Dự án Khu đô thị mới Phước Long (Nha Trang): Sai vẫn làm

Cầm đèn chạy trước ô tô
Dự án Khu đô thị mới Phước Long (Nha Trang): Sai vẫn làm

Một dự án nâng cấp đô thị đáng lẽ sẽ nhận được sự hưởng ứng của người dân nếu nó triển khai theo đúng tuần tự pháp lý. Thế nhưng, dự án Khu đô thị mới Phước Long (phường Phước Long – Nha Trang) đã gặp nhiều sự phản ứng từ nhân dân. Thậm chí, khi đơn thư khiếu nại của người dân chưa được giải quyết thỏa đáng thì đất trong vùng dự án nhanh chóng được cưỡng chế giải tỏa.

Cưỡng chế tại Khu đô thị mới Phước Long.

Cưỡng chế tại Khu đô thị mới Phước Long.

Cầm đèn chạy trước ô tô

Năm 2004, Xí nghiệp tư nhân Lâm Khánh (XNTNLK) lập Dự án Khu dân cư Sông Tắc 1 (KDCST1) thuộc địa bàn phường Phước Long (Nha Trang), có diện tích đất 49 ha, tổng vốn đầu tư 709,848 tỷ đồng.

Theo quy định, đây là dự án nhóm A, quyền cho phép đầu tư thuộc Thủ tướng Chính phủ. Ngày 18-1-2006, Thủ tướng có văn bản cho phép đầu tư dự án KDCST1. Đồng thời yêu cầu tỉnh Khánh Hòa xem xét năng lực tài chính của chủ đầu tư, làm rõ phương án huy động vốn, phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư trước khi triển khai dự án này. Thế nhưng mới tháng 4-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa đã cho phép XNTNLK làm chủ đầu tư dự án KDCST1, thời gian thực hiện 2004 - 2008.

Chưa hết, vào tháng 6-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa ra các quyết định thu hồi 49 ha đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng, giao cho XNTNLK. Trong dự án KDCST1, chung cư cao tầng chỉ chiếm 36%. Theo Quyết định số 85/2002/QĐ-UB của UBND tỉnh Khánh Hòa, một số dự án chỉ cần có tỷ lệ chung cư cao tầng đạt 40% đã được hưởng ưu đãi.

Trong khi đó, theo Nghị định số 71/2001/NĐ-CP, điều kiện để dự án nhà ở được ưu đãi đầu tư là tỷ lệ diện tích đất xây dựng chung cư cao tầng phải chiếm ít nhất 60% tổng diện tích xây dựng nhà ở. Nếu chiếu theo cả quyết định của tỉnh Khánh Hòa cùng Nghị định của Chính phủ thì dự án KDCST1 không được hưởng những ưu đãi đầu tư. Thế nhưng, UBND tỉnh Khánh Hòa vẫn cho XNTNLK được hưởng ưu đãi.

Biết bị “hớ” UBND tỉnh Khánh Hòa ba lần kiến nghị Thủ tướng cho dự án KDCST1 được tiếp tục hưởng ưu đãi theo Nghị định số 71/2001/NĐ-CP, nhưng không được chấp thuận.

Ngày 6-4-2007, Thủ tướng ra Chỉ thị yêu cầu kiên quyết thu hồi đất các dự án chủ đầu tư không có khả năng thực hiện. Lẽ ra dự án KDCST1 phải bị thu hồi theo chỉ thị này. Thế nhưng, UBND tỉnh Khánh Hòa lại cho phép XNTNLK tiếp tục thực hiện dự án KDCST1.

Đến đầu năm 2008, UBND tỉnh Khánh Hòa đổi tên dự án KDCST1 thành dự án Khu đô thị mới Phước Long (KĐTMPL), chủ đầu tư mới là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà và đô thị Nha Trang (HUD Nha Trang).

Từ khi được UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép làm chủ đầu tư dự án KDCST1, XNTNLK vẫn chưa hề triển khai được bất cứ hạng mục nào của dự án này. Trong khi tại Công ty HUD Nha Trang, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chiếm 51% vốn điều lệ, ông Nguyễn Văn Khải, Giám đốc XNTNLK chiếm 15% vốn điều lệ. Như vậy, quyền định đoạt dự án KĐTMPL đã được chuyển sang Tổng Công ty HUD.

Theo các quy định đã dẫn thì dự án KDCST1 (nay là KĐTMPL) được phê duyệt không đúng quy định pháp luật, chưa hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng, nên việc chuyển nhượng dự án trong trường hợp này hoàn toàn trái quy định.

Dân chưa thuận

Theo Điều 7, Nghị định số 153/2007/NĐ-CP, dự án chỉ được chuyển nhượng với điều kiện: dự án đã được phê duyệt và đã hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Thế nhưng, khi những quyền lợi của dân trong việc bồi thường, đền bù chưa được giải quyết thỏa đáng, dự án này vẫn được ráo riết triển khai.

Trong các đơn kiến nghị, tố cáo gửi các cơ quan chức năng, người dân đều bày tỏ sự ủng hộ chủ trương đầu tư chỉnh trang khu vực phía Tây đường Lê Hồng Phong. Tuy nhiên người dân đề nghị hủy dự án KDCST1, bởi có quá nhiều sai phạm. Dự án này cần được thành lập lại theo đúng trình tự quy định của pháp luật.

Trong khi các kiến nghị của họ chưa được giải quyết theo quy định của Luật Khiếu nại tố cáo, UBND tỉnh Khánh Hòa lại chỉ đạo UBND TP Nha Trang ra một loạt quyết định cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ dân trong khu vực dự án KĐTMPL. Hiện có hơn 50/124 hộ nằm trong dự án chưa chịu nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng.

Trước đó, do không đồng tình với mức bồi thường và các vấn đề pháp lý liên quan đến dự án, nên gần 70 hộ dân  đã không nhận tiền đền bù và liên tục có đơn thư khiếu nại lên UBND TP Nha Trang, nhưng không được giải quyết.

Trong văn bản số 7403/UBND ngày 3-12-2008 trả lời đơn khiếu nại của các hộ dân, ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng “năng lực tài chính của chủ đầu tư được thể hiện qua tiến độ triển khai dự án”. Cụ thể Xí nghiệp tư nhân Lâm Khánh đã tổ chức công tác kiểm kê đền bù các hộ dân trong khu vực dự án, đồng thời đã nộp tiền sử dụng đất của dự án hơn 4,4 tỷ đồng (qua 2 lần nộp, thời gian cách nhau gần 1 năm).

Trong khi đó, tổng số tiền sử dụng đất trong dự án doanh nghiệp này phải nộp đến gần 49 tỷ đồng. Hơn nữa, theo quy định tại Nghị định 02/2006/NĐ-CP của Chính phủ, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới phải có vốn đầu tư thuộc sở hữu của mình không được thấp hơn 20%. Trong khi đó vốn tự có của doanh nghiệp này chỉ đạt 100 tỷ đồng nếu so với tổng vốn đầu tư dự án (gần 710 tỷ đồng) chỉ chiếm 15,1%.

Thế nhưng, từ tháng 7-2008 đến nay, tỉnh Khánh Hòa đã ráo riết thành lập Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư Dự án khu đô thị mới Phước Long. Cùng lúc, UBND TP Nha Trang ra các quyết định thu hồi đất của các hộ dân trong vùng dự án, tích cực làm công tác tư tưởng để người dân giao đất cho dự án triển khai...

Nhưng đến ngày 2-10-2009, UBND tỉnh Khánh Hòa mới ra quyết định cấp phép đầu tư cho HUD Nha Trang đối với dự án Khu đô thị mới Phước Long. Kết quả, ngày 25-11-2009, các cơ quan chức năng TP Nha Trang (Khánh Hòa) đã cưỡng chế thi hành các quyết định thu hồi đất đối với nhiều hộ dân tại đây.

Văn Ngọc

Tin cùng chuyên mục