Tạm hoãn mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè – thu: Nông dân “ngồi trên lửa”

Nhiều luồng thông tin, phản ứng khác nhau xung quanh việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo tạm dừng chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè - thu (triển khai thu mua từ ngày 15-7). Đằng sau tuyên bố tạm hoãn này là cách “thúc thủ” của VFA mà họ viện dẫn là do giá lúa đang ở mức cao không cần thiết mua hay là một chiêu ghìm giá khi lúa hè - thu sắp bước vào mùa thu hoạch rộ? Lo lắng bao trùm
Tạm hoãn mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo hè – thu: Nông dân “ngồi trên lửa”

Nhiều luồng thông tin, phản ứng khác nhau xung quanh việc Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) thông báo tạm dừng chủ trương mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè - thu (triển khai thu mua từ ngày 15-7). Đằng sau tuyên bố tạm hoãn này là cách “thúc thủ” của VFA mà họ viện dẫn là do giá lúa đang ở mức cao không cần thiết mua hay là một chiêu ghìm giá khi lúa hè - thu sắp bước vào mùa thu hoạch rộ?

Lo lắng bao trùm

Nông dân Nguyễn Văn Cảnh, xã Vĩnh Lộc, huyện An Phú, tỉnh An Giang phản ánh: “Giá lúa mấy ngày qua khá cao, có nhích lên chút đỉnh nhưng hôm nay đã sụt 100 đồng/kg. Hiện lúa khô có giá 6.000 đồng/kg, lúa tươi mua tại ruộng còn 5.000-5.100 đồng/kg. Các thương lái nói, doanh nghiệp đình việc mua tạm trữ gạo lại nên giá lúa đứng và giảm xuống. Đang là mùa thu hoạch rộ nên nhiều người lo lắm. Ai cũng muốn bán lúa để trả nợ phân bón, thuốc trừ sâu, cho con cái đi học và còn xuống lúa vụ 3”.

Nông dân Trần Văn Hai ở xã An Nông, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang nói: “Vụ hè - thu năm nay nông dân mừng vì giá lúa khá cao, bù lại chi phí vật tư nông nghiệp leo thang. Nhưng 2 ngày qua, giá lúa đứng lại. Gần 2 ha lúa của gia đình còn khoảng 1 tuần nữa là thu hoạch nên tôi sốt ruột lắm. Mấy doanh nghiệp không chịu mua gạo, thương lái chậm mua, ép giá nông dân ắt sẽ xảy ra”.

Nông dân ĐBSCL lo lắng khi giá lúa giảm, tồn đọng nhiều. Ảnh: CAO PHONG

Nông dân ĐBSCL lo lắng khi giá lúa giảm, tồn đọng nhiều.
Ảnh: CAO PHONG

Thoại Sơn là huyện sản xuất lúa lớn nhất tỉnh An Giang (khoảng 600.000 tấn/năm). Ngành chức năng cùng nông dân cũng đang rất lo lắng khi 36.500 ha lúa hè - thu vào đợt thu hoạch rộ cũng là lúc việc tạm hoãn kế hoạch mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo được VFA đưa ra.

Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thoại Sơn nói: “Tình hình như thế này là làm khó nông dân. Ở Thoại Sơn, nông dân chủ yếu dựa vào cây lúa. Vì thế hầu hết đều bán lúa sau khi thu hoạch để chi tiêu cho cuộc sống. Họ không có điều kiện trữ lúa lại. Vấn đề lo ngại nhất là trong lúc bức bách, nông dân bán đổ bán tháo lúa với bất cứ giá nào cũng sẽ gây thiệt hại lớn”.

Ông Dương Văn Châu (Năm Châu) ở xã Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, phản ánh: “Vụ hè - thu này, chi phí đầu vào từ phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu bơm tưới, nhân công đều tăng mạnh. Giá lúa cao, nông dân mừng vì bù lại được phần nào chi phí. Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp chưa mua tạm trữ gạo trong lúc nông dân thu hoạch rộ là bất hợp lý. Sao lại chờ giá lúa xuống còn 5.000 đồng/kg mới mua vào? Chẳng khác nào ép giá, đẩy cái khó về nông dân. Mà phần lớn nông dân đều không có khả năng trữ lúa được tốt, tối đa chỉ 2 - 3 tháng là bị ẩm, mốc. Nói cho cùng, những doanh nghiệp xuất khẩu gạo thấy lời thì hưởng còn thấy lỗ thì đổ cho nông dân gánh chịu. Nhà nước nên đứng giữa để đảm bảo quyền lợi cho nông dân”.

Trong tâm trạng đó, ông Nguyễn Văn Buông, Phó phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp nói: “Hầu hết nông dân đều muốn bán lúa ngay sau khi thu hoạch chứ không trữ lại. Thông tin chưa mua tạm trữ, chúng tôi đã biết và thấy lo. Không biết sắp tới giá lúa sẽ ra sao?”.

Một “chiêu thức” cũ

Nếu đưa ra lý do giá lúa đang ở mức cao, không cần thiết mua tạm trữ sẽ thật khó hiểu khi trước đó, vào vụ đông - xuân, giá lúa bình thường nhưng VFA vẫn tiến hành mua tạm trữ. Nếu có điều khác lạ là chuyện VFA hai lần quyết định hạ giá sàn xuất khẩu gạo trong tháng
3-2011 khi nông dân bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ lúa đông – xuân. Ngày 9-3, VFA điều chỉnh giảm 10 – 20 USD/tấn gạo.

Cụ thể giá xuất từ 520 USD/tấn gạo 5% tấm xuống 500 USD/tấn, 490 USD/tấn xuống còn 480 USD/tấn gạo 25%. Ngày 17-3, VFA lần thứ 2 “ghìm” giá xuất khẩu giảm thêm 20 USD/tấn đối với gạo 5% và 25% tấm. Giá lúa, theo đó, từ 5.600 đồng – 7.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn khoảng 5.000 đồng – 6.000 đồng/kg (tùy loại). Đây phải chăng là một cách “bật đèn xanh” để doanh nghiệp hiểu ngầm là giảm giá thu mua lúa gạo?

Và nay, sau khi tuyên bố tạm hoãn mua 1 triệu tấn gạo trong vụ hè - thu, dư luận không khỏi nghi ngờ: Phải chăng VFA cũng muốn dựng một “kịch bản” tương tự để ghìm giá lúa?

Các nhà khoa học và một số lãnh đạo ngành nông nghiệp đều bất bình và không hài lòng khi đón nhận tuyên bố tạm hoãn thu mua 1 triệu tấn gạo hè - thu của VFA.

Ngày 12-7, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo ngành nông nghiệp một tỉnh ĐBSCL đã rất bất ngờ khi nghe thông tin VFA tạm hoãn mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Vị lãnh đạo này cho biết: “Diễn biến giá lúa sẽ rất căng khi vào vụ thu hoạch mà doanh nghiệp không mua tạm trữ. Ngành nông nghiệp sẽ kiến nghị tỉnh có ý kiến với Bộ Công thương để chủ động mua tạm trữ giữ giá lúa ở mức có lợi nhất cho nông dân. Việc mua tạm trữ không nên xem như một giải pháp tình thế mà phải xem như một chiến lược theo hướng có lợi cho nông dân và chủ động nguồn hàng cung ứng xuất khẩu”.

Một lãnh đạo ở Viện lúa ĐBSCL nhận định: “Tuyên bố tạm hoãn thu mua 1 triệu tấn gạo của VFA trong bối cảnh hiện nay là thiếu khôn ngoan!”.

Rõ ràng, chuyện so sánh giá lúa hiện nay cao hơn lúa hè - thu những năm trước là vô cùng khập khiễng và trái khoáy! Một nhà khoa học ở Viện lúa ĐBSCL nói: Hiện nay, không thể đưa ra trước bất kỳ nhận định nào về sự thành công hay thất bại của một vụ lúa.

Việc không mua tạm trữ gạo sẽ gây khó cho nông dân ĐBSCL.

Việc không mua tạm trữ gạo sẽ gây khó cho nông dân ĐBSCL.

Nói tóm lại là lúa chưa nằm trong bồ thì chưa dám nói điều gì, bởi nông dân sản xuất lúa hiện nay đối diện với nhiều rủi ro như thiên tai, dịch bệnh, khô hạn, mặn… Ngay trong vụ đông – xuân, cứ tưởng dễ phơi lúa nhưng rồi mưa dầm liên tiếp nên nhiều nông dân khốn đốn. Còn vụ hè - thu, ngay chuyện phơi lúa đã trở nên “nóng” bởi nhiều nông dân không có sân phơi phải bán lúa ướt với giá dưới 5.000 đồng/ký cho thương lái.

Nếu doanh nghiệp khoanh tay đưa ra tuyên bố lạnh lùng kiểu “tạm hoãn thu mua” để thủ thân thì nay mai, khi cơ chế xuất khẩu gạo đang chuyển đổi theo hướng mở rộng cho đối tượng nước ngoài tham gia xuất khẩu gạo, liệu nông dân còn gắn bó với những người đã lạnh lùng khoanh tay để họ tự bươn chải trong thị trường đầy may rủi?

Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong hai năm qua và có thể năm 2011 sẽ tiếp tục tạo nên “kỳ tích” về số lượng gạo xuất khẩu. Tuy nhiên nhận định của một nhóm nghiên cứu thuộc Ngân hàng thế giới (WB) đưa ra tại hội thảo về lúa gạo tổ chức ở Cần Thơ giữa tháng 6-2011 cho thấy: Nông dân sẽ chịu tác động ngược lại từ “kỳ tích” này.

Nói cách khác, nông dân ĐBSCL dường như chịu đựng “gánh nặng thành công”. Kết quả xuất khẩu mạnh mẽ không đồng nghĩa với những thời kỳ tốt đẹp cho nông dân ĐBSCL.  

CAO PHONG - BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục