Biến đất lúa năng suất cao thành KCN

Đất lúa năng suất cao thành năng suất thấp
Biến đất lúa năng suất cao thành KCN

Để quy hoạch làm KCN, UBND tỉnh Vĩnh Long trình Thủ tướng Chính phủ cho rằng vùng đất này trồng lúa năng suất rất thấp (thực tế rất cao); hay như tự ý cắt giảm, chuyển công năng 30ha đất ở một KCN rồi sau đó mới xin phép Thủ tướng, đã vậy, nói là xây dựng nhà ở cho công nhân, chuyên gia… nhưng cuối cùng lại để chủ đầu tư xây nhà phố, phân lô bán nền… hưởng lợi cả ngàn tỷ đồng (!?).

30ha để xây nhà ở công nhân, chuyên gia… giờ thành nhà phố liên kế, nhà biệt thự.

30ha để xây nhà ở công nhân, chuyên gia… giờ thành nhà phố liên kế, nhà biệt thự.

Đất lúa năng suất cao thành năng suất thấp

Ông Dương Lê Dũng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Vĩnh Long, cho biết: Vĩnh Long hiện có 2 KCN Hòa Phú và Bình Minh, với diện tích 254ha (KCN Hòa Phú đã lấp đầy 100% diện tích, KCN Bình Minh đã lấp đầy 40%). Tháng 9-2009, UBND tỉnh Vĩnh Long có Tờ trình số 27/TTr-UBND, trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt “Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch KCN tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020”. Theo tờ trình này, thì trước đây quỹ đất làm KCN của tỉnh được Chính phủ chấp thuận là 2.179ha, hiện tỉnh mới sử dụng 254ha để làm 2 KCN Hòa Phú và Bình Minh. Như vậy, so với diện tích “khung” cho phép, thì diện tích các KCN cần bổ sung của tỉnh là 17.925ha. Và để có điều kiện đẩy mạnh tăng trưởng, chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa… nên tỉnh Vĩnh Long quy hoạch thêm 5 KCN mới, tập trung chủ yếu ở các huyện Long Hồ, Bình Tân, Bình Minh và huyện Mang Thít với tổng diện tích 1.930ha (nhiều hơn 5ha so quỹ đất cần bổ sung). Trong số này chỉ có khoảng hơn 1.000ha là đất đang sản xuất lúa, nhưng năng suất rất thấp, khoảng 4,07 tấn/ha, thấp hơn năng suất trung bình của tỉnh...

Thế nhưng, thực tế năng suất lúa ở vùng đất này rất cao, 6-7 tấn/ha, thậm chí có nơi đạt 8 tấn/ha. Như tại xã Đông Bình (nơi quy hoạch thành KCN Đông Bình, rộng 350ha), ông Trung - Phó Chủ tịch UBND xã xác nhận vụ lúa đông xuân vừa rồi nông dân xã này thu hoạch trung bình 7 tấn/ha. Ngành nông nghiệp của tỉnh cũng xác nhận, ở Vĩnh Long không có nơi nào năng suất lúa dưới 5 tấn/ha!

Ngày 20-5-2010, UBND tỉnh Vĩnh Long lại có Tờ trình số 14 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp tục giải trình về năng suất lúa quá thấp mà tỉnh này đã nêu trong Tờ trình số 27 gửi Thủ tướng Chính phủ. Tại tờ trình mới này, UBND tỉnh Vĩnh Long đã điều chỉnh, nâng mức năng suất lúa lên từ 4,4 tấn/ha đến 5,5 tấn/ha (dù vậy vẫn còn thấp so với năng suất thu hoạch thực tế của người dân), nhưng vẫn giữ nguyên quan điểm, quy hoạch các vùng đất trên thành KCN.

Điều đáng nói là Công văn số 2031/VPCP-CN ngày 31-3-2008 của Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo không phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định và Công văn số 2693/BKH-KCN&KCX ngày 16-4-2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giải trình đối với từng KCN về hiện trạng sử dụng đất, rà soát, so sánh năng suất lúa của khu vực quy hoạch KCN với toàn tỉnh. So với tinh thần 2 công văn này, thì phần đất lúa mà tỉnh đề xuất như trên không nằm trong diện quy hoạch làm KCN!

Bán nền khu nhà ở chuyên gia?

Ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Văn phòng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Long, cho biết: KCN Bình Minh có một vị trí rất “chiến lược” (nằm dưới chân cầu Cần Thơ), được đầu tư xây dựng từ năm 2002, do một doanh nghiệp của Singapore làm chủ đầu tư. Đến năm 2004, thì doanh nghiệp này “bỏ của chạy lấy người”, nên tỉnh giao KCN Bình Minh lại cho Công ty cổ phần Tư vấn-Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (gọi tắt Công ty Hoàng Quân, trụ sở tại số 31-33-35, Hàm Nghi, quận 1 TPHCM) làm chủ đầu tư.

Sau khi tiếp nhận KCN, ngày 20-5-2004, Công ty Hoàng Quân gửi đơn xin UBND tỉnh Vĩnh Long cho điều chỉnh 30ha đất trong 162ha của KCN Bình Minh để xây dựng nhà ở phục vụ chuyên gia và công nhân... Ngày 28-5-2004, UBND tỉnh Vĩnh Long có Công văn 905 đồng ý cho Công ty Hoàng Quân điều chỉnh công năng diện tích 30ha này.

Có được “bảo bối 905”, tháng 7-2004, Công ty Hoàng Quân tiến hành phát tờ rơi chào hàng dự án KCN và khu dân cư mới Bình Minh (quy mô 30ha), đồng thời rao bán nền nhà với giá 1,8 triệu đồng/m², dù lúc này Công ty Hoàng Quân chưa được giao đất. Và theo bảng chào giá mới nhất của Công ty Hoàng Quân vào ngày 28-4-2010 thì trong tổng số gần 1.200 lô nền, nhà thô liên kế, biệt thự thô trong khu dân cư mới Bình Minh, Công ty Hoàng Quân đã bán gần hết (hiện chỉ còn 92 căn nhà phố liên kế và 13 căn biệt thự). Giá căn nhà liên kế trung bình từ 700 triệu đến 1,8 tỷ đồng/căn, tùy vị trí. Còn biệt thự xây thô, giá từ 1,8 tỷ - 2 tỷ đồng/căn. Tính ra, nếu bán hết các lô nền, nhà thô… tại khu dân cư mới Bình Minh, Công ty Hoàng Quân thu hàng trăm tỷ đồng.

Mãi đến tháng 4-2008, UBND tỉnh Vĩnh Long mới làm các thủ tục trình lên Thủ tướng xin chuyển đổi công năng 30ha trên. Đến tháng 5-2008, Thủ tướng Chính phủ mới cho phép thay đổi hình thức đầu tư (từ 100% vốn nước ngoài thành vốn trong nước) và đồng ý cho chuyển đổi 30ha đất sang xây dựng nhà ở cho chuyên gia, công nhân và dịch vụ.

Ngày 8-6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Minh, Chánh Văn phòng Ban Quản lý các KCN Vĩnh Long cho biết: “KCN Bình Minh chỉ mới lấp đầy khoảng 6% diện tích”, chứ không phải 40% như UBND tỉnh đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong Tờ trình số 27 vào ngày 28-9-2009 (!?). Còn ông Dương Lê Dũng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh, khi được hỏi: Tại sao tỉnh xin Thủ tướng cắt 30ha đất KCN Bình Minh để xây nhà ở công nhân, chuyên gia… nhưng cuối cùng biến thành khu dân cư? Ông Dũng cho rằng: “30ha xin điều chỉnh là để xây nhà ở công nhân, chuyên gia… hiện nay vẫn thế. Khi biết Công ty Hoàng Quân rao bán nhà, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo bảo ngưng, không được bán, vì đây là khu nhà ở công nhân, chuyên gia, chứ không phải là khu dân cư”.

Đăng Nguyên

Tin cùng chuyên mục