Khởi công cầu Cổ Chiên - Tạo lực đẩy ĐBSCL phát triển

Phá thế độc đạo
Khởi công cầu Cổ Chiên - Tạo lực đẩy ĐBSCL phát triển

Sáng 7-3, tại xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Bến Tre và UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức khởi công dự án cầu Cổ Chiên. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã về dự và phát lệnh khởi công trong niềm vui vỡ òa của người dân hai bên dòng Cổ Chiên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (áo trắng, giữa) thăm các kỹ sư, công nhân xây dựng cầu Cổ Chiên.

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng (áo trắng, giữa) thăm các kỹ sư, công nhân xây dựng cầu Cổ Chiên.

Phá thế độc đạo

Từ sau giải phóng đến nay, đường về miền Tây duy nhất chỉ có tuyến QL 1A. Gần đây, Chính phủ đã đầu tư thêm các tuyến N1 (dọc biên giới), tuyến đường Hồ Chí Minh nối dài từ Chơn Thành đến mũi Cà Mau, tuyến cao tốc TPHCM - Cần Thơ. Các quốc lộ khác như 53, 54, 60, 80… đã được nâng cấp, xây dựng thêm tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp và tuyến Nam sông Hậu. Cùng với hệ thống các cầu lớn (Mỹ Thuận, Rạch Miễu, Cần Thơ), bức tranh giao thông ĐBSCL đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, các tỉnh ven biển ĐBSCL như Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng và Bạc Liêu, giao lưu qua lại chủ yếu cũng chỉ trông chờ vào QL 1A. Nếu theo QL 1A, đoạn đường từ các tỉnh này đến TPHCM và các địa phương khác dài hơn 80km so với tuyến QL 60.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng, thực tế đó là yêu cầu bức xúc trong việc hoàn thành mạng lưới giao thông đường bộ cho ĐBSCL. Cầu Cổ Chiên sau khi hoàn thành sẽ nối thông tuyến QL 60 từ Tiền Giang đến Trà Vinh, rút ngắn cự ly từ TPHCM đến Trà Vinh khoảng 70km, giảm áp lực giao thông lớn trên QL 1A và đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi khu kinh tế Định An (tỉnh Trà Vinh) đi vào hoạt động. Ông Trần Hoàng Kim, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, xúc động: “Xây cầu Cổ Chiên là mơ ước bao đời của người dân Trà Vinh”.

Kết nối trục chiến lược ven biển

ĐBSCL đang từng ngày thay da đổi thịt, ổn định và phát triển. Trong đó, chiến lược biển của khu vực đóng vai trò khá quan trọng bởi năng lực thủy sản của vùng. Về dự và phát lệnh khởi công cầu Cổ Chiên, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng phấn khởi: “Đây là sự kiện giao thông đặc biệt quan trọng của ĐBSCL”. Theo Phó Thủ tướng, giao thông phát triển sẽ giúp giáo dục, y tế, văn hóa và các mặt khác của khu vực vùng sâu này phát triển theo, vừa góp phần thu hút đầu tư vừa nâng cao đời sống người dân.

Theo thiết kế, tổng chiều dài của cầu và đường dẫn khoảng 15,7km. Đây là dự án cầu lớn đầu tiên sử dụng “nội lực” là chính, từ khâu thiết kế, thi công cho đến nguồn vốn. Nhìn trên phác thảo, chúng ta thấy hình dáng cầu khá đẹp mắt và mềm mại với dây văng màu vàng trên nền xanh thẳm của sông nước Nam bộ. Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng ví von: “Cây cầu như dải lụa mềm vắt ngang đôi bờ Cổ Chiên, vừa có ý nghĩa kinh tế - xã hội vừa có ý nghĩa mỹ thuật”.

Khởi công cầu Cổ Chiên - Tạo lực đẩy ĐBSCL phát triển ảnh 2

Phác thảo cầu Cổ Chiên

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, nhà đầu tư, nhà thầu, các đơn vị tư vấn, các bộ ngành, lãnh đạo 2 tỉnh Trà Vinh và Bến Tre nỗ lực đảm bảo an toàn, chất lượng, tiến độ của công trình. Ngoài dự án cầu Cổ Chiên, Bộ GTVT cũng đang xúc tiến xây dựng dự án cầu Đại Ngãi nối Trà Vinh và Sóc Trăng, hoàn thành hệ thống cầu lớn trên tuyến QL 60. Trong chương trình đầu tư của Bộ GTVT sắp tới, ĐBSCL còn hàng loạt dự án sẽ triển khai như cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, cầu Năm Căn qua sông Cửa Lớn, nâng cấp các tỉnh lộ nối các cửa khẩu biên giới trở thành quốc lộ, xây dựng đường cao tốc nối Cần Thơ - Phnôm Pênh và quan trọng là tuyến đường sắt từ TPHCM đi Cần Thơ, Kiên Giang và Cà Mau, vực dậy vùng ven biển trù phú, giàu tiềm năng của ĐBSCL.

Trần Minh Trường

>> Khởi công xây dựng cầu Cổ Chiên

Tin cùng chuyên mục