Mức độ an toàn của thủy điện Sông Tranh 2 còn nhiều ý kiến trái ngược

(SGGP).– Ngày 20-10, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (UB KHCN-MT) của Quốc hội (QH) đã có buổi làm việc với các bên liên quan và các nhà khoa học theo chỉ đạo của Đảng đoàn QH để nghe giải trình và có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ QH và QH về một số vấn đề của dự án thủy điện Sông Tranh 2.

Tại cuộc họp, Chủ nhiệm ủy ban Phan Xuân Dũng đã yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ nhiều vấn đề như có ý kiến cho rằng báo cáo đánh giá tác động môi trường sơ sài, sao chép; thiết kế đập chưa chịu được địa chấn; chất lượng phương án chống thấm đập chưa đảm bảo... Đặc biệt, cần chú trọng đánh giá tác động của động đất kích thích, động đất kiến tạo địa chất tại khu vực này đến an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2.

Ông Nguyễn Tài Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 1 nhiều lần khẳng định “với mức nước 161m thì công trình chịu được động đất rất cao”.

Ông Đỗ Quang Vinh, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), cũng cho biết, sau khi xuất hiện tình trạng thấm nước, bộ đã chỉ đạo EVN “xử lý đến kiệt cùng” và bây giờ vẫn đang tiếp tục theo dõi chặt chẽ.

Vẫn theo ông Vinh, báo cáo của tư vấn nước ngoài cho biết, khi động đất mạnh ở 6 độ richter và trong điều kiện mực nước dâng bình thường 175m, đập vẫn trong giới hạn an toàn.

Tuy nhiên, GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, lại đặt câu hỏi về tính trung thực của thông tin được chủ đầu tư cung cấp. Ông Hồng nghi ngờ việc tích nước cao hơn mức được cho phép, bởi “trong một ngày xảy ra đến 7 lần rung chấn thì chắc chắn đã tăng tích nước lên”.

Phát biểu sau đó, Ủy viên Thường trực UB KHCN-MT Phùng Đức Tiến cũng thắc mắc: “Nếu chắc chắn bảo đảm an toàn như báo cáo thì tại sao chưa cho tích nước?” và nhấn mạnh yêu cầu phải minh bạch thông tin.

PGS Phan Văn Quýnh (Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng lưu ý về việc ở Bắc Trà My có những nứt gãy nhỏ, trong khi nghiên cứu địa chất không đến nơi đến chốn nên đã chọn vị trí xây dựng đập chắn trên nền móng không bền vững.

GS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước, tỏ ra quan ngại về hiện tượng nước xuyên qua đập cho thấy chất lượng đập kém. Trong khi đó, các tính toán về mức chịu đựng động đất chỉ dựa trên các thông số kỹ thuật thiết kế (giả định là chất lượng đập đảm bảo)…

Tổng kết phiên họp, Chủ nhiệm ủy ban Phan Xuân Dũng ghi nhận, các ý kiến đưa ra có nhiều khác biệt, thậm chí trái ngược, ngay cả trong đội ngũ chuyên gia. Thời điểm này có thể thấy công trình đang an toàn và sẽ an toàn ở mức dự phòng của chúng ta. Nhưng mục tiêu chung là phải đặt tính mạng của người dân lên trên hết. Sau đó mới đến các vấn đề khác như phát điện, rồi sản xuất… Các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tổng thể dự án, đưa ra giải pháp giúp người dân thực sự yên tâm. UB KHCN-MT sẽ hoàn thiện báo cáo về vấn đề này, gửi tới Ủy ban Thường vụ QH và ĐBQH.

Bình An

Thông tin liên quan

- Động đất ở Sông Tranh là đặc biệt

- Động đất 3,5 độ Richter tại Quảng Nam

- Lập phương án xử lý nếu vỡ đập thủy điện Sông Tranh 2

- Động đất khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có thể đến 6 độ richter

- Quảng Nam: Đề nghị nghiên cứu sâu về động đất

- Báo cáo đánh giá tác động môi trường Thủy điện Sông Tranh 2 có thiếu sót

- Đoàn công tác của Bộ Xây dựng vào kiểm tra

Tin cùng chuyên mục