Miền Trung: Bão đi, lũ đến

Xóm nghèo xơ xác
Miền Trung: Bão đi, lũ đến

Bão số 11 với sức gió giật trên cấp 14, 15 đã càn quét qua mọi ngõ ngách, xóm làng ở miền Trung suốt đêm 14-10 đến sáng 15-10. Hồi 13 giờ ngày 15-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc, 106,7 độ Kinh Đông trên khu vực Nam Lào.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, đến chiều 15-10, bão số 11 đã làm 4 người ở Quảng Nam bị chết, 2 người ở Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế bị mất tích và hàng chục người khác bị thương.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kiểm tra công tác chống bão tại Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Nguyên Khôi

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát kiểm tra công tác chống bão tại Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Nguyên Khôi

Bão đã gây mưa to ở các tỉnh Trung Trung bộ và Bắc Tây Nguyên với lượng mưa lên tới khoảng 150 – 300mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 424mm; Bạch Mã (Huế) 659mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 437mm. Trong khi đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, kết hợp với không khí lạnh đang được tăng cường, ở vịnh Bắc bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to. Vì vậy, lũ trên các sông từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên tiếp tục lên nhanh có khả năng lên mức báo động 2 - 3, có nơi trên báo động 3.

Tại Sở chỉ huy tiền phương phòng chống bão số 11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đề nghị các địa phương phải khẩn trương khắc phục hậu quả do bão gây ra. Yêu cầu Bộ Công an tổ chức cho xe cộ lưu thông trở lại, tránh ùn tắc trên QL 1A; các đơn vị viễn thông khôi phục lại liên lạc để phục vụ cho công tác khắc phục hậu quả bão. Công tác cứu trợ, cứu chữa những người bị thương, mai táng người chết, khôi phục lại hệ thống cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc phải làm ngay. Ưu tiên khôi phục lại trường học, trạm y tế để chữa bệnh và cho học sinh đi học trở lại. Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương phải triển khai đối phó với lũ đang dâng cao trên các sông ở miền Trung trong những ngày tới.

Chiều 15-10, đồng chí Võ Thị Dung, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch UBMTTQVN TPHCM, Trưởng ban Ban Cứu trợ TPHCM, đã chủ trì buổi họp khẩn cấp với cán bộ MTTQ 24 quận, huyện và các thành viên MTTQ về việc cứu trợ đồng bào các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão số 11 gây ra. Theo đó, UBMTTQ TP - Ban cứu trợ TP đề xuất cứu trợ 3 tỷ đồng cho tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi và TP Đà Nẵng. Dự kiến ngày 17 và 18-10, MTTQ TPHCM sẽ tổ chức 2 đoàn cứu trợ tới 3 địa phương bị thiệt hại nặng nề nhất.

Trong ngày 15-10, TPHCM có thêm 60 đơn vị tập thể và cá nhân đã đến UBMTTQ TPHCM tiếp tục ủng hộ hơn 2,1 tỷ đồng và hơn 1 tấn hàng hóa gồm: gạo, mì gói, đường, sữa, quần áo, mùng mền để hỗ trợ đồng bào bị bão lũ.


Tại Đà Nẵng, các lực lượng chức năng và người dân khẩn trương dọn dẹp cây cối ngã đổ, đến giữa giờ chiều 15-10, hầu hết các tuyến đường đã được thông. Đà Nẵng có 11 người bị thương, trên 1.000 nhà dân, trường học, trạm y tế, hàng quán bị sập, tốc mái; hơn 80% số cây xanh bị gãy đổ…

UBND TP Đà Nẵng đã duyệt tạm ứng số tiền 4 tỷ đồng cho mỗi quận, huyện để khắc phục hậu quả bão số 11, trong đó 2 tỷ đồng hỗ trợ các hộ dân nghèo khó khăn sửa chữa nhà ở sập, hư hỏng và 2 tỷ đồng sửa chữa các công trình trường học. Bên cạnh đó, TP Đà Nẵng cũng quyết định hỗ trợ người bị thương nặng 1,5 triệu đồng/người; nhà tốc mái hoàn toàn 2 triệu đồng/trường hợp, tốc mái một phần 500.000 đồng/trường hợp.

