Lào, dân ở đây mới xây được nhiều nhà kiên cố như thế. Có điều xây nhà được rồi, người ta không giữ cái ước mơ sống trong cái ngôi nhà xây nữa, cứ đi biền biệt, năm hết tết đến mới về.

Sau những năm tháng mưu sinh, nhiều thanh niên trong làng cũng đã quyết định quay trở về quê tìm việc, nhưng mọi chuyện không đơn giản, nhất là đối với những thanh niên ít học. Vì thế, họ lại khăn gói ra đi với những ước mơ nơi đất khách, quê người...

Những hệ lụy

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Xã đoàn Lộc Bổn Bạch Văn Thanh cho biết, hầu hết thanh niên trong xã đi làm ăn xa nên các hoạt động Đoàn - Hội tại địa phương rất khó duy trì, chỉ có lèo tèo vài đoàn viên nòng cốt và một ít học sinh. Nhưng có lẽ vất vả nhất vẫn là công tác tổ chức tuyển quân hàng năm do nhiều thanh niên đi làm ăn quá xa nên không thể gọi về được.

Theo anh Thanh, ở xã Lộc Bổn hiện có đến vài ngàn người lao động đi làm ăn xa, trong đó hơn hai phần ba chọn con đường sang Lào. Anh cho rằng việc đi làm ăn của họ hiển nhiên không có gì là xấu. Bởi nhờ sự chịu thương chịu khó, kiên trì chắt bóp mà đời sống của gia đình đã có chiều hướng “đi lên” rõ rệt. Bằng chứng là ở Lộc Bổn, đời sống kinh tế của nhiều gia đình có con em sang Lào làm ăn đã được “lột xác”.

Làm lụng vất vả cả năm bên nước bạn, nhiều người về chưa tới làng đã vung tiền ăn nhậu say sưa tối ngày. Bên cạnh đó, “sức hút” của việc kiếm tiền nơi xứ người đã khiến thanh niên địa phương không còn yên phận với ruộng đồng như trước. Nhiều học sinh phổ thông vừa tốt nghiệp xong là làm thủ tục “xuất ngoại” sang Lào ngay, không cần biết kết quả thi thế nào. Có những học sinh bỏ học nửa chừng để theo người thân sang Lào, nhà trường đã tìm đủ cách nhưng vẫn không ngăn được. Nguy cơ ruộng bỏ hoang vì không có người làm đang ngày một hiện rõ ở địa phương…

Bà Lê Thị Ngọt năm nay hơn 50 tuổi, ở thôn An Nong, đang phải trông cháu cho vợ chồng đứa con sang Lào kiếm sống. Bà tâm sự với chúng tôi: “Chúng nó đi cả, ở nhà tui buồn lắm nhưng biết làm răng? Mà có riêng tui phải chịu cảnh này mô? Nhà ông Vi ngay bên cạnh có đến hơn chục đứa con trai con gái, thế mà nay vẫn thui thủi ở một mình cùng mấy đứa cháu nội. Tất cả vợ chồng những đứa con đều đã qua Lào mần ăn...”

Và những cuộc ra đi ở đây vẫn còn tiếp diễn…

THÀNH NAM - ÁNH TUYẾT

Tin cùng chuyên mục