Lũ nhấn chìm miền Trung

* 24 người chết và mất tích
Lũ nhấn chìm miền Trung

* 24 người chết và mất tích
* Lũ "cắt đứt" Quốc lộ 1A
* Một xe khách mắc kẹt giữa dòng lũ, một xe tải bị lật

Suốt đêm qua và sáng nay, 8-11, mưa lớn tiếp tục đổ xuống miền Trung, lũ trên các sông tiếp tục dâng cao và vượt báo động 3. Hàng chục nghìn hộ dân bị lũ nhấn chìm, giao thông bị chia cắt, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn. Đây được xem là trận lũ lớn nhất từ đầu năm đến nay ở các tỉnh Nam Trung bộ (đặc biệt là Quảng Nam).  

Lũ lớn nhấn chìm nhà dân ở vùng trũng huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Hùng

Lũ lớn nhấn chìm nhà dân ở vùng trũng huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo Trung tâm Phòng chống Lụt bão miền Trung – Tây Nguyên, đến sáng nay, lũ lụt đã làm cho gần 500 nghìn hộ dân miền Trung bị ngập chìm trong nước, có nơi bị ngập sâu đến 3m. Đặc biệt, tại Quảng Nam do lũ trên sông Vu Gia – Thu bồn đều vượt báo động 3 đến 1m nên đã có khoảng 200 nghìn hộ dân (chiếm 62% tổng số hộ) thuộc các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc và TP Hội An bị ngập.

Nước lũ chảy xiết nhấn chìm và làm sập đổ nhiều công trình tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi

Nước lũ chảy xiết nhấn chìm và làm sập đổ nhiều công trình tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi

Chiều tối 8-11, ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam cho biết, tính đến cuối ngày 8-11, toàn tỉnh Quảng Nam có 17 người chết và 1 người mất tích do mưa lũ. Riêng ngày 8-11 có 6 người chết và mất tích. Nạn nhân còn mất tích là cháu Trần Tiến (SN 1998, trú xã Điện Phương, huyện Điện Bàn), bị lũ cuốn mất tích vào khoảng 8 giờ 30 ngày 8-11. Có 3 học sinh chết là em Lê Duy Hòa (lớp 5/4, Trường Tiểu học Kim Đồng, thị trấn Hà Lam); em Đỗ Văn Việt (lớp 12, Trường THPT Tiểu La, Thăng Bình) và em Nguyễn Văn Thắng (lớp 7/2, Trường THCS Lê Thị Hồng Gấm, xã Tiên Cảnh, Tiên Phước). Lũ đã làm ngập 76 xã phường, với 73.000 nhà dân, chủ yếu tập trung tại huyện Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An, Nông Sơn.

Ông Phạm A, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: đến 13 giờ ngày 8-11, gia đình, người dân cùng các cơ quan chức năng đã tìm thấy thi thể cô giáo Trương Thị Nhân (31 tuổi), giáo viên Trường THCS A Vương (Tây Giang) bị nước lũ cuốn mất tích từ sáng 7-11, khi cô đang đến trường dạy học. 

Người dân thôn Bồ Bàn (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sơ tán bằng ghe. Ảnh: NGUYÊN KHÔI
Người dân thôn Bồ Bàn (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) sơ tán bằng ghe. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Từ khuya 7-11 đến sáng 8-11, mưa kéo dài với lượng mưa rất lớn đã gây ngập tại TP Đà Nẵng trên diện rộng. Gần như toàn bộ các tuyến đường trong nội thành bị ngập sâu trong nước. Tại các tuyến đường như: Đống Đa, Quang Trung, Lý Thái Tổ, Phan Chu Trinh, Bạch Đằng, Trần Cao Vân… bị ngập sâu trong nước, có đoạn ngập đến gần 1m. Riêng tuyến đường Tôn Đức Thắng - đoạn QL1A qua địa bàn TP Đà Nẵng – từ Bến xe Trung tâm đến ngã ba Huế bị ngập sâu trong nước, giao thông trên tuyến bị cắt đứt toàn bộ.

Cùng thời điểm trên, nước lũ về nhanh nhấn chìm hàng chục ngàn nhà dân tại các xã: Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Liên, Hòa Sơn... từ khoảng 0,5 - 3m nước. Ngày 7 và 8-11, hai hồ chứa nước lớn của huyện Hòa Vang là hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) và hồ Hòa Trung (Hòa Ninh) đồng loạt xả lũ. Riêng hồ Hòa Trung mực nước vượt tràn đến 1,8m.

Khoảng 11 giờ 30 ngày 8-11, ông Đặng Tánh (SN 1964, trú thôn La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) đang dọn đồ tránh lũ thì bị sẩy chân chết. Trưa cùng ngày, lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang và lãnh đạo xã Hòa Khương đã đi thăm và hỗ trợ cho gia đình ông Tánh 2 triệu đồng để tổ chức ma chay. Đây là trường hợp tử vong thứ 3 ở TP Đà Nẵng trong đợt lũ này.

* Tại Quảng Bình, mưa lớn khiến đường Hồ Chí Minh bị lũ cô lập, nhiều nơi bị cô lập nghiêm trọng. Đặc biệt đoạn khu vực đèo Lò Xo (thuộc địa phận huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) giáp ranh với huyện Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đã bị sạt lở nặng, gần 500m³ đất đá tràn xuống đường, gây ách tắc giao thông. Nhiều xe khách chạy tuyến Bắc - Nam qua cung đường này bị ách tắc.

Từ chiều tối 7-11 đến trưa nay 8-11, đã có hàng trăm phương tiện xe khách và xe tải bị kẹt cứng trên đèo Lò Xo, hành khách phải vạ vật giữa núi rừng, do khu vực này không có hàng quán.

Hôm nay, lực lượng cảnh sát giao thông đã hướng dẫn các phương tiện thường xuyên đi trên tuyến đường Hồ Chí Minh, nay chạy theo hướng quốc lộ 19. Còn tại địa phận tỉnh Kon Tum, các phương tiện đi theo tuyến quốc lộ 24 về Quảng Ngãi, để ra quốc lộ 1A.

Lũ thổi bay một đoạn đường tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG
Lũ thổi bay một đoạn đường tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình. Ảnh: MINH PHONG

* Tại Thừa Thiên Huế, nhiều tuyến đường nội thị TP Huế ngập bình quân từ 0,2-0,6m. Tỉnh lộ 4 đoạn qua xã Hương Vinh, tràn Thủ Lễ ngập 1m; tỉnh lộ 8A, 8B qua địa phận 3 huyện Quảng Điền, Phong Điền, Hương Trà ngập 0,5-1m; các tỉnh lộ 1, 2, 3 và 10A ngập 0,3-0,7m, tỉnh lộ 17 từ thị trấn Phong Điền đi Phong Mỹ ngập cục bộ nhiều đoạn.

Sáng 8-11, đường sắt Bắc Nam đoạn qua khu gian Văn Xá bị ngập 30 - 50cm khiến 4 đoàn tàu SE1, SE3, SE5, SE19 bị kẹt tại ga Hiền Sỹ (huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) và đoàn tàu SE8 bị kẹt tại ga Huế. Đến 14 giờ 30 phút cùng ngày đã thông tuyến trở lại. Riêng hai huyện Nam Đông và A Lưới của tỉnh Thừa Thiên - Huế có 25 công trình hồ đập bị hư hỏng, sạt mái, mặt đập. Hơn 500 trường học trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã cho học sinh nghỉ học tránh lũ.

Tại các siêu thị, chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Trường An... người dân TP Huế đổ xô đến mua hàng hoá và nhu yếu phẩm tích trữ đã làm một số mặt hàng nhu yếu phẩm như rau xanh, thịt heo, trứng gà, vịt theo đó mà tăng giá mạnh. Rau muống ngày thường giá 7.000đ/mớ, sáng nay đã có giá 10.000-12.000đ/mớ, các loại rau củ quả khác như cà chua, cải củ, bắp cải... cũng tăng giá từ 3.000-4.000đ/kg. 

Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đơn vị đã chuẩn bị 100 tấn gạo và 100 tấn mì ăn liền để chủ động cứu trợ người dân vùng lũ theo sự chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh. Ngoài ra, Sở Công thương cũng đã vận động các doanh nghiệp trên địa bàn ký hợp đồng sẵn sàng xuất hàng dự trữ (100.000 lít xăng dầu, 300 tấn gạo và 200 tấn mì tôm) khi có yêu cầu.

Người dân thành phố Huế phải dùng thuyền nhỏ để di chuyển trên đường nhựa bị ngập lụt. Ảnh: Văn Thắng

Người dân thành phố Huế phải dùng thuyền nhỏ để di chuyển trên đường nhựa bị ngập lụt. Ảnh: Văn Thắng

Nhiều tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập lụt gây ách tắt giao thông. Ảnh: Văn Thắng

Nhiều tuyến đường tại thành phố Huế bị ngập lụt gây ách tắt giao thông. Ảnh: Văn Thắng

Quốc lộ 1A bị cắt đứt tại Thanh Quýt (Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nguyên Khôi

Quốc lộ 1A bị cắt đứt tại Thanh Quýt (Điện Thắng Bắc, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam). Ảnh: Nguyên Khôi

Nước lũ nhấn chìm nhà dân tại thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi

Nước lũ nhấn chìm nhà dân tại thôn Phú Hòa, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng. Ảnh: Nguyên Khôi

Người dân xã Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) chạy lũ. Ảnh: Nguyên Khôi

Người dân xã Hòa Phước (Hòa Vang, Đà Nẵng) chạy lũ. Ảnh: Nguyên Khôi

Đường Cách Mạng Tháng Tám tại Cẩm Lệ (Đà Nẵng) ngập nước làm rối loạn giao thông. Ảnh: Nguyên Khôi

Đường Cách Mạng Tháng Tám tại Cẩm Lệ (Đà Nẵng) ngập nước làm rối loạn giao thông. Ảnh: Nguyên Khôi

* Tại Khánh Hòa, tin từ UBND xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, cho biết, tính đến chiều ngày 8-11, lực lượng tìm kiếm cứu nạn vẫn chưa tìm thấy anh Lê Mộng Điệp, một trong 2 người nhảy xuống nước cứu bạn bị mất tích. Trước đó, chiều ngày 6-11, 3 người cùng trú tại thôn Tân Phú, xã Vạn Phú, gồm Phạm Sĩ (SN 1979), Lê Mộng Điệp và Lê Quốc Kháng (đều SN 1977) đi qua đập tràn Hóc Chim ở địa phương. Khi qua giữa tràn, do nước chảy xiết nên anh Kháng bị sẩy chân và nước cuốn trôi, hai anh Sĩ, Điệp nhảy xuống cứu. Tuy nhiên, chỉ có anh Kháng vào được bờ, còn anh Sĩ và Điệp bị nước nhấn chìm. 17 giờ chiều ngày 7-11, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể anh Sĩ.

* Tại Bình Định, một số tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn tại các huyện Tuy Phước, Phù Cát huyện Hoài Ân, An Lão bị ngập cục bộ tại các tràn như Tỉnh lộ 640 từ Tuy Phước đi Cát Tiến ngập tại tràn Huỳnh Mai, tràn Lạc Điền. Mưa lũ đã làm mất tích 1 người và gây thiệt tài sản khoảng 2,5 tỷ đồng. Trường hợp mất tích là em Võ Hồng Lam (10 tuổi - ở thôn Phú Hữu 2, xã Ân Tường Tây), học sinh lớp 4 Trường tiểu học số 2 Ân Tường Tây.

* Tại Quảng Ngãi, đến chiều tối 8-11, lực lượng cứu hộ hai xã Hành Dũng và Hành Nhân (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa tìm thấy anh Nguyễn Trung Nhân (41 tuổi, ngụ thôn Trúc Lâm, xã Hành Nhân).

Trước đó, tối 6-11, anh Nhân chạy xe máy qua bờ tràn Bến Lở trên sông Phước Giang, thuộc xã Hành Dũng và Hành Nhân thăm bà con khi nước tràn qua đập, đã bị nước lũ cuốn trôi cả xe máy và người. Do trời tối và mưa lớn, người dân địa phương không thể tìm thấy anh Nhân. Công tác tìm kiếm, cứu hộ triển khai 2 ngày qua nhưng không có kết quả.

* Tại Phú Yên, khoảng 8 giờ 45 sáng  8-11, thi thể em Nguyễn Tấn Lộc (9 tuổi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học số 2 Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên) đã được tìm thấy cách nơi em bị chết đuối gần 2 cây số. Trước đó, vào sáng 7-11, Lộc đi theo người anh họ đào chuột dọc mương Bến Bà Yến (xã Hòa Bình 2, huyện Tây Hòa), không may bị trượt chân xuống mương. Người anh họ đã nhảy xuống cứu Lộc nhưng không thành vì nước mương dâng cao và chảy xiết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại khu vực miền Trung, lũ lớn đã làm cho 24 người chết và mất tích. Trong đó, Quảng Nam (17 người chết, 1 mất tích); Đà Nẵng (3 người chết), Quảng Ngãi, Bình Định mỗi tỉnh 1 người mất tích; Phú Yên (1 người chết)...

* Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 8-11 vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 17,3 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh Quảng Trị - Đà Nẵng khoảng 150km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, cấp 7 (tức là từ 39 đến 61km một giờ), giật cấp 8, cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu về phía Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km. Đến 04 giờ ngày 9-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 109,9 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, vùng biển các tỉnh Quảng Bình - Quảng Nam có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với không khí lạnh, ở vịnh Bắc Bộ và vùng biển khu vực Bắc Biển Đông có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, ở Bắc và Trung Trung Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to.

Xe khách biển kiểm soát 81L-3510 đã được lực lượng cứu hộ đưa về vùng an toàn. Ảnh: Nguyên Khôi

Xe khách biển kiểm soát 81L-3510 đã được lực lượng cứu hộ đưa về vùng an toàn. Ảnh: Nguyên Khôi

Hiện trường vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Nguyên Khôi

Hiện trường vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Nguyên Khôi

Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục