Biệt thự cổ Đà Lạt - Hoang tàn, biến dạng

Những “ngôi nhà ma”
Biệt thự cổ Đà Lạt - Hoang tàn, biến dạng

Biệt thự cổ kiến trúc phương Tây được coi là vốn di sản kiến trúc quý giá, một phần quan trọng làm nên vẻ đẹp đặc trưng của Đà Lạt. Vậy nhưng, do thiếu chính sách bảo tồn hợp lý và công tác quản lý lỏng lẻo nên hàng loạt biệt thự bị hoang phế, xuống cấp, thậm chí biến mất.

Biệt thự số 13 Trần Hưng Đạo bị cơi nới để nhồi nhét đến 19 hộ dân.

Biệt thự số 13 Trần Hưng Đạo bị cơi nới để nhồi nhét đến 19 hộ dân.

Những “ngôi nhà ma”

Có lẽ điển hình nhất cho số phận hẩm hiu và long đong của biệt thự cổ Đà Lạt chính là loạt 11 biệt thự trên đường Nguyễn Du. Những biệt thự này trước đây giao cho Hoàng Anh Gia Lai đầu tư dự án nghỉ dưỡng cao cấp. Đến năm 2009, vì lý do doanh nghiệp chậm đầu tư, để biệt thự xuống cấp, tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi 11 biệt thự này giao lại cho nhà đầu tư khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Thủy. Nhưng chỉ hai năm sau, đơn vị này cũng xin rút khỏi dự án.

Như vậy, trong khoảng thời gian gần 10 năm và qua tay hai nhà đầu tư, khu biệt thự Nguyễn Du không những không được trùng tu, sửa chữa để khai thác, mà bỏ hoang tàn, đổ nát như những “ngôi nhà ma” ngay giữa phố. Hiện nay, khu biệt thự này đang được giao cho UBND TP Đà Lạt quản lý, bảo vệ, đồng thời xây dựng phương án sử dụng hiệu quả hơn.

Ngoài khu biệt thự Nguyễn Du, nhiều biệt thự sở hữu nhà nước khác cũng trong tình trạng quản lý không tốt và sử dụng sai công năng, dẫn đến xuống cấp, biến dạng. Trong số 178 ngôi biệt thự công (nhà nước thu hồi sau giải phóng), có 77 ngôi cho các hộ dân thuê ở, nhiều hộ cơi nới gây biến dạng biệt thự, thậm chí có ngôi biệt thự được “nhồi nhét” đến vài chục hộ gia đình (như biệt thự số 13 Trần Hưng Đạo). Không chỉ những ngôi cho dân thuê, mà nhiều biệt thự dùng làm trụ sở cơ quan cũng bị cơi nới, hoặc xây dựng thêm công trình, phá vỡ cảnh quan kiến trúc biệt thự.

Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, cho rằng, tình trạng này bắt nguồn từ việc sử dụng biệt thự sai công năng. Hầu hết biệt thự Pháp tại Đà Lạt xây dựng để ở, nếu dùng làm trụ sở cơ quan thì diện tích hẹp, phải xây dựng thêm phòng làm việc.

Thiếu chính sách bảo tồn

Theo một số tài liệu, số lượng biệt thự Pháp xây dựng tại Đà Lạt khoảng trên 1.000 ngôi (có người nói con số này là khoảng 2.500 ngôi) nhưng hiện nay, số biệt thự còn lại không nhiều. Theo ông Đặng Nguyễn Văn Tích, số biệt thự của tư nhân hiện cũng còn tương đương số biệt thự sở hữu nhà nước, tức là tổng cộng khoảng trên dưới 400 ngôi.

Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự tại Đà Lạt, nhằm bảo tồn di sản kiến trúc cũng như phát huy giá trị biệt thự cổ. Tuy nhiên, đề án này chỉ giới hạn ở những biệt thự sở hữu nhà nước. Trong khi đó, nhiều biệt thự tư nhân có kiến trúc đẹp nhưng không được đưa vào diện quản lý về kiến trúc, không có chính sách ưu đãi để người dân bảo vệ, tôn tạo. Vì vậy, thời gian qua, hàng loạt biệt thự sở hữu tư nhân đã bị bán, bị phá bỏ để xây dựng công trình mới có lợi về kinh tế hơn hoặc không được đầu tư tôn tạo.

Một hướng bảo tồn biệt thự cổ Đà Lạt đang thực hiện khá hiệu quả là giao cho các nhà đầu tư tôn tạo, khai thác du lịch. Thời gian qua, một số dự án đã phát huy hiệu quả như: khu nghỉ dưỡng Lê Lai, resort Cadasa (13 biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo), nhà hàng Phù Đổng (biệt thự Phi Ánh)… Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn như việc lựa chọn nhà đầu tư có tâm huyết và tiềm lực để tránh tình trạng đổ bể tương tự khu biệt thự Nguyễn Du như đã nêu.

Bên cạnh đó, sự lấn cấn giữa bảo tồn và kinh doanh cũng khiến sức hút đầu tư vào biệt thự cổ không lớn. Một số nhà đầu tư cho rằng, họ phải trả tiền thuê nhà, thuê đất khá cao nhưng lại bị hạn chế trong khai thác nên không mặn mà đầu tư.

NAM VIÊN

Tin cùng chuyên mục