TP Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) ngập sâu trong nước

Hôm nay 8-11, tại Bình Định và Phú Yên mưa to có nơi mưa rất to, 
TP Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) ngập sâu trong nước

Hôm nay 8-11, tại Bình Định và Phú Yên mưa to có nơi mưa rất to, mực nước trên các sông lại dâng cao khiến nhiều tuyến đường trong thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) ngập sâu trong nước từ 0,5m đế 1m. Đặc biệt, nhiều địa phương tại Phú Yên hiện bị nước cô lập.

  • Bình Định: Phố biến thành sông 

Ngày 8-11, trên địa bàn tỉnh Bình Định tiếp tục có mưa to, mực nước trên các sông lại dâng cao. Lượng mưa phổ biến từ 130mm-207mm, riêng khu vực TP Quy Nhơn mưa hơn 319mm, huyện An Nhơn 327mm, Hoài Nhơn 244mm… Đến 16 giờ cùng ngày, mực nước sông tại Thạnh Hoà là 7,17m, trên mức báo động (BĐ) II khoảng 0,17m, các sông còn lại ở dưới mức BĐ1.

Đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) ngập nước (ảnh chụp chiều 8-11)

Đường Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn) ngập nước (ảnh chụp chiều 8-11)

Nhiều khu dân cư tại các phường Nhơn Bình, Nhơn Phú… lại bị lũ cô lập. Nhà cửa hàng trăm hộ dân bị ngập nước. Do mưa lớn nên nhiều tuyến đường trong nội thành Quy Nhơn như Trần Hưng Đạo, Trần Phú, Nguyễn Thị Định, Hai Bà Trưng, Chương Dương… bị ngập sâu, có nơi hơn 0,5m -0,8m. Nhiều tuyến đường vào các khu dân cư các phường Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Ngô Mây, Ghềnh Ráng đã ngập sâu từ 0,5- 1m, gây tình trạng ùn tắc giao thông.

Sáng 8-11, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định cùng với ngành chức năng tỉnh đã đi kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với đợt lũ mới
 

Ngư dân Bình Định thu dọn lưới, ngư cụ để phòng tránh thiệt hại

Ngư dân Bình Định thu dọn lưới, ngư cụ để phòng tránh thiệt hại

Theo báo cáo báo nhanh của Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, đến ngày 8-1, mưa lũ đã làm 5 người bị chết, 1 người mất tích, 20 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 55 ngôi nhà khác bị hư hỏng, 40 m đê sông bị vỡ đứt và 8,855 km đê sông bị sạt lở nghiêm trọng. 

Mưa lũ còn làm làm chìm và cuốn trôi 5 tàu cá, 860 ha ao nuôi tôm bị hư hỏng; 1.495 ha lúa, 2.000 ha đậu, bắp, mì bị ngập thối; 1.740 tấn lúa giống bị trôi; kênh mương bị sạt lở, bồi lấp 15.580m và hơn 2.000 m bị lũ cuốn trôi; 134 cống lấy nước, đập bổi trên sông, suối bị hư hỏng hoàn toàn. Nhiều tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ bị lũ tràn phá hoại nặng có 54.952 m³ đất bị sạt lở, 23 cầu, 6 cống hư hỏng, 242.243 m² mặt đường bị xói lơ, nhiều công trình phụ trợ bị hư hỏng.

  • Phú Yên:  Thuỷ điện lại xả nước, lũ chồng lên lũ

Trong khi đó, từ đêm ngày 7 đến chiều tối ngày 8-11, trên địa bàn tỉnh Phú Yên trời tiếp tục mưa rất to. Nơi có lượng mưa cao nhất là huyện Tây Hòa với 62,9mm; TP Tuy Hòa, huyện Đông Hòa với lượng mưa phổ biến 54-55mm. Do xả lũ, mưa lớn, lượng nước đổ về các sông tăng cao rất nhanh nên đến chiều cùng ngày, nhiều địa phương trong tỉnh lại tiếp tục ngập chìm trong nước lũ. 

