Bất an vùng sạt lở

Hàng trăm hộ dân vùng sạt lở ven sông, ven biển, các khu vực miền núi tại các tỉnh miền Trung lại đang bất an khi mùa mưa bão gần kề. Trong khi đó, các khu tái định cư (TĐC) dù đã xây dựng, bố trí nhưng lượng người dân vào sinh sống không nhiều, có khu bỏ hoang do điều kiện sinh hoạt không đáp ứng.
Bất an vùng sạt lở

Hàng trăm hộ dân vùng sạt lở ven sông, ven biển, các khu vực miền núi tại các tỉnh miền Trung lại đang bất an khi mùa mưa bão gần kề. Trong khi đó, các khu tái định cư (TĐC) dù đã xây dựng, bố trí nhưng lượng người dân vào sinh sống không nhiều, có khu bỏ hoang do điều kiện sinh hoạt không đáp ứng.

Từ núi xuống biển

Khu TĐC Triền Đông Núi Bé (xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) mặc dù người dân đã ở từ năm 2010 nhưng vẫn chưa có điện, đường thì đã hư hỏng. Muốn sử dụng điện, người dân phải dùng “ké” từ thôn bên cạnh. Vì vậy, sau hơn 2 năm giao nền cho người dân, chỉ có một số ít hộ dân về đây xây dựng nhà. Do không có đất sản xuất nên đời sống kinh tế khó khăn, lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể vay vốn để làm ăn. Chị Tiêu Thị Thu Xiêm bức xúc: “Có an cư mới lạc nghiệp nhưng ở đây chúng tôi khó mà an cư được, điện không đủ xài, ban ngày mô tơ không chạy được, giếng cạn nước không đủ sinh hoạt”.

Khu tái định cư làng Bung không có hộ dân nào đến ở. Ảnh: Hà Minh

Khu tái định cư làng Bung không có hộ dân nào đến ở. Ảnh: Hà Minh

Năm 2010, khu TĐC Làng Bung (xã Sơn Ba, huyện Sơn Hà) được xây dựng để đưa người dân địa phương nằm trong vùng nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở núi đến ở. Gần 3 năm sau, khu TĐC này vẫn chưa có hộ dân nào dám ở dù đã bỏ tiền dựng xong nhà cửa. Có khoảng 40 ngôi nhà đang bỏ hoang vì người dân đã quay trở về sống nơi ở cũ. Khu TĐC đã đưa vào hoạt động nhưng không điện, không nước sinh hoạt.

Bà Đinh Thị Thanh Hường, Phó chủ tịch UBND huyện Sơn Hà, cho biết huyện đã có văn bản kiến nghị với chủ đầu tư sớm hoàn thành khu TĐC để đưa dân vào ở trước mùa mưa lũ năm nay nhưng đến nay chưa nhận được trả lời. Khu TĐC Làng Bung do Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, thi công từ tháng 6-2009 với tổng vốn đầu tư gần 2,7 tỷ đồng, năm 2010 hoàn thành xây dựng để 50 hộ dân thuộc diện di dời tránh lở núi vào ở.

Nhà ông Huỳnh Né (63 tuổi) ở thôn Thai Dương Hạ (xã Hải Dương, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) sát mép biển. Những đêm gió lộng ông lại thao thức vì sóng biển ì oạp muốn “nuốt” nhà mình... Làng nằm dọc theo bờ Đông Hải, trước mặt là phá Tam Giang rộng lớn, vào loại cổ xưa nhất miền Trung với lịch sử hình thành hơn 400 năm. Những con sóng bạc đầu dồn dập “ngoạm” từng mảng đất ven biển, tạo thành vệt lõm hình chữ C khổng lồ - làng Thai Dương Hạ nằm trên lõm đất đó. Ông Né âu lo: Cứ đến mùa mưa bão, triều cường và gió bão giật mạnh lấy đi hàng trăm mét, ăn sâu vào diện tích đất còn lại từ 10-20m. Một cửa biển mới thông vào phá Tam Giang sắp vỡ toang do bị sóng ăn còn khoảng 70m. “Nguyện vọng bà con xin được di dời đến nơi ở mới sớm lúc nào hay lúc đó” - ông Né tha thiết.

Lại vấn đề kinh phí

Ông Đàm Bàng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Nghĩa Hành cho biết: Có 5 khu TĐC trên địa bàn huyện để bố trí các hộ dân vùng sạt lở ven sông, vùng trũng thấp, lở núi từ trước năm 2010. Những bất cập khi xây dựng khu TĐC, khó khăn khi các hộ dân huyện cũng đã nhận thấy. Vì vậy, huyện đã đề nghị chủ đầu tư (Chi cục phát triển nông thôn tỉnh) rà soát, chỉnh sửa quy hoạch hợp lý hơn, phối hợp với chính quyền xã sớm giải quyết sổ đỏ cho dân để đảm bảo quyền lợi cho họ.

Ông Đỗ Kỳ Ân, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Quảng Ngãi cho rằng từ tháng 10-2009 đến tháng 6-2010, Sở KH-ĐT tỉnh đã phê duyệt nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng 6 khu TĐC tại các huyện: Lý Sơn, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tây Trà và Ba Tơ, tổng kinh phí gần 19 tỷ đồng nhằm di dời khẩn cấp 357 hộ dân ra khỏi vùng sạt lở. Tuy nhiên, đến tháng 6-2012, cả 6 dự án đã phê duyệt chỉ mới được cấp 100 triệu đồng để triển khai các thủ tục ban đầu. Theo ông Ân, đây là 6 dự án khẩn thiết, cần được đầu tư sớm để tránh thiệt hại về tài sản, tính mạng của người dân.

Được biết, trong năm 2012, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có kế hoạch tạm ứng ngân sách tỉnh để thực hiện 4 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 30,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh cấp hơn 21 tỷ đồng, còn lại là phần vốn thuộc ngân sách của các huyện có dự án. Dự kiến các điểm tái định cư này sẽ hoàn thành trong quý 3-2012 để kịp bố trí tái định cư cho 154 hộ dân trước mùa mưa lũ và sẽ bố trí ngân sách tỉnh năm 2013 để hoàn trả tạm ứng. Các dự án còn lại bố trí cho 287 hộ dân với nhu cầu vốn đầu tư 17 tỷ đồng nhưng chưa có nguồn để thực hiện. Hiện nay, UBND tỉnh đang xin kinh phí.

Khu tái định cư Làng Bung (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) vắng người. Ảnh: HÀ MINH

Khu tái định cư Làng Bung (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) vắng người. Ảnh: HÀ MINH

Còn ông Phan Thanh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục đê điều và PCLB tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhẩm tính: “Gần 1.200 hộ với 5.735 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp do biển xâm thực. Từ năm 2007 đến nay, tình hình xâm thực bờ biển diễn ra phức tạp với tổng chiều dài 7,8km. Tỉnh đã đầu tư trên 40 tỷ đồng để tổ chức TĐC cho gần 900 hộ thuộc vùng sạt lở.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn gần 1.000 hộ ở vùng sạt lở đang cần được TĐC để ổn định cuộc sống. Theo ông Hùng, về lâu dài, ven biển là khu vực thường xuyên xảy ra tình trạng xâm thực nên tỉnh sẽ tiếp tục triển khai dự án xây dựng hai tuyến bờ kè nhưng đang gặp “eo” vì phải có nguồn kinh phí đến gần 20 tỷ đồng, cần sự trợ giúp từ Trung ương.

Hà Minh- Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục