Miền Trung và Tây Nguyên: Căng mình chống bão

Theo nhận định của cơ quan chức năng, đường đi của bão số 7 rất phức tạp. Nhiều dự đoán bão sẽ đổ bộ vào Bắc Bình Định và Nam Quảng Ngãi. Nhưng không, đầu giờ chiều 6-10, bão bẻ hướng dần và điểm đến càn quét được xác định là Bắc Phú Yên và Nam Bình Định.
Miền Trung và Tây Nguyên: Căng mình chống bão

Theo nhận định của cơ quan chức năng, đường đi của bão số 7 rất phức tạp. Nhiều dự đoán bão sẽ đổ bộ vào Bắc Bình Định và Nam Quảng Ngãi. Nhưng không, đầu giờ chiều 6-10, bão bẻ hướng dần và điểm đến càn quét được xác định là Bắc Phú Yên và Nam Bình Định.

Huy động dân dùng bao tải cát làm bờ kè chống triều cường tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: THANH HIỀN

Huy động dân dùng bao tải cát làm bờ kè chống triều cường tại phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: THANH HIỀN

  • Phú Yên sơ tán dân khẩn cấp

Chiều tối 6-10, trên địa bàn Phú Yên có mưa rất to, gió giật mạnh. Công tác phòng chống bão của người dân ở các xã ven biển đã được cơ quan chức năng đôn đốc tuần tra nhắc nhở, nhất là những khu dân cư ở gần biển. Tuyến tránh cầu Cây Sung thuộc ĐT 642 nước ngập trên 1m; các tràn Bình Nông, Kỳ Đu, Sông Mun trên ĐT 644, tràn Crum trên ĐT 646, cầu Suối Tràu trên ĐT 647 bị ngập sâu trong nước khiến giao thông ách tắc.

BĐBP Phú Yên giúp dân ứng phó triều cường tại biển Tuy An. Ảnh: Trần Lê Văn

BĐBP Phú Yên giúp dân ứng phó triều cường tại biển Tuy An. Ảnh: Trần Lê Văn

Kiểm tra công tác phòng chống bão số 7 tại thị xã Sông Cầu chiều tối 6-10, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị lãnh đạo tỉnh theo dõi sát sao tình hình mưa để ứng phó với lũ, nhất là những vùng ven sông, ven suối và vùng hạ du, kiên quyết không cho trở về nhà đối với người dân ở các vùng trũng thấp, có nguy cơ ngập lụt đang đi sơ tán.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phạm Đình Cự yêu cầu các đơn vị kiểm tra nghiêm ngặt, cấm tàu thuyền ra biển đánh bắt. Trong thời gian có gió bão và lũ lụt, nghiêm cấm các phương tiện đò ngang, đò dọc hoạt động. Không để xảy ra tình trạng người vớt củi, gỗ trên các sông, suối.

  • Bình Định hỗ trợ lương thực cho dân

Từ sáng 6-10, trên địa bàn Bình Định bắt đầu có mưa to, gió giật từng hồi báo hiệu bão đã rất gần. Công tác chuẩn bị đón bão càng lúc càng khẩn trương, quyết liệt. Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh đã có cuộc họp khẩn cấp, thành lập 5 đoàn công tác đến TP Quy Nhơn, thị xã An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát, Vân Canh trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với bão. Tại huyện Phù Cát, sáng 6-10 đã có 152 hộ dân với 450 nhân khẩu sinh sống ở những vùng nguy hiểm đã đem theo lương thực, quần áo đến nơi an toàn.

Các địa phương khác trong tỉnh cũng đã di dời 12.000 người dân sinh sống ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Tỉnh đã hỗ trợ thêm 400.000 bao tải cho các địa phương để cấp phát cho người dân phòng chống bão, lũ. Các địa phương cũng chủ động chuẩn bị các vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết để đảm bảo cuộc sống trong những ngày xảy ra bão. Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, thành phố đã mua 10 tấn gạo hỗ trợ trước cho xã đảo Nhơn Châu; hỗ trợ bao cát, áo phao… cho các vùng dân cư ven biển thuộc xã đảo Nhơn Châu và các xã ven biển Nhơn Lý, Nhơn Hải…

  • Quảng Ngãi lo lũ về

Tại huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi), chiều 6-10 trời tối sầm. Là địa phương nằm trong phạm vi rìa của bão đi nên vẫn hứng chịu từng đợt gió mạnh giật liên tiếp. Mưa vẫn tiếp tục tuôn xối xả, nặng hạt. Đi kiểm tra các huyện Mộ Đức, Đức Phổ về công tác phòng chống bão, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng lo lắng là trọng tâm hoàn lưu của bão sẽ gây mưa to đến rất to, kéo dài nhiều ngày tại Quảng Ngãi; ngập lụt, sạt lở sông, suối, miền núi sẽ khó tránh khỏi và yêu cầu lãnh đạo các huyện chỉ đạo xã, thôn phải cắm chốt tại điểm trực, ai bỏ vị trí sẽ bị kỷ luật.

Tại Quảng Ngãi, đối với 5 phương tiện hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có công văn gửi Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, Ủy ban Quốc gia TKCN và Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao có biện pháp hỗ trợ tàu thuyền và ngư dân tỉnh Quảng Ngãi vào đảo trú tránh bão an toàn.

Nhóm PV

  • Vietnam Airlines hủy nhiều chuyến bay

Tối 6-10, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam-VNA cho biết, VNA điều chỉnh lịch khai thác một số chuyến bay của VNA đến/đi từ các sân bay khu vực miền Trung gồm: Đà Nẵng, Phù Cát (Bình Định), Chu Lai (Quảng Nam), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Pleiku (Gia Lai), Cam Ranh (Khánh Hòa) do ảnh hưởng của cơn bão số 7. Tính đến 14 giờ ngày 6-10 đã có 3 chuyến bay (Hà Nội - Buôn Ma Thuột, Chu Lai - Hà Nội và TPHCM - Quy Nhơn) bị hủy.

Ngoài ra, sẽ có thêm 16 chuyến bay trong buổi chiều 6-10 từ Hà Nội/TPHCM đi Bình Định, Quảng Nam, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Cam Ranh và ngược lại; 2 chuyến bay từ Đà Nẵng đi Pleiku và ngược lại buộc phải hủy để đảm bảo an toàn. Toàn bộ hành khách bị ảnh hưởng (gần 1.900 khách) sẽ được VNA bố trí đi trên những chuyến bay thường lệ và tăng chuyến vào ngày 7-10.

TH.TUYẾT

° Tại Thừa Thiên - Huế: Do ảnh hưởng gió bão số 7 và triều cường hoạt động mạnh, bờ biển Thừa Thiên - Huế đã bị sạt lở kéo dài hàng chục kilômét, nghiêm trọng nhất là khu vực bờ biển xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) và xã Hải Dương, thị xã Hương Trà.

Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch UBND xã Hải Dương, cho biết trong vòng 24 giờ qua, sóng biển ăn sâu vào đất liền 30 - 50m, kéo dài hơn 600m, nơi sâu nhất chỉ còn khoảng 20m và nguy cơ mở ra cửa biển mới thông với phá Tam Giang. Hiện sóng biển vẫn tiếp tục làm sạt lở bờ biển, cánh rừng phòng hộ 20 tuổi có nguy cơ bị xóa sổ, 72 hộ dân sống gần biển đang bị đe dọa nghiêm trọng.

° Tại Bình Định: Khoảng 20 giờ ngày 4-10, tàu BĐ 96633TS, do ông Đào Minh Vương (31 tuổi, ở huyện Hoài Nhơn) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực tại vùng biển cách cảng cá Bến Đá (Vũng Tàu) khoảng 4 hải lý thì bị một chiếc sà lan (chưa rõ tung tích) tông vào nên bị phá nước. Tàu BĐ 96633TS cố gắng chạy vào bờ được khoảng 1 hải lý thì bị chìm hẳn. 7 ngư dân được một tàu cá đánh bắt gần đó cứu.

° Tại Kon Tum: Hồ chứa Đắc Uy, ở huyện Đắc Hà là công trình thủy lợi lớn nhất tỉnh Kon Tum đang đứng trước nguy cơ mất an toàn. Với dung tích gần 30 triệu mét khối nước, hồ chứa này đang bị xuống cấp nghiêm trọng. Đoạn cuối tràn xả lũ đã bị sạt lở kéo dài hơn 100m, với độ sâu trung bình 5m, rộng hàng chục mét, khiến 3.000m3 đất đá bị cuốn trôi.

Chủ tịch UBND huyện Đắc Hà Nguyễn Thành Trung cho biết: Nếu tình huống xấu xảy ra, tính mạng và tài sản của khoảng 7.000 người ở khu vực hạ lưu sẽ bị đe dọa trực tiếp, do đó, cần phải di dời.

° Tại Gia Lai: Hiện tại hồ thủy điện Yaly đã xả lũ với mức 2.000 - 2.500m3/giây, thủy điện Plây Krông đã xả lũ với mức 1.400 - 1.800m3/giây. Ban quản lý thủy điện 7 đã có thông báo chuẩn bị xả lũ Thủy điện An Khê - Ka Nak, thuộc địa bàn huyện Kbang, tỉnh Gia Lai, với mức 3.000m3/giây. Vì vậy, khu vực hạ lưu cần có phương án chủ động phòng tránh.

Chủ tịch UBND huyện Kbang Trần Vĩnh Hương, cho biết, trên địa bàn huyện còn 6 điểm xung yếu, thuộc các xã Đăk Roong, Sơn Lang, Sơ Pai, Lơ Ku, nếu xảy ra mưa lớn kéo dài có khả năng bị chia cắt, cô lập gần 400 hộ dân.

° Tại Lâm Đồng: Ngày 6-10, Ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh Lâm Đồng cho biết, mưa kéo dài trong vài ngày qua khiến hồ thủy điện Đa Nhim và Đại Ninh phải xả lũ điều tiết. Việc xả lũ đã gây ngập một số diện tích rau ven sông Đa Nhim (huyện Đơn Dương và Đức Trọng) nhưng chưa có thống kê cụ thể.

° Tại Khánh Hòa: Mặc dù cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đang bị yếu và nghiêng về phía hạ lưu, nhưng ngày 6-10, trong lúc bão số 7 đang đổ bộ vào miền Trung, hàng chục tàu thuyền được ngư dân neo vào chân cầu, rất nguy hiểm... Cầu Xóm Bóng xây dựng từ năm 1969. Cầu đã quá cũ và yếu, phải sửa chữa, gia cố tạm thời để chờ xây mới.

Mưa to khắp vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên: Nước sông lên nhanh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, chiều 6-10, sau khi đi vào vùng biển các tỉnh Bình Định - Phú Yên, bão số 7 đã suy yếu nhanh thành áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), tiếp tục gây mưa trên diện rộng ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Ở các tỉnh Trung Trung bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Hiện ATNĐ vẫn di chuyển sâu vào đất liền, chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20 - 25km, và sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp rồi tan dần. Tuy nhiên, cơ quan dự báo khí tượng cho biết, do đây là một vùng ATNĐ tạo độ phủ mây rộng nên sẽ còn gây mưa to trên diện rộng ở khu vực Trung bộ sau hoàn lưu bão trong một vài ngày tới. Bên cạnh ATNĐ, hiện còn có một bộ phận không khí lạnh tràn từ miền Bắc xuống, nên từ đêm 6 – 7 tháng 10, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Ninh Thuận và Tây Nguyên sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, có khả năng kéo dài 2 - 3 ngày.

Cũng do mưa lớn, từ tối 6-10, mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận và khu vực Tây Nguyên sẽ lên nhanh. Trong đợt lũ này, lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Thừa Thiên - Huế, các sông từ Quảng Ngãi đến Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum có khả năng lên mức BĐ2 - BĐ3, có nơi trên BĐ3; các sông ở Quảng Bình, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận và các tỉnh ở Nam Tây Nguyên lên mức BĐ1 - BĐ2, có nơi trên BĐ2. Vì vậy, khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng, đồng bằng.

Tại TPHCM và các tỉnh thuộc Nam bộ cũng chịu ảnh hưởng của bão số 7, hoàn lưu ATNĐ nên nhiệt độ chùng hẳn xuống, nhiều nơi xảy ra mưa rào, thời tiết chuyển sang hình thái xấu.

>>Chiều tối nay, tâm bão vào miền Trung

PH.VĂN

Tin cùng chuyên mục