Hạn giữa mùa mưa

Đồng không mông quạnh
Hạn giữa mùa mưa

Dù đã vào mùa mưa thường niên nhưng các tỉnh miền Trung lại bị gặp khô hạn gay gắt. Thời tiết cực đoan như hiện nay chưa từng xảy ra tại miền Trung trong 30 năm trở lại đây. Người dân đang đối mặt với nỗi lo mất mùa, đói ăn trong thời gian tới.

Cánh đồng Đồng Giao, vùng lũ xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam đang đối mặt với khô hạn giữa mùa mưa.

Cánh đồng Đồng Giao, vùng lũ xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam đang đối mặt với khô hạn giữa mùa mưa.

Đồng không mông quạnh

Nhiều tháng qua, dù đã vào mùa mưa nhưng thời tiết ở miền Trung vẫn oi bức, nắng chói chang. Chưa bao giờ người dân miền Trung phải đón hạn giữa mùa mưa. Dọc QL14B, từ Hòa Vang về Đại Lộc, nhiều cánh đồng ven đường khô khốc. Không thấy trâu, chỉ có những chiếc máy cày oằn mình kéo những đường cày phun ra khói đen sì vì đất cứng. Bà Nguyễn Thị Sáu (60 tuổi, trú thôn Vĩnh Phước, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) đang hì hục nện những nhát cuốc xuống mặt ruộng, bụi bay mịt mù.

Quệt dòng mồ hôi trên mặt, bà Sáu thở than: “Tui làm nông ở cánh đồng Đồng Giao ni đã gần hết đời người nhưng chưa bao giờ phải chịu hạn vào mùa mưa như ri. Mấy năm, vụ đông xuân là dân tui phải ra đồng đắp bờ ngăn nước, còn năm ni chẳng có giọt nước nào. Ruộng đồng khô cháy đến máy cũng cày không nổi. Hạn hán như thế này chỉ làm cho có làm chứ chưa biết mùa màng ra sao vì lũ không có, chuột dế quá nhiều…”.

Mấy năm trước, cánh đồng Đồng Giao, Hà Nha, Hà Thanh xã Đại Đồng cứ vào vụ đông xuân là… hốt bạc bởi lượng phù sa về nhiều, chuột dế bị lũ cuốn trôi. Thế nhưng năm nay, mưa lũ chẳng thấy, ruộng đồng thiếu nước. Đến mức, mấy cái khe suối đổ ra đồng cũng cạn khô.

Trong khi đó, sông Vu Gia (lưu vực sông “nuôi sống” gần nửa tỉnh Quảng Nam - PV) nay cũng cạn khô. Giữa sông, những bãi cát bồi nông lên giữa cái nắng chói chang. Xuôi về Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… những cánh đồng bạt ngàn cũng khô khốc vì thiếu nước. Hàng năm, thời điểm này bà con nông dân đổ ra đồng làm đất chuẩn bị gieo sạ, nhưng năm nay đồng không mông quạnh. Nhiều tỉnh khác ở miền Trung như Huế, Quảng Ngãi, Bình Định… cũng lâm cảnh tương tự, bị khô hạn và dịch chuột đe dọa.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, trong 2 tháng chính của mùa mưa (tháng 10 và tháng 11-2012), khu vực từ Quảng Trị đến Ninh Thuận tổng lượng mưa thiếu hụt từ 70% - 90%.

Chạy hạn

Đã gần một tuần qua, Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam đã bắt đầu triển khai các biện pháp chạy hạn. Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, cho biết: Còn khoảng 10 ngày nữa xuống giống nhưng thời tiết quá cực đoan, mùa màng đối mặt với hạn vì đến nay mới đạt 60% - 70% lượng mưa so với các năm, dẫn đến các hồ chứa thiếu nước. Quảng Nam có 73 hồ chứa nhưng hiện nay chỉ 20 hồ chứa nhỏ đủ nước.

Tại TP Đà Nẵng, hiện không chỉ thiếu nước sản xuất mà thiếu cả nước sinh hoạt. Từ giữa cuối tháng 11-2012, Nhà máy nước Cầu Đỏ, nhà máy nước lớn nhất TP Đà Nẵng với công suất 300.000m³/ngày đêm đã bị mặn xâm nhập. Để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho hơn 1 triệu dân TP Đà Nẵng và những vùng lân cận, Nhà máy nước Cầu Đỏ phải lấy nước từ đập An Trạch cách nhà máy hơn 10km.

Ông Huỳnh Vạn Thắng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho biết, sở đã chỉ đạo đóng cưỡng bức 11/12 cửa tràn tại đập An Trạch để giữ nước cho Nhà máy nước Cầu Đỏ cũng như các trạm bơm phục vụ nông nghiệp. Hai hồ chứa nước lớn nhất TP Đà Nẵng, hồ Đồng Nghệ (Hòa Khương) và hồ Hòa Trung (Hòa Bắc) thiếu từ 5 - 6m nước, tương đương khoảng 14 triệu m3 nước. Để đảm bảo mùa vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như nguồn nước sinh hoạt, TP Đà Nẵng đã yêu cầu các hồ thủy điện ở thượng nguồn sông Vu Gia như A Vương, Đắk Mi 4… phải xả nước chống hạn.

Ông Lê Văn Nhất, nông dân xã Hòa Phước, cho biết: “Mọi năm thời điểm này bà con phải ra đồng khơi thông hệ thống mương thoát nước để làm đất. Còn năm nay ngược lại, phải đắp đê bao, giữ nước. Nhưng oái ăm thay nước không có để giữ. Chúng tôi hết sức lo lắng bởi trên thượng nguồn không có nước lấy gì đổ về cho chúng tôi gieo sạ”.

Trước những dự báo về khả năng thiếu nước tưới trong vụ đông xuân sắp tới, ngoài giống lúa chủ lực NX30 và XI23, Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa ngắn và trung ngày như HT1, TBR45, SH2, KD18... nhằm hạn chế ảnh hưởng của hạn hán. Bên cạnh đó, chuyển đổi những diện tích lúa bấp bênh, không chủ động nguồn nước tưới sang trồng các loại cây khác.

Nguyên Khôi - Nguyễn Hùng


Thưởng nóng 1.500 - 2.000 đồng/đuôi chuột

Báo SGGP số ra ngày 11-12 đăng bài Bắc miền Trung bất an vì thời tiết bất thường phản ánh, thời điểm gieo cấy lúa đông xuân 2012 - 2013 bắt đầu nhưng đồng ruộng khô nước.

Tại Quảng Trị, Sở NN-PTNT phối hợp với chính quyền địa phương phát động chiến dịch ra quân diệt chuột, vệ sinh đồng ruộng. Các HTX nông nghiệp phân công từng nhóm hộ đến các vùng đồng, vùng ruộng của xã, sử dụng nhiều phương pháp như đặt bẫy, đào tìm các hang ổ chuột ở, dùng các loại thuốc diệt chuột sinh học… UBND huyện và các xã hỗ trợ 1.500 - 2.000 đồng/đuôi chuột để thưởng nóng người dân diệt chuột. Sở NN-PTNT Thừa Thiên – Huế chỉ đạo các HTX nông nghiệp trên địa bàn đôn đốc nông dân cày lật đất, tiêu hủy lúa chét, cỏ dại và tiêu diệt sâu bệnh. Vận động nông dân ra quân diệt chuột, ốc bươu vàng… trước khi xuống giống lúa đông xuân 2012 - 2013.

V.Thắng – L.Ngọc

Tin cùng chuyên mục