Quảng Ngãi: Xuất khẩu ngư dân

Xuất ngoại
Quảng Ngãi: Xuất khẩu ngư dân

Để cải thiện hình thức đánh bắt “cha truyền con nối”, nâng cao tay nghề cho ngư dân, tạo điều kiện để ngư dân tiếp cận kỹ thuật đánh bắt hiện đại, an toàn, hiệu quả cao, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) đang xúc tiến nhanh chương trình đưa ngư dân miền Trung xuất ngoại. Ban đầu hướng đi này đã đem lại những lợi ích thiết thực cho các ngư dân và được đông đảo ngư dân đón đợi. Tuy nhiên, những khó khăn về chi phí để được ra nước ngoài đánh bắt đang là những rào cản đối với họ.

Dù có đội tàu và ngư dân đánh bắt xa bờ hùng hậu nhưng Quảng Ngãi vẫn chưa thể khai thác mạnh việc xuất khẩu lao động.

Dù có đội tàu và ngư dân đánh bắt xa bờ hùng hậu nhưng Quảng Ngãi vẫn chưa thể khai thác mạnh việc xuất khẩu lao động.

Xuất ngoại

Năm 2010, ngư dân Nguyễn Văn Viễn (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn) đi xuất khẩu lao động theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS). Gần 3 năm bôn ba với các tàu bạn ở Malaysia, anh Viễn đã gửi về gia đình trên 500 triệu đồng để xây ngôi nhà mới khang trang thay thế căn nhà dột, cũ nát trước đây. Ngư dân Nguyễn Hào (xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh), sang Hàn Quốc làm thuyền viên từ năm 2011 đến nay. Số tiền gần nửa tỷ đồng tích góp được, anh gửi về cho người thân hùn vốn để đóng phương tiện, mua sắm ngư cụ ra khơi. Những ngày cuối tháng 8, gặp anh khi đang “nghỉ phép” ở quê nhà, anh Hào cho biết đi tàu đánh bắt của ngư dân Hàn Quốc rất an toàn, tàu hiện đại về thiết bị liên lạc, công suất lớn gấp 3 - 4 lần tàu của