Toàn tỉnh Quảng Nam có 5 người chết và mất tích, trên 5.033 nhà bị tốc mái, trong đó, huyện Điện Bàn nhiều nhất với gần 3.000 nhà, tiếp đến là Tiên Phước 833 nhà, Hiệp Đức 620 nhà, Quế Sơn 450 nhà, Tam Kỳ 421 nhà... Ngoài ra, tại các khu neo đậu ở Tam Hòa, Tam Quang và âu thuyền Cù Lao Chàm cũng đã có 5 ghe bị gió và sóng biển đánh vỡ, 40 chiếc bị chìm; gần 3.000 cây lâm nghiệp, 79.000 cây ăn quả bị ngã, đổ.

Gió giật mạnh kèm theo mưa lớn cũng đã gây ngập và sạt lở nặng nhiều tuyến giao thông huyết mạch nối từ trung tâm tỉnh và QL 1A đi các địa phương. Tại huyện Đại Lộc, hệ thống điện lưới bị cắt. Gió bão đã làm tháp ăng-ten phát sóng phát thanh - truyền hình đặt tại Núi Lở (Đại Nghĩa) gãy đổ.

Ông Trần Kim Thành, Phó trưởng ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, bão số 11 gây thiệt hại lớn cho địa phương. Trong đó, 17 nhà sập, 669 nhà bị tốc mái; 1 người mất tích và 11 người bị thương, nhiều tuyến đường giao thông bị ngập sâu và sạt lở.

Tại Quảng Ngãi, bão số 11 đổ bộ vào đảo Lý Sơn với cường độ gió cấp 8, giật cấp 10 đã làm một người dân bị thương do bị cây ngã đổ, đè gãy chân. Có 80 nhà dân bị tốc mái, trong đó huyện Lý Sơn chiếm 75 nhà. Cũng ở huyện này, có 5 trường học cũng bị gió bão thổi bay tôn; một tàu cá bị chìm, 30 tàu thuyền bị hư hỏng; 60ha keo ở huyện Trà Bồng bị gãy đổ… 

* Huyện Đại Lộc (Quảng Nam) chỉ đạo tiếp tục di dời khẩn cấp 916 hộ dân với trên 2.700 khẩu đến nơi trú ẩn an toàn. Một số xã ở lưu vực sông Vu Gia như Đại Nghĩa, Đại Quang… bắt đầu ngập lụt.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh yêu cầu các đơn vị thủy điện trên địa bàn không được nâng mức xả lũ, riêng đối với thủy điện Đắk Mi 4 giảm mức xả lũ từ 2.700m³/giây xuống 2.000m³/giây ngay trong trưa ngày 15-10.

* Tại tỉnh Kon Tum, nhiều tuyến đường bị sạt lở gây ách tắc giao thông. Trên tuyến quốc lộ 40B, tại km197+100, nước dâng cao ngập qua đường khoảng 20cm. Trên tuyến đường Hồ Chí Minh (đoạn từ huyện biên giới Ngọc Hồi đến vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Nam) đã có 16 điểm sạt lở. Đặc biệt, tại xã Diên Bình (huyện Đăk Tô), tuyến đường Hồ Chí Minh đã ách tắc hoàn toàn do nước từ thượng nguồn đổ về khiến đường ngập sâu gần 1m.

* Do cây lớn gãy đổ ngang qua đường sắt và hệ thống thông tin, tín hiệu đường sắt Bắc-Nam qua địa phận quận Liên Chiểu (Đà Nẵng) bị gãy đổ, hư hại, nên nhiều chuyến tàu thống nhất đang phải tạm dừng tại ga Đà Nẵng. Ga Quảng Ngãi cũng có 3 chuyến đang bị kẹt do bão.


Qua vùng tâm bão

Xóm nghèo xơ xác

Chiều 15-10, khi những đợt sóng vẫn còn cao 2-3m và cường độ gió đã giảm hẳn, người dân xóm nghèo nằm nép mình dưới chân đèo Hải Vân, mặt hướng ra biển thuộc hai phường Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã bắt đầu dọn dẹp lại nhà cửa tan hoang sau một đêm bị bão số 11 chà qua, xát lại.

5 năm sau ngày cơn bão Xangsane tàn phá Đà Nẵng, người dân nơi xóm nghèo này lại thức trắng đêm để chạy bão. Con đường men theo bờ kè vào tổ dân phố Nam Ô 2, 5 và 7 của phường Hòa Hiệp Nam bị lớp cát dày cả nửa mét lấp đầy. Đó là hậu quả của những con sóng hung hãn được tạo nên bởi cường độ gió mạnh mang theo cát tấp vào bờ. “Làng nằm ngay trong họng của bão. Từ 23 giờ 30 hôm trước, dân ở đây đã thức trắng. Tiếng sóng biển gào thét ầm ầm vào bờ kè, vách đá. Khi nghe tiếng gió, tiếng sóng biển, tiếng tôn va đập… cả nhà tôi khóa cửa bỏ chạy qua nhà hàng xóm cách đó gần 200m. Sáng nay về nhà thấy tôn phần sau bị thổi bay, sập hết trần nhà, đồ đạc ướt mèm” - chị Thắm, tổ dân phố Nam Ô 2 cho biết.

Bão số 11 cuốn sập nhà dân tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Bão số 11 cuốn sập nhà dân tại quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Cạnh nhà chị Thắm, mới chiều qua hai cha con ông Nguyễn Văn Hải đang giằng néo nhà cửa, vậy mà chiều nay quay lại, phần mái được giằng néo ấy đã bay đi đâu mất, để lại những trụ bê tông và xà gồ chỏng chơ. “Bão giật liên hồi, tiếng kèo cột kêu răng rắc, nhà lại làm cấp 4, sao mà chống chọi cho nổi” - bà Hạnh (vợ ông Hải) nói rồi lặng im nhặt nhạnh những tấm tôn méo mó vừa được con trai bà đi tìm về để tận dụng lợp lại.

Tan tác làng chài

Chúng tôi cố vượt qua chiếc cầu quay Sông Hàn về tuyến đường Hoàng Sa chạy dọc theo bờ biển Đà Nẵng khi gió vẫn còn thổi mạnh. Chiếc xe máy chao đảo như muốn “nhảy” xuống sông. Cây cầu chỉ vài trăm mét nhưng phải mất gần 15 phút mới qua được. Gió, mưa quất thẳng vào mặt nghe rát buốt. Vừa đến tuyến đường Hoàng Sa được xem là 1 trong những tuyến đường đẹp nhất Đà Nẵng, thì chỉ qua một đêm đã biến thành hoang phế, tả tơi. Thuyền bè, thúng chai của người dân 2 phường Thọ Quang, Mân Thái được kéo lên để tránh bão bị sóng biển cộng với triều cường đánh bể nát, nằm ngổn ngang. Cây cối ngã rạp, đất đá từ biển theo sóng tràn vào đã biến nơi đây chẳng khác nào một chiến trường vừa mới bị bom dội.

Ông Trần Văn Sáu (tổ 21, phường Mân Thái, quận Sơn Trà, Đà Nẵng), nói như khóc: “Nghe tin bão lớn từ sáng 14-10, mấy cha con tôi ra đây để kéo lên bờ, neo, cột chặt nhằm không để bão đánh tan. Bởi đây là nguồn sống cho cả gia đình. Cả đêm không ngủ được, chỉ mong trời sáng, bão tan để ra biển xem thế nào. Khi chạy ra thì không còn biết chiếc ghe của mình nằm ở đâu nữa”. Ông Sáu cũng cho biết, anh ruột của ông có một chiếc thuyền 30CV đã bị bão đánh nát, giờ chỉ còn cái phần mũi.

Sát rìa TP Đà Nẵng, khi bão 11 suy yếu, người dân xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế ồ ạt từ nơi trú ẩn tránh bão về nhà và cũng phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng khi phần lớn nhà cửa của mình bị đổ sập và tốc mái.

Đứng cạnh căn nhà sập đổ, bà Nguyễn Thị Hoa và 2 đứa con gái mồ côi cha ứa nước mắt bất lực bởi không hề tìm thấy một vật dụng gì còn nguyên vẹn dưới đống đổ nát. “Cũng chẳng biết sống làm sao nữa… Chồng qua đời cách đây 6 năm, tui lại đau ốm liên miên. Hai đứa con gái đứa học lớp 6, đứa lớp 8” - bà Hoa sụt sùi nói.

Lúc 2 giờ ngày 15-10, khi gió bão đang quần thảo thì có một ca sinh tại số nhà 256 Nguyễn Công Trứ, quận Sơn Trà (Đà Nẵng) nhưng không thể đến bệnh viện do gió giật quá lớn, xe taxi không hoạt động nên gia đình điện nhờ Ban Chỉ huy PCLB TP Đà Nẵng hỗ trợ. Đến 2 giờ 30, trong gió giật cấp 10, xe cấp cứu đã đưa được sản phụ đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng an toàn. 

Cũng trong đêm bão số 11 đổ bộ, BCH PCLB TP Đà Nẵng đã điều xe cứu thương và xe quân đội đưa 3 sản phụ đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để sinh an toàn.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục