Nông dân ĐBSCL méo mặt vì giá dừa

Giá dừa khô ở các tỉnh ĐBSCL liên tục sụt giảm trong thời gian dài và đang ở mức thấp chưa từng có nhưng vẫn không tiêu thụ được. Hiện tại, mỗi chục dừa khô nguyên liệu (12 trái) chỉ còn 14.000 -16.000 đồng (bằng 1/10 so với lúc cao điểm vào tháng 10-2011).
Nông dân ĐBSCL méo mặt vì giá dừa

Giá dừa khô ở các tỉnh ĐBSCL liên tục sụt giảm trong thời gian dài và đang ở mức thấp chưa từng có nhưng vẫn không tiêu thụ được. Hiện tại, mỗi chục dừa khô nguyên liệu (12 trái) chỉ còn 14.000 -16.000 đồng (bằng 1/10 so với lúc cao điểm vào tháng 10-2011).

  • Khốn khó vì dừa

Về các vùng nông thôn Bến Tre những ngày này, đi đâu cũng thấy người dân trồng dừa than rát ruột bởi giá rớt thảm hại. Bà Nguyễn Thị Hai, ấp 8, xã Phước Long, huyện Giồng Trôm chua chát: “Dừa khô bây giờ chỉ còn 1.200 đồng/trái nhưng không ai mua. 2 lứa dừa rồi (2 tháng), tôi cũng như nhiều người dân ở đây đều chất đống ở nhà, vì thương lái trốn đâu mất hết. Vì để lâu dừa bị lên mộng nên một số hộ đã chẻ ra cho gà ăn. Dừa rẻ quá đã kéo theo nhiều hệ lụy, người dân không dám đầu tư nuôi gà, vịt, heo như lúc trước vì không có tiền mua thức ăn. Các hàng quán, tụ điểm vui chơi ế ẩm, chợ búa cũng không xôm tụ như trước...

Lão nông Võ Thành Thưởng, xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm, người được mệnh danh là “vua dừa” than vãn: “Mấy tháng nay, giá thấp quá thương lái không mua, tôi không dám mướn người thu hoạch 2 ha dừa. Trái nào khô quá tự rụng xuống đất nằm đó, vài bữa đi gom chất đầy dưới gốc. Tội nghiệp mấy hộ trồng dừa ít, số lượng trái không nhiều, lại ở nơi xa… thương lái không thèm tới mua. Thế là có hộ cần tiền phải nài nỉ bán chỉ 7.000 - 8.000 đồng/chục. Nói thiệt, giá thấp thế này không thể nào nông dân sống được với vườn dừa”.

Theo ông Thưởng, dân trồng dừa đang lâm thế bí, nếu đốn bỏ vườn dừa sau nhiều năm chăm sóc thì tiếc vô cùng và cũng chưa biết trồng cây gì thay thế. Còn giữ vườn dừa, không biết lấy đâu ra tiền để sống?

Có khoảng 40.000 hộ dân ở Bến Tre sống nhờ vào vườn dừa.

Có khoảng 40.000 hộ dân ở Bến Tre sống nhờ vào vườn dừa.

Giới thương lái thu mua dừa cũng chẳng khá hơn, tình trạng phá sản, vỡ nợ, bỏ trốn… xảy ra như cơm bữa. Ông Nguyễn Văn Tiến, 10 năm kinh nghiệm làm thương lái dừa ở huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre nói: “Giá dừa giảm liên tục khiến thương lái chết đứng. Nếu như hôm trước mua dừa về chưa kịp bán cho các nhà máy hoặc các tàu Trung Quốc đậu trên sông Hàm Luông, thì hôm sau đã rớt giá và coi như lỗ. Cứ như thế xảy ra liên tục trong suốt 7 - 8 tháng qua, khiến hàng loạt thương lái lỗ trắng mắt”.

Theo nhiều thương lái ở Bến Tre, trước đây tàu Trung Quốc neo đậu 6 - 7 chiếc trên sông Hàm Luông chờ mua dừa, nay chỉ còn 1 - 2 chiếc tàu và mua nhỏ giọt; trong khi số lượng dừa tồn đọng ngày càng nhiều. Tình trạng tiêu thụ ế ẩm, lỗ lã… khiến nhiều thương lái hết vốn, nợ chất chồng. Mấy ngày qua, nhiều người nháo nhát tìm vợ chồng ông N.V.N, một chủ vựa dừa quy mô lớn tại xã Tân Hào, huyện Giồng Trôm, lâm nợ gần 4 tỷ đồng đã trốn khỏi địa phương. Hiện đống dừa của vợ chồng chủ vựa này (đã mua gom từ các lái nhỏ nhưng chưa bán được) chất cao như núi, do để lâu dừa đâm cây con mọc chi chít…

  • Khẩn cấp cứu ngành dừa

Theo thống kê, hiện cả nước có khoảng 144.000ha dừa, tập trung chủ yếu ở ĐBSCL và duyên hải miền Trung. Tại ĐBSCL, các tỉnh Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long có hơn 30.000ha; riêng Bến Tre diện tích dừa nhiều nhất với hơn 52.000ha, sản lượng khoảng 400 triệu trái/năm, chiếm 35% lượng dừa cả nước.

Mấy năm qua, nhờ giá cao nên người dân mạnh dạn đầu tư phát triển vườn dừa thêm khoảng 7.000ha. Hiện tại, 40.000 hộ gia đình ở Bến Tre sống nhờ vào vườn dừa đang rất cần ngành chức năng hỗ trợ khẩn cấp.

Theo ông Hồ Vĩnh Sang, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre, ngành dừa đang tồn tại nhiều phân khúc liên hoàn gồm các khâu trồng, cung cấp nguyên liệu, chế biến, dịch vụ, thương mại, xuất nhập khẩu. Song, các khâu này chỉ gắn với nhau qua mua bán sản phẩm từng chặng chứ không có sự gắn kết chặt chẽ. Do đó khi gặp khó khăn thì mạnh ai nấy lo. Để phát triển bền vững ngành dừa, ông Sang đề xuất nên xây dựng mối liên kết giữa các phân đoạn trong ngành dừa. Theo đó, doanh nghiệp thông qua các chi hội trồng dừa để liên kết với nông dân; từng bước xây dựng cho mình vùng nguyên liệu ổn định bằng cách đầu tư, hỗ trợ vốn, kỹ thuật… để người trồng dừa sản xuất có hiệu quả.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết đang tập trung xây dựng chiến lược dài hạn phát triển ngành dừa cũng như đề xuất, kiến nghị các chính sách hỗ trợ người trồng dừa.

Trước mắt, tuyên truyền để người dân nhận thức việc giảm giá mạnh do thị trường khó khăn chung, cần tỉnh táo không nên quanh quẩn với điệp khúc “trồng - chặt” hoặc bỏ bê vườn dừa, không chăm sóc khiến năng suất, sản lượng giảm mạnh. UBND tỉnh Bến Tre yêu cầu ngành nông nghiệp hỗ trợ nông dân các biện pháp kỹ thuật nhằm tiết giảm chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả; đẩy mạnh hỗ trợ việc thay đổi giống dừa mới có năng suất cao, kết hợp trồng xen bưởi da xanh, ca cao trong vườn dừa… nhằm giúp người dân tăng thu nhập trong giai đoạn khó khăn này.

Vua dừa Võ Thành Thưởng đề xuất: “Xem xét hỗ trợ vốn, khoanh nợ, giãn nợ đối với người dân trồng dừa là rất cần thiết để bà con có điều kiện đầu tư chăm sóc vườn dừa, giữ vững năng suất cũng như phát triển chăn nuôi gà vịt, tôm cá trong vườn dừa… Mặt khác, nhà nước nên sớm công nhận dừa là cây công nghiệp để có chính sách đầu tư, phát triển hợp lý. Song song đó, sớm có chính sách thu mua tạm trữ dừa giúp người dân”.

BÌNH ĐẠI

Tin cùng chuyên mục