Quyền Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn: “Nếu làm thủy điện này, tôi sẽ từ chức!”

Cho phép xây dựng thủy điện trong vùng lõi VQG Yok Đôn
Quyền Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn: “Nếu làm thủy điện này, tôi sẽ từ chức!”

Ông Trần Văn Thành, Quyền Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn, đã khẳng định như vậy trong cuộc trao đổi với PV Báo SGGP về dự án thủy điện Đrang Phốk (công suất 28MW, nằm trong vùng lõi VQG Yok Đôn). Theo ông Thành, nếu dự án được thực hiện sẽ ảnh hưởng rất lớn đến VQG Yok Đôn.

Tại vị trí dự kiến ngăn đập thủy điện Đrang Phốk trong lõi Vườn quốc gia Yok Đôn có nhiều cây gỗ lớn.

Tại vị trí dự kiến ngăn đập thủy điện Đrang Phốk trong lõi Vườn quốc gia Yok Đôn có nhiều cây gỗ lớn.

- Xin ông cho biết những ảnh hưởng đến VQG Yok Đôn khi thực hiện dự án thủy điện này?

>> Ông TRẦN VĂN THÀNH: Dự án này nằm ngay trong vùng lõi của VQG Yok Đôn, vì thế nó sẽ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và công tác bảo vệ rừng của vườn. Trước hết, nó làm mất hơn 59ha rừng đặc dụng. Mất rừng, các loại thú, chim chóc, voi rừng… ở khu vực này sẽ phải di chuyển đến khu vực khác sinh sống.

Tiếng ồn từ con người và máy móc thi công công trình cũng sẽ làm các loài thú trong khu vực sợ hãi bỏ đi. Khi nhà máy thủy điện chặn dòng, môi trường sống của các loài thủy sinh sống trên sông Srêpốk cũng sẽ bị biến đổi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh tồn của chúng. Còn về lâu dài, dự án thủy điện này sẽ gia tăng áp lực giữ rừng cho VQG Yok Đôn.

- Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cho rằng khu vực làm thủy điện chủ yếu là rừng nghèo và đa dạng sinh học thấp, vì thế không ảnh hưởng nhiều đến VQG Yok Đôn. Theo ông, đánh giá như vậy có đúng không?

Tôi cho rằng, đánh giá như thế rất phiến diện và chưa hiểu hết về VQG Yok Đôn. Hệ sinh thái VQG Yok Đôn chủ yếu là rừng khộp, vì thế không thể lấy tiêu chuẩn rừng thường xanh để đánh giá đây là rừng nghèo. Chúng ta không nên vì năng lượng mà đánh đổi những cánh rừng khộp quý giá này.

Khu vực dự kiến làm thủy điện Đrang Phốk có nhiều cây gỗ quý. Ảnh: CÔNG HOAN

Khu vực dự kiến làm thủy điện Đrang Phốk có nhiều cây gỗ quý. Ảnh: CÔNG HOAN

- Vừa qua, Sở Công thương Đắk Lắk đã có báo cáo đề nghị UBND tỉnh tiếp tục cho thực hiện dự án này. Ý kiến của ông về điều này thế nào?

Theo tôi, Sở Công thương Đắk Lắk đã báo cáo không trung thực về dự án này. Trong khi diện tích rừng đặc dụng của vườn phải chuyển đổi làm thủy điện lên tới hơn 59ha, sở lại báo cáo chỉ chuyển đổi có 28,88ha. Dự án đã chậm tiến độ tới 14 tháng, nhưng không hiểu sao sở vẫn đề nghị UBND tỉnh cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án(?).

- Ông có nói rằng “Nếu làm thủy điện này, tôi sẽ từ chức”. Liệu ông có dám từ chức khi dự án này được thực hiện hay không?

Trong các cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk, tôi đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh không nên cho thực hiện dự án thủy điện này. Tôi khẳng định, nếu làm thủy điện này trong VQG Yok Đôn, tôi sẽ từ chức. Bao nhiêu năm làm công tác bảo vệ rừng, tôi rất hiểu những giá trị rừng mang lại cho con người. Vì thế, tôi rất buồn nếu họ tiếp tục cho làm thủy điện này trong vùng lõi của VQG Yok Đôn.

Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk đề nghị:
Cho phép xây dựng thủy điện trong vùng lõi VQG Yok Đôn

(SGGP).- Ngày 9-9, Sở Công thương Đắk Lắk cho biết vừa tổ chức đoàn đi kiểm tra và có báo cáo đề nghị tỉnh cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án nhà máy thủy điện Đrang Phốk, công suất 28MW, nằm ngay trong vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Yok Đôn.

Theo báo cáo, dự án thủy điện này chiếm 295,4ha đất của VQG Yok Đôn (trong đó đất rừng phải chuyển đổi là 28,88ha) và đến nay đã chậm tiến độ 14 tháng. Sở đề nghị không thu hồi chủ trương lập dự án đầu tư, tiếp tục để chủ đầu tư lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trình Bộ Tài nguyên - Môi trường thẩm định, phê duyệt.

Bên cạnh đó, Sở Công thương Đắk Lắk cũng đề nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Bộ Tài nguyên - Môi trường khi phê duyệt ĐTM của dự án cần xem xét các yếu tố nhạy cảm như: Dự án nằm cách đường biên giới Việt Nam - Campuchia khoảng 4,2km, dự án thuộc lưu vực sông Mekong (cần phải có ý kiến của Ủy ban Quốc gia sông Mekong - PV), dự án nằm ngay trong vùng lõi VQG Yok Đôn…

Tại cuộc họp ngày 10-5, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Hoàng Trọng Hải cũng đã đồng ý cho chủ đầu tư tiếp tục thực hiện dự án thủy điện Đrang Phốk nhưng yêu cầu chủ đầu tư phải cam kết tiến độ thực hiện bằng văn bản, nếu không thực hiện như cam kết thì sẽ chấm dứt chủ trương, thu hồi dự án.

CÔNG HOAN (thực hiện)

- Hy sinh rừng quốc gia Yok Đôn?


Đề nghị xét lại quy hoạch Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A

(SGGP).- Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) các Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A theo đề nghị của Công ty CP tập đoàn Đức Long Gia Lai (Công ty Đức Long) - chủ  đầu tư dự án.

Qua xem xét báo cáo ĐTM mà Công ty Đức Long gửi ngày 28-6-2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thấy, ngoài một số mặt tích cực, Dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A còn quá nhiều những vấn đề tồn tại cơ bản chưa được làm rõ. Cụ thể, 2 dự án này làm mất vĩnh viễn 372,23ha đất rừng, trong đó có 128,37ha đất rừng tại khu Cát Lộc thuộc vùng lõi Vườn quốc gia (VQG) Cát Tiên. Báo cáo ĐTM có cam kết trồng rừng bồi hoàn diện tích rừng bị tổn thất do thực hiện 2 dự án, nhưng chưa nêu được vị trí cụ thể và phương án trồng rừng thay thế.

Về tác động đến đa dạng sinh học, báo cáo ĐTM chưa đánh giá đầy đủ sự tổn thất về đa dạng sinh học trong vùng ngập và khu vực xây dựng công trình đầu mối trong mối quan hệ với tính nguyên vẹn, giá trị đa dạng sinh học của VQG Cát Tiên và hệ sinh thái bản địa khu vực khác; một số biện pháp giảm thiểu tác động đến đa dạng sinh học còn thiếu tính khả thi, không đề ra biện pháp bảo vệ, bảo tồn các loài động thực vật; tác động tiêu cực đến dòng chảy hạ lưu, làm ảnh hưởng đến môi trường sống của hệ sinh thái thủy sinh và chế độ mực nước, diện tích ngập nước của khu vực Bàu Sấu.

Mặt khác, theo khoản 2, Điều 7 Luật Đa dạng sinh học, 2 dự án này có một phần diện tích nằm trong phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của VQG Cát Tiên bị nghiêm cấm xây dựng các công trình ngoài mục đích an ninh quốc phòng. Ngoài ra, dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6A còn tiềm ẩn tác động bất lợi khác như: Các hạng mục công trình phụ trợ (đường dây truyền tải, đường giao thông…) phục vụ 2 dự án sẽ tác động bất lợi đến môi trường tự nhiên và các điều kiện kinh tế, xã hội khu vực diễn ra các hoạt động thi công, tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi xâm hại VQG Cát Tiên; tác động đến sinh kế của người dân sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và đánh bắt cá vùng hạ du; tác động bất lợi đến quá trình xem xét công nhận Di sản Thiên nhiên thế giới VQG Cát Tiên… Những tác động tiềm ẩn trên, việc quyết định đầu tư các dự án này cần được xem xét trên cơ sở cân nhắc hài hòa các yếu tố lợi ích kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên…

Từ kết quả đánh giá trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương xem xét, rà soát lại quy hoạch đối với 2 dự án Thủy điện Đồng Nai 6, 6 A nói riêng và quy hoạch thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai nói chung.

HOÀI NAM

Tin cùng chuyên mục