Tại huyện Tuy An, nước sông Kỳ Lộ dâng cao trở lại kết hợp nước mưa, từ  9 giờ sáng 8-11, tuyến đường đi An Định, An Nghiệp, An Xuân đoạn qua cầu Cây Cam bị ngập, tiếp tục chia cắt giao thông về các xã trên. Nhiều diện tích lúa vụ 10 -12 thuộc các xã An Dân, An Thạch, An Hiệp, An Hoà vừa mới rút chưa kịp hồi phục đã bị ngập sâu, khả năng hư hại hoàn toàn.

Ông Nguyễn Vũ Hành, thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tìm kiến cứu nạn huyện Tuy An cho biết: “Từ đêm 7-11 đến sáng 8-11, cầu Lò Gốm tiếp tục bị chìm trong lũ, chia cắt giao thông về các xã An Ninh Đông, An Ninh Tây và An Thạch và hiện tại trên địa bàn huyện Tuy An mưa rất to và mực nước vẫn đang lên và khả năng cầu Lò Gốm sẽ tiếp tục bị ngập sâu. Chúng tôi đang triển khai các lực lượng trực 100% đề phòng trong đêm 8-11 và rạng sáng 9-11 nước vượt báo động 3 sẽ triển khai di dời nhân dân ở các vùng trũng thấp ven sông đến nơi an toàn”.

TP Quy Nhơn (Bình Định), Tuy Hòa (Phú Yên) ngập sâu trong nước ảnh 3

Người dân vùng bị nước cô lập phải di chuyển bằng xuồng máy

Chiều ngày 8-11, các xã Xuân Phước, Xuân Sơn Bắc, Xuân Sơn Nam, Xuân Quang 3, một số điểm tại thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) cũng bị nước lũ bao vây, chia cắt. Đặc biệt, hiện cầu suối Tía tại xã Xuân Phước đang lên và có khả năng dâng rất cao trong đêm ngày 8-11. Các tuyến đường  tại Đồng Xuân nước lũ tràn qua chia cắt nhiều đoạn. Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN huyện Đồng Xuân, với lượng mưa to kéo dài gây ngập các vùng dân cư, nên chiều tối ngày 8-11, hàng trăm hộ hộ nằm trong vùng trũng thấp sẽ được sơ tán đến các công sở, trường học.

Tại huyện Tây Hoà, các cầu Bến Nhiễu, Bến Trâu và cầu tràn đi các thôn Quảng Mỹ và Thạnh Phú đã ngập sâu gần từ 0,5 – 0,8m, nước chảy xiết, chia cắt giao thông. Nước lũ dâng lên sáng nay đã làm ngập cầu Bến Củi. Một số vùng trũng thấp ven sông Bánh Lái như Mỹ Cảnh, Mỹ Lâm, Cảnh Tịnh, Phú Hữu thuộc xã Hoà Thịnh, Mỹ Thành (xã Hoà Mỹ Tây, huyện Tây Hoà)...nước chưa rút hết, mưa lớn và nước lũ từ thượng nguồn sông Bánh Lái đổ về, tiếp tục gây chia cắt, ách tắc giao thông.

Ông Nguyễn Hữu Pháp, thường trực Ban chỉ huy PCLBTKCN huyện Tây Hoà cho biết: Dự báo nước lũ thượng nguồn sông Bánh Lái sẽ tiếp tục lên trên báo động cấp 3 trong 24giờ tới nên ngày 9-11 các xã như Hoà Thịnh, Hoà Mỹ Tây, Hoà Mỹ Đông sẽ cho học sinh tiểu học và Trung học cơ sở nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Tại thành phố Tuy Hòa, cả ngày nay mưa rất to, lượng mưa đo được trên 188,7mm. Hệ thống thoát nước trong nội thành không thể thoát kịp nên hàng loạt tuyến đường chính như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Phan Đình Phùng, Lê Thành Phương và một số đường nhánh đã bị ngập từ 0,3 – 0,5m, có đoạn ngập bánh xe, nhiều xe mô tô bị chết máy giữa đường.

Đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa - Phú Yên) ngập nước (ảnh chụp chiều 8-11)
Đường Trần Hưng Đạo (TP Tuy Hòa - Phú Yên) ngập nước (ảnh chụp chiều 8-11)

Chiều ngày 8-11, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Quản lý và sửa chữa đường bộ Phú Yên cho biết QL 1A đoạn qua đèo Cả thuộc xã Hòa Xuân Nam (huyện Đông Hòa) tiếp tục bị sạt lở mái ta luy dương. Cụ thể: Tại Km 1359 + 200 mưa làm đất, đá đổ xuống đường lấp rãnh thoát nước gần 300m3; tại Km 1360 + 600 có 4 viên đá to từ núi đổ xuống “nằm ình” chiếm 1/3 mặt đường. Cũng tại vị trí này, xe tải BKS 36M – 6418 chạy hướng Bắc – Nam bị hỏng từ ngày 7-11 cũng nằm án ngữ mặt đường. Lực lượng chức năng đang tiến hành xử lí nhanh để tránh tình trạng ách tắt giao thông.

Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Phú Yên cho biết mưa lớn trên diện rộng, các hồ thủy điện sông Ba Hạ, Krông H, Năng và Sông Hinh đã đạt mức nước thiết kế và đang xả lũ với tổng lưu lượng 3.686m³/s, tăng hơn 2.000m³/s so với 7 giờ sáng ngày 8-11. Trong đó, thủy điện sông Ba Hạ xả gần 2.000m³/s; Sông Hinh 1.200m³/s. Dự kiến trong 6 giờ tới, hồ thủy điện sông Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 4.000m³/s và Sông Hinh khoảng 2.000m³/s.

Dự báo, trong 24 giờ tới trên địa bàn tỉnh và ở thượng nguồn tiếp tục có mưa lớn, mực nước sông Ba sẽ vượt báo động cấp 2, sông Kỳ Lộ và Bánh Lái vượt báo động cấp 3… Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Phú Yên đã có thông báo số 1, chỉ đạo các ban ngành, địa phương cấp tốc triển khai nhân lực và phương tiện phòng chống, tập trung vào các địa bàn ven sông suối, vùng trũng thấp, sẵn sàng ứng cứu, di dời dân từ vùng nguy hiểm đến nơi an toàn…

  • Lũ trên các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên đang lên, các sông ở Đăk Lăk xuống chậm.

Mực nước lúc 13 giờ ngày 8-11 trên các sông như sau: Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 3,51m, ở mức BĐ1; Sông Vệ tại cầu Sông Vệ: 2,94m, trên BĐ1: 0,44m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa: 7,17m, trên BĐ2: 0,17m; Sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng: 7,51m, ở mức BĐ1; Sông Ba tại Củng Sơn: 30,48m, trên BĐ1: 0,98m; tại Phú Lâm: 1,22m, dưới BĐ1: 0,48m; Sông Krông Ana tại Giang Sơn: 423,71m, trên BĐ2: 0,71m; Sông Srêpôk tại Bản Đôn: 172,99m, ở mức BĐ2.

Đêm nay 8-11, mực nước trên các sông như sau: Sông Trà Khúc tại cầu Trà Khúc: 4,0m, trên báo động (BĐ)1: 0,5m; Sông Vệ tại cầu Sông Vệ lên mức: 4,0m, trên BĐ2: 0,5m; Sông Kôn tại Thạnh Hòa lên mức: 7,6m, trên BĐ2: 0,6m; Sông Kỳ Lộ tại Hà Bằng lên mức: 8,50m, ở mức BĐ2; Sông Ba tại Củng Sơn lên mức: 32,50m, trên BĐ2: 0,5m, tại Phú Lâm lên mức: 2,70m, ở mức BĐ2; Sông Krông Ana tại Giang Sơn: 423,3m, trên BĐ2: 0,3m; Sông Srêpôk tại Bản Đôn: 172,7m, dưới BĐ2: 0,3m.

Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Phú Yên.

* Từ sáng 7-11 đến nay, hơn 100 hộ dân thôn Tân An, Tân Hiệp và Bon Đắc R’Moan (xã Đắc R’Moan, thị xã Gia Nghĩa, Đắc Nông) bị chia cắt vì cầu gỗ Lan Anh dài 50m bắc qua suối Đắc Rung bị ngập hơn 1m. Phó Chủ tịch UBND xã Đắc R’Moan Nguyễn Văn Doanh cho biết: “Chiếc cầu này là đầu mối vận chuyển lương thực và tới trung tâm xã của hơn 100 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu của thôn Tân Hiệp, Tân An và bon Đắc R’Moan.

Từ khi cầu bị ngập, xã đã bố trí 10 người túc trực tại đây để ngăn người dân qua lại cầu, tránh nguy hiểm vì suối Đắc Rung sâu hơn 11m. 60 học sinh Trường Mầm non Hoa Cúc, Trường Tiểu học Phan Đình Giót và Trường THCS Lý Tự Trọng ở các thôn, bon trên cũng đang phải tạm nghỉ học vì cầu bị ngập”.

Trong khi đó, chiếc cầu bêtông bắc qua suối Đắc Rung xây dựng thay thế cầu Lan Anh (cách đó 100m) do Công ty CP Thủy điện Đắc R’tih thi công chưa hoàn thành. Hiện tại, 100 hộ dân nói trên phải đi vòng 25km lên ngầm 18 (thôn 5, xã Nhân Cơ, huyện Đắc R’lấp), ra quốc lộ 14 đi vào xã, trong khi bình thường chỉ đi mất 7km. Theo ông Nguyễn Văn Doanh, Công ty CP Thủy điện Đắc R’tih, nguyên nhân nước suối Đắc Rung dâng ngập cầu Lan Anh là do xả nước hồ Thủy điện Đắc R’tih để phục vụ thi công.

Hoàng Trọng - Hà Thanh - Quốc Thắng

Lâm Đồng: Đề nghị hỗ trợ thiệt hại do thủy điện xả lũ

Ngày 8-11, ông Trần Duy Việt, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng đã ký văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng và Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận Đa Mi kiến nghị hỗ trợ và có giải pháp khắc phục lũ lụt do hồ thủy điện xả lũ gây ra.

Theo đó, từ ngày 31-10 đến 5-11, do mưa nhiều nên hồ thủy điện Đa Nhim đã xả lũ gây ngập hơn 650ha hoa màu và 188ha lúa tại 2 huyện Đơn Dương và Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng). Hội Nông dân tỉnh kiến nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí và tác động với Công ty Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận Đa Mi hỗ trợ để nông dân giảm bớt khó khăn, khắc phục hậu quả lũ lụt do xả lũ gây ra.

Theo ông Trần Duy Việt, việc hồ thủy điện Đa Nhim xả lũ gây ngập lụt hoa màu của nông dân Đơn Dương và Đức Trọng đã xảy ra từ nhiều năm nhưng phía công ty thủy điện chưa có động thái phù hợp. Qua thực tế này, Hội Nông dân Lâm Đồng kiến nghị UBND tỉnh quản lý và chỉ đạo các ngành chức năng có cơ chế, chính sách tăng cường quản lý việc thực hiện các quy trình, quy định về xây dựng và vận hành các công trình thủy điện nhằm không để xảy ra thiệt hại cho nông dân (mùa nắng thì phía hạ lưu không có nước do tích nước phát điện, mùa mưa thì ngập lụt do xả lũ).
 


Tin cùng chuyên mục