Dời nhà chạy lũ

Nhà ngập trên diện rộng
Dời nhà chạy lũ

Các tỉnh ĐBSCL đang đối mặt với lũ lớn hoành hành trên diện rộng. Cùng với gia cố đê bao bảo vệ hàng chục ngàn hécta lúa thu - đông, việc bảo vệ an toàn tính mạng người dân là nhiệm vụ cấp bách. Dời nhà chạy lũ là giải pháp tốt nhất nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Nhiều căn nhà ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị ngập do lũ.

Nhiều căn nhà ở thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) bị ngập do lũ.

Nhà ngập trên diện rộng

Chiều 29-9, chúng tôi trở lại vùng lũ đầu nguồn Tân Hồng - Hồng Ngự. Dọc theo quốc lộ 30 nước ngập trắng đồng. Nước từ thượng nguồn sông Mê Công tiếp tục tràn qua vùng lũ Đồng Tháp với cường suất từ 5 - 15cm/ngày, kèm theo gió lớn tạo thành những lượn sóng đánh dữ dội ở cánh đồng Tân Hồng - Hồng Ngự.

Chị Trần Thu Huyền, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, cho biết: “Mấy ngày nay nước lũ lên nhanh quá khiến nhiều nơi trong xã bị lũ nhấn chìm, công tác phòng chống lũ lụt trở nên vô cùng cấp bách”. Tại các ấp Bình Lý, Bình A, Bình Hưng… nhà dân liên tục bị ngập buộc phải di dời. Bà Lê Thị Ân, ấp Bình A, than thở: “Hồi đầu tháng 9 nước đã ngấp nghé ngập nhà, thấy không ổn nên nhờ người kê kích lên. Sau đó nước tiếp tục dâng cao buộc phải kê lần 2, rồi lần 3… nhưng rồi vẫn không ở được vì lũ tràn vào nhà làm ngập sâu trên 6 tấc. Gia đình nghèo không có chỗ di dời nên phải lên quốc lộ 30 che lều ở tạm”.

Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Bình Thạnh, đến nay đã có 128 hộ nhà bị ngập sâu buộc phải di dời khẩn cấp; 118 hộ kê kích nhà lên cao lần 2, lần 3 và có khả năng phải tháo chạy trong vài ngày tới; 93 hộ chằng lại nhà vì bị dông gió và nước lũ đe dọa. Trên 7ha lúa vụ 3 dù còn xanh nhưng phải thu hoạch sớm nhằm tránh thiệt hại. Hiện 59ha tôm càng xanh nuôi trên ruộng bị lũ đe dọa bởi sóng gió rất mạnh. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thạnh Trần Thu Huyền lo lắng, nếu những ngày tới lũ lên cao sẽ có hàng loạt nhà dân bị nhấn chìm và chuyện di dời sẽ rất căng thẳng.

Tại các huyện Tam Nông, Tân Hồng, Thanh Bình… nhiều nhà dân đã bị nước lũ tràn vào. Chị Phạm Thị Trinh, xã Phú Hiệp, huyện Tam Nông cho biết, cánh đồng lúa đã trở thành biển nước. Cứ từ trưa đến tối là gió mạnh lên kèm theo sóng dập vào nhà dữ dội, làm vỡ vách, sụp nền, gãy đổ hết không ai dám ở. Lo lắng nhất là gia đình có con nhỏ, chỉ cần sơ suất một chút thì tai họa ập đến. Để đảm bảo an toàn cho 2 đứa con nhỏ, chiều 29-9, vợ chồng chị Trinh ra tỉnh lộ 843 che chòi ở tạm, chờ khi lũ rút mới dám quay về sửa lại nhà.

Nguy cơ đói!

Mất mùa lúa vụ 3 đẩy nhiều hộ ở Đồng Tháp đứng trước nguy cơ đói. Ông Đặng Văn Đặt, ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A, huyện Tân Hồng, rầu rĩ: “Đầu tư gần 60 triệu đồng vào 4ha lúa ở đê bao Cả Mũi đã bị nước lũ cuốn sạch. Hiện tại, nợ ngân hàng chưa biết tính sao, trong khi gạo ăn hàng ngày cũng đã hết, làm mướn thì không ai kêu, cuộc sống đang rất bấp bênh”. Theo UBND xã Tân Thành A, đa phần người dân sống nhờ vào nông nghiệp. Vì vậy, 500ha lúa 3 vừa bị lũ nhấn chìm sẽ kéo theo hàng loạt hộ lâm vào cảnh khốn khó. Để chờ đến ngày thu hoạch vụ lúa đông - xuân 2011 - 2012 phải mất từ 5 - 6 tháng nữa. Với khoảng thời gian rất dài này nhiều hộ dân chưa biết làm gì để sống. Ông Đoàn Ngọc Anh, ấp Chiến Thắng, xã Tân Thành A thừa nhận, cuộc sống của người dân rất khó khăn bởi thời gian giáp hạt quá dài.

UBND xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự cho biết đã có khoảng 150 hộ nghèo cần cứu đói khẩn cấp. Nguyên nhân do lũ lớn làm ngập nhà, hư hỏng phương tiện sản xuất, đồng ruộng sóng gió không thể đánh bắt thủy sản… Xã đang lập danh sách để kêu gọi các mạnh thường quân và ngành chức năng hỗ trợ giúp bà con qua mùa lũ lớn. Bà Nguyễn Thị Thành Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hộ Cơ, huyện Tân Hồng trăn trở, toàn xã có trên 1.055 hộ nghèo và 326 hộ cận nghèo, trong khi mùa lũ còn kéo dài và diễn biến phức tạp. Vì vậy nguy cơ đói là có thực.

* Bà Trần Thị Thái, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết: đã chỉ đạo cho Sở LĐTB-XH phối hợp cùng các huyện và ngành liên quan thống kê thực tế số hộ dân gặp khó khăn trong mùa lũ để có chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước. UBND tỉnh cũng yêu cầu ngành giáo dục và đào tạo cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở thuộc các điểm trường trong vùng ngập lũ tạm nghỉ - số lượng không hạn chế, chờ đến khi lũ rút mới cho học lại. Đảm bảo an toàn tính mạng cho học sinh và người dân là ưu tiên hàng đầu hiện nay.

>> Chống chọi bão số 5, cứu lúa hè thu

Huỳnh Phước Lợi

Tin cùng chuyên mục