Nguy cơ vỡ hồ, đập thủy lợi ở Tây Nguyên

Hiểm họa chực chờ
Nguy cơ vỡ hồ, đập thủy lợi ở Tây Nguyên

Các tỉnh Tây Nguyên có hàng trăm hồ đập thủy lợi được xây dựng từ sau năm 1975 để phục vụ cho việc tưới cà phê, lúa nước. Nhưng hiện nay phần lớn chúng đã bị sạt lở, xuống cấp vì không được đầu tư tu bổ. Cứ đến mùa bão lũ, người dân hạ lưu lại phập phồng lo vỡ đập.

Cây cầu bắc qua hồ thủy điện xã Cư Kpô (huyện Krông Búk, Đắk Lắk), bị hư hỏng nặng, người dân phải đi qua cầu tạm.

Cây cầu bắc qua hồ thủy điện xã Cư Kpô (huyện Krông Búk, Đắk Lắk), bị hư hỏng nặng, người dân phải đi qua cầu tạm.

Hiểm họa chực chờ

Hầu hết các hồ, đập thủy lợi ở Tây Nguyên đều được ngăn từ các sông suối và nằm trên các lưu vực đồi núi. Vì thế, một khi chúng bị vỡ sẽ có một khối lượng nước khổng lồ tràn xuống vùng hạ lưu, đe dọa trực tiếp tính mạng, tài sản của rất nhiều người. Trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 643 công trình thủy lợi (CTTL) nhưng hiện có 62 công trình bị hư hỏng, mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Tại công trình hồ thủy điện xã Cư Kpô (huyện Krông Búk), trần xả lũ bị xói rỗng, cống lấy nước qua đập bị hư hỏng nặng và nước chảy qua làm xói bên trong thân đập. Chiếc cầu bắc qua đập cũng đã hư hỏng và người dân phải đi lại qua cầu tạm bên cạnh. Ông Nguyễn Văn Hoàn (Phó Chủ tịch UBND xã Cư Kpô) cho biết: “Hồ thủy điện này được Nông trường Cao su Đắk Lắk xây dựng từ năm 1976 với diện tích mặt nước rộng khoảng 10ha, đến năm 2006, họ giao lại cho địa phương quản lý để tưới cà phê cho người dân trong vùng. Nhưng từ đó đến nay xã không có tiền đầu tư sửa chữa nên đã bị hư hỏng nặng. Nếu không khắc phục, một khi đập hồ bị vỡ thì sẽ cuốn trôi khoảng 50 ngôi nhà người dân ở hạ lưu”. Cũng theo ông Hoàn, vào năm 2007, nước tràn từ hồ thủy điện này đã làm ngập 3 nhà dân và xã buộc phải vận động họ di dời ra khỏi khu vực này.

Ở xã Ea Riêng (huyện M’Đrắk) có 4 hồ tưới cà phê thì cả 4 hồ đều bị hư hỏng nặng. Tại hồ đội 4, tràn xả lũ bằng đất (dài khoảng 140m) bị xói lở với kích thước hố xói rộng khoảng 15m, sâu khoảng 10m, dài khoảng 100m. Hồ đội C19 mái đập bị xói mòn, thân đập bị thấm nước mạnh và người dân lấn chiếm mái đập trồng cà phê. Hồ đội 3, tràn xả lũ bằng đất (dài khoảng 150m) bị xói lở trầm trọng với hố rộng khoảng 50m, dài 100m, sâu 10m. Hồ 725, tràn xả lũ bằng đất, mái đập bị xói lở mạnh. Tất cả 4 hồ này khi bị vỡ sẽ cuốn trôi hàng trăm mái nhà của người dân.

Chị Nguyễn Thị Mùi (nhà ở hạ lưu hồ đội 3) lo lắng: “Cứ mưa to là nhà tôi lại thấp thỏm sợ đập hồ bị vỡ và cuốn trôi lúc nào không biết. Cái hồ này bị hư từ lâu rồi”. Tại Đắk Nông có 155 CTTL, nhưng khoảng 125 công trình đã hỏng nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tình trạng phổ biến là thân đập thấm và rò rỉ, có nơi chảy thành dòng. Còn mặt đập sạt lở, xói sâu, bê tông mái xuống cấp và trên mái đập bị người dân xâm canh trồng hoa màu.

Ông Hoàng Trung Thơ, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông, cho biết: “Hiện có 3 công trình thủy lợi là hồ Bon Sa Nar (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long), hồ Đắk R’Sung (xã Nhân Đạo, huyện Đắk R’Lấp) và hồ Đắk Đô (xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa) đang ở tình trạng báo động. Nếu các công trình này không được sửa chữa kịp thời thì chưa biết điều gì sẽ xảy ra khi vỡ đập”.

Thiếu kinh phí

Nguyên nhân chính làm các CTTL Tây Nguyên xuống cấp nhanh chóng là do thiếu sự quản lý và thiếu kinh phí để sửa chữa. Ông Hoàng Trung Thơ cho biết: “Các công trình thủy lợi ở Đắk Nông hư hỏng, xuống cấp trầm trọng là do tình trạng “cha chung không ai khóc” kéo dài. Trước đây, các CTTL do huyện, xã quản lý nhưng họ lại thiếu chuyên môn nên khai thác và bảo vệ không hiệu quả. Bên cạnh đó, hàng loạt công trình được thi công không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, làm không ít hồ, đập vừa mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn đã xuống cấp”. Hiện Công ty Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông đã lập dự án với kinh phí 600 tỷ đồng để tu bổ và sửa chữa các CTTL nhưng ngân sách của tỉnh chỉ đáp ứng sửa chữa cho khoảng 3 - 5 công trình/năm.

Ông Nguyễn Hữu Chung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho rằng: “Nhiều công trình sau thời gian dài khai thác, sử dụng đã bị hư hỏng, nhưng thiếu kinh phí để tu bổ. Vì thế, qua mỗi năm, mức độ hư hỏng càng nặng thêm và có nguy cơ mất an toàn khi lũ lớn. Mặt khác, công tác quản lý các công trình này ở địa phương chồng chéo và yếu kém. Nguồn ngân sách của tỉnh hiện gặp khó khăn, việc đầu tư kinh phí sửa chữa các CTTL bị hư hỏng không kịp thời, vì thế số công trình bị hư hỏng cần sửa chữa ngày càng tăng thêm. Trong khi đó, nguồn vốn từ Trung ương rót xuống rất ít. Năm 2012, nguồn kinh phí phòng chống lụt bão Trung ương cấp cho tỉnh chỉ có 10 tỷ đồng nên không sửa chữa được bao nhiêu”.

Công Hoan


Kon Tum: Hồ đập chưa đăng ký an toàn

Qua đợt kiểm tra mới đây của Sở NN-PTNT Kon Tum và các ban ngành trong tỉnh về tình hình an toàn các hồ chứa thủy lợi, cho thấy: Các huyện, thành phố trong tỉnh chưa đăng ký an toàn đối với số hồ chứa do mình quản lý theo quy định. Việc lập phương án phòng chống lũ lụt cho vùng hạ du, phương án bảo vệ công trình cũng không được các địa phương thực hiện đúng quy định.

Đ.Trung

Tin cùng chuyên mục