Sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản ở ĐBSCL - Doanh nghiệp và nông dân... chờ vốn

Theo Nghị quyết 11, một trong những giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông thủy sản. Thủ tướng chỉ đạo, giá cả nông sản trên thị trường thế giới tăng cao là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản ở ĐBSCL - Doanh nghiệp và nông dân... chờ vốn

Theo Nghị quyết 11, một trong những giải pháp của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội là thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng nông thủy sản. Thủ tướng chỉ đạo, giá cả nông sản trên thị trường thế giới tăng cao là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống người dân.

  • Thiếu hàng do... thiếu vốn

Tại các tỉnh thành ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu tăng lên 25.000 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước đến nay và đảm bảo cho người nuôi trúng đậm. Nếu như trước đây mỗi khi giá cá tăng là nông dân ùn ùn thả giống, nhưng nay dù cá đã kịch trần vậy mà không khí sản xuất ở An Giang, Đồng Tháp, TP Cần Thơ… vẫn trầm lắng.

Ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá lâu năm ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), cho biết: “Giá nguyên liệu hiện thời là điều mơ ước đối với người nuôi cá, tuy nhiên nghịch lý là hàng loạt hộ không có điều kiện thả nuôi do thiếu vốn”. Trước đây, ông Đệ là “mối quen” của Ngân hàng NN-PTNT. Khoảng 2 năm gần đây do nghề cá gặp nhiều rủi ro nên ngân hàng thu hồi lại vốn, không tiếp tục cho vay.

Đồng cảnh ngộ trên, bà Dương Thị Đẹp, ở khu vực Thới Bình 2, phường Thuận An, cho biết, vụ cá năm 2009, nuôi 2 hầm gần 200 tấn cá bị lỗ hơn 1,5 tỷ đồng, sau đó bán hết tài sản nhưng chưa trả hết nợ. Từ năm 2010 đến nay giá cá tăng, người nuôi có lời, vì vậy bà chạy đi “gõ cửa” nhiều ngân hàng xin vay vốn để nuôi lại. Kết quả ai cũng lắc đầu không chịu cho vay.

Ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, thừa nhận: “Giá thức ăn, cá giống đang tăng chưa từng thấy, cộng với xăng dầu, vật tư, công lao động… đều tăng, đẩy chi phí giá thành cá tra lên mức 20.000 - 21.000 đồng/kg. Hiện tại nuôi 1.000 tấn cá cần đến 21 tỷ đồng, số tiền lớn nên không ai đủ vốn, trong khi ngân hàng hạn chế cho vay hoặc cho vay kiểu nhỏ giọt. Vì vậy rất nhiều hộ “treo ao”, còn nhà máy thiếu cá nguyên liệu”.

Người nuôi tôm ở Bạc Liêu cần vốn để vào vụ tôm mới 2011. Ảnh: HUỲNH LỢI

Người nuôi tôm ở Bạc Liêu cần vốn để vào vụ tôm mới 2011. Ảnh: HUỲNH LỢI

“Vua tôm” Võ Hồng Ngoãn ở TP Bạc Liêu thừa nhận, hiện thời nuôi 1ha tôm công nghiệp cần đầu tư khoảng 400 - 500 triệu đồng, trong khi các ngân hàng không còn mặn mà với con tôm. Do đó, ai muốn nuôi buộc phải “nhờ” đại lý thức ăn hỗ trợ thức ăn, thuốc… với mức lãi suất rất cao.

Tại Đồng Tháp, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Bình Thành, huyện Lấp Vò, cho biết giá phân thuốc, xăng dầu… tăng nên vụ lúa hè thu tới chi phí sản xuất tăng thêm 20%-30%. Mối lo lớn nhất của HTX là tìm nguồn vốn để hỗ trợ nông dân sản xuất, nhất là trong điều kiện giá gạo xuất khẩu ở mức cao, cần tăng cường trồng lúa để tăng thu nhập.

  • Cơ cấu lại sản xuất để hút vốn

Không chỉ nông dân ở ĐBSCL lo thiếu vốn, mà các doanh nghiệp xuất khẩu cũng kêu khó tiếp cận được vốn. Ông Nguyễn Văn Đạo, Giám đốc Công ty CP Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), phân tích: “Chi phí đầu vào nhảy vọt đã nâng giá thành cá tra phi lê lên 3,2 - 3,3 USD/kg, trong khi giá xuất sang thị trường châu Âu chỉ 3,2 USD/kg. Điều này chứng tỏ doanh nghiệp xuất khẩu đang từ hòa đến lỗ”.

Ông Đạo cho rằng, với mặt bằng lãi suất cao 20%-22% (nhưng không phải ai cũng vay được), xuất khẩu sẽ không hiệu quả nhưng các doanh nghiệp cố duy trì sản xuất để giữ mối với nhà nhập khẩu và tạo việc làm cho công nhân.

Ông Nguyễn Văn Diệp, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, kiến nghị: “ĐBSCL là vùng sản xuất và xuất khẩu gạo lớn cả nước, là nơi có thế mạnh về thủy sản, cây ăn trái… Để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu nông thủy sản, nhà nước nên có cơ chế chính sách hỗ trợ tích cực hơn cho ĐBSCL. Hiện tại, mặt bằng lãi suất cao, nếu chưa giảm được thì cần ưu tiên vốn cho sản xuất và xuất khẩu nông sản”.

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, giá xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản như tôm, cá, gạo, hạt tiêu, cà phê… đang ở mức rất cao là điều đáng mừng. Vấn đề là làm sao tận dụng cơ hội này để tăng cường sản xuất - xuất khẩu. Trước mắt, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc theo dõi chặt diễn biến thời tiết, đề phòng dịch bệnh, nghiên cứu hạ giá thành sản xuất càng thấp càng tốt trong điều kiện giá đầu vào tăng.

Bên cạnh đó, yêu cầu ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL khẩn trương rà soát lại đất trồng lúa để tăng mạnh diện tích vụ thu đông, bởi thế giới đang thiếu lương thực. Mạnh dạn sắp xếp ngành nuôi thủy sản theo mô hình công nghiệp, quy mô lớn, chất lượng cao, hạn chế dạng nhỏ lẻ, tự phát. Tiến tới mô hình nuôi gia cầm tập trung có sự quản lý chặt chẽ. Tập trung trồng những loại cây đặc sản có lợi thế cạnh tranh như sầu riêng, thanh long, bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, nhãn, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn…

Chiều 28-2, ông Võ Ngọc Diệp, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương - Chi nhánh Đồng Tháp, cam kết: “Năm 2011 sẽ tăng 30% nguồn vốn dành cho lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, ngân hàng đã cho vay trên 2.500 tỷ đồng cho sản xuất và xuất khẩu, trong đó đối tượng vay chủ yếu là nông nghiệp nông thôn. Thực tế ngân hàng không “đóng cửa” đối với sản xuất và xuất khẩu, vấn đề là người vay phải có phương án sản xuất tốt, đảm bảo hiệu quả. Ngoài ra, ưu tiên cho những mô hình sản xuất tập trung, liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu…”.

Ông Lê Văn Thơ, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT chi nhánh Cần Thơ, cho biết: Vụ lúa đông xuân 2011 ngân hàng đã cho nông dân vay 390 tỷ đồng và đang xem xét kéo dài sang vụ hè- thu để bà con an tâm sản xuất. Riêng nuôi cá tra cũng đã giải ngân trên 400 tỷ đồng, trong đó hơn 30 tỷ đồng là nợ xấu. Định hướng tới đây sẽ tiếp tục cho vay sản xuất nông nghiệp nhưng hình thức phải thay đổi. Quan điểm chung là hạn chế cho vay nhỏ lẻ, cá thể để tiến tới cho vay tập trung số lượng lớn, theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp trên tinh thần cùng có lợi.

HUỲNH PHƯỚC LỢI

Tin cùng chuyên mục