Hỗ trợ khai thác kinh tế biển: An lòng ngư dân

Chính sách được lòng dân
Hỗ trợ khai thác kinh tế biển: An lòng ngư dân

Giá nguyên, nhiên liệu liên tục tăng, thiên tai, nhân tai khó lường, khốc liệt đã khiến những chuyến ra khơi của ngư dân miền Trung ngày càng bấp bênh. Nhiều chính sách hỗ trợ với các loại hình khác nhau đã được triển khai, nhằm giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Hùng

Tàu dịch vụ hậu cần nghề cá lớn nhất miền Trung của ngư dân Lê Văn Sang (phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng). Ảnh: Nguyễn Hùng

Chính sách được lòng dân

“Đầu năm 2012, lao động và thuyền viên các tàu đánh cá xa bờ có công suất từ 50CV trở lên ở Đà Nẵng được TP hỗ trợ 100% phí mua bảo hiểm tai nạn với mức 64.000 đồng/thuyền viên trong thời hạn một năm. Trong năm 2012, Đà Nẵng dự kiến sẽ trang bị hệ thống định vị toàn cầu cho 100% tàu cá đánh bắt xa bờ” - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, ông Hồ Phó cho biết.

Niềm vui như những đợt sóng biển lan nhanh đến các ngư dân khiến họ được động viên, khuyến khích. Ông Nguyễn Sanh, chủ tàu cá ĐNa-90228, nói: “Được TP hỗ trợ chi phí mua bảo hiểm, ngư dân ai cũng phấn khởi. Tụi tui chuyên đánh bắt xa bờ vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa nên thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy chực chờ, rủi ro sẵn sàng ập tới như thiên tai. Giờ có bảo hiểm thì đỡ lo nhiều rồi”. Còn ngư dân Lương Mãi, chủ tàu cá ĐNa 90441TS, cho rằng: “Dù số tiền được hỗ trợ không nhiều nhưng ai cũng vui vì được các cấp, ngành của thành phố quan tâm. Đây là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho anh em ngư dân chúng tôi mỗi khi ra khơi”.

“Sự quan tâm của TP khiến ngư dân tụi tui yên tâm và càng thấy rõ trách nhiệm của mình không chỉ vì mưu sinh mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền”, ngư dân Hồ Quang (quận Thanh Khê) bộc bạch. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng còn nhiều chính sách khác như: Đào tạo miễn phí cho hơn 1.000 máy trưởng, thuyền trưởng; hỗ trợ 700.000 đồng/ngư dân học các lớp nâng cao trình độ; trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa tích hợp định vị vệ tinh cho ngư dân với chi phí 28 triệu đồng/máy giúp ngư dân liên lạc tốt với cự ly hơn 500 hải lý, có thể chịu được rung lắc trong điều kiện thời tiết xấu có sóng to gió lớn… Hiện có 4 tàu cá của Đà Nẵng được lắp đặt thử nghiệm.

Ông Hồ Phó cho biết thêm: “Với mục tiêu trở thành trung tâm nghề cá mạnh của miền Trung và cả nước, có mức tăng trưởng cao về giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 14% - 15%/năm, Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh khai thác hải sản xa bờ, hạn chế tối đa vùng ven bờ,  phát triển nhanh số lượng tàu cá công suất lớn và cải hoán nâng cấp tàu cá công suất nhỏ để vươn khơi.

Bên cạnh sự nỗ lực của các ngư dân, quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 48/2010/QĐ - TTg khuyến khích, hỗ trợ  ngư dân khai thác, nuôi trồng hải sản trên các vùng biển xa. Qua gần 2 năm thực hiện, Quảng Ngãi đã được đầu tư 13,2 tỷ đồng, Bình Thuận hơn 2,6 tỷ đồng nên nhiều ngư dân đã được hỗ trợ kinh phí mua nhiên liệu.

Gỡ rối thủ tục

Ngư dân Lê Túc (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi), cho biết: “Hơn hai mươi năm đi biển, có bao giờ trông chờ Nhà nước hỗ trợ đâu. Nay có chính sách hỗ trợ đánh bắt trên vùng biển xa là đáng mừng nhưng làm thủ tục phức tạp quá. Khó nhất là mỗi lần đang đánh bắt ở ngoài khơi lại nghĩ đến chuyện đưa tàu vào các đảo, nhà giàn để chứng thực rồi mới ra về. Thấy bất tiện nên nhiều chuyến ra khơi về, tôi cũng không muốn làm thủ tục nữa”.

Đa số các chủ tàu khác ở xã An Vĩnh, An Hải huyện Lý Sơn cũng bày tỏ những băn khoăn khi đã trình nộp hồ sơ, thủ tục các chuyến theo yêu cầu, song cũng chưa nhận đầy đủ, hay có một số trường hợp có đánh bắt vùng biển xa nhưng không làm thủ tục để được hỗ trợ. Còn nhiều ngư dân ở xã Bình Chánh (Bình Sơn), Phổ Thạnh (Đức Phổ) làm nghề câu mực, lưới vây ở vùng biển xa quanh năm, khi về làm thủ tục để được hỗ trợ cũng chung hoàn cảnh như ngư dân Lý Sơn.

Muốn được nhận hỗ trợ, ngoài việc ký xác nhận của chỉ huy các đảo, nhà giàn thì ngư dân phải làm thủ tục trình sổ hành trình ký xác nhận của đồn, trạm biên phòng ngày đi, ngày về của phương tiện... rất mất thời gian, đôi lúc lỡ cả chuyến biển, hay đối diện với rủi ro, nhất là lúc biển động. Từ bất cập này, từ đầu năm đến nay, Quảng Ngãi đã có bảy tàu lợi dụng “kẽ hở” của chính sách gửi máy HF cho tàu khác đi đến vùng biển xa đánh bắt để nhắn tin về trạm bờ và gửi giấy ký xác nhận nhằm gian lận khi làm hồ sơ để được hỗ trợ.

Ngư dân Dương Quang Tùng, xã An Hải (Lý Sơn): “Sắm được phương tiện ra khơi, ngư dân phải nộp phí thủ tục quá lớn. Đến khi được hỗ trợ từ chính sách thì lại thấp thỏm chờ”. Từ đầu năm đến nay, ông Tùng đánh bắt 5 chuyến, làm thủ tục 2 chuyến nhưng vẫn chưa nhận được hỗ trợ. Ông Nguyễn Kỳ, Chủ tịch UBND xã Phổ Thạnh (Đức Phổ): Nhiều ngư dân phản ảnh thủ tục để hỗ trợ cho bà con theo Quyết định 48 còn quá rườm rà, như đang đánh bắt ở vùng biển xa, gặp đàn cá bơi theo dòng hải lưu, con tàu phải đuổi theo, theo mãi, đến khi đánh được mẻ cá thì tàu đã đi quá xa đảo và nhà giàn, muốn quay lại chứng giấy tờ thì tốn quá nhiều chi phí, nên đành bỏ. Để tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân, ngành chức năng nên hỗ trợ máy HF (định vị) để dễ làm thủ tục.

Ngoài thủ tục bất cập để được hỗ trợ theo Quyết định 48, muốn xuất bến, tàu cá phải có đầy đủ thủ tục, phải kê khai rõ đơn vị thiết kế. Thực tế lâu nay, ngư dân Quảng Ngãi đóng tàu theo kinh nghiệm truyền thống. Thế nhưng, để hợp thức hóa tàu ra khơi, chủ tàu phải nhờ ngành chức năng lập thủ tục thiết kế hoàn công (đóng tàu trước, bổ sung thiết kế sau).

Cùng với sự nỗ lực của ngư dân, chính quyền TP Đà Nẵng cũng đã có những động thái hết sức tích cực để hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Trong đó phải kể đến Đề án “Nâng cao hoạt động đánh bắt hải sản trên địa bàn đến năm 2020”, có tổng kinh phí trên 1.100 tỷ đồng nhằm: ưu tiên phát triển đội tàu công suất 90CV trở lên đạt khoảng 300 chiếc vào năm 2015 và 400 chiếc vào năm 2020; trong đó tàu dịch vụ hậu cần 10 chiếc. Đề án cũng đặt ra chỉ tiêu 100% thuyền trưởng, máy trưởng được đào tạo, 70% tàu cá công suất từ 400CV trở lên được trang bị thiết bị hỗ trợ kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm như: máy dò ngang, tời thu lưới, máy định vị vệ tinh… Chuyển đổi cơ cấu nghề cho ngư dân theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, ưu tiên nghề lưới rê, nghề câu, lưới vây…

Hà Minh - Nguyễn Hùng

Tin cùng chuyên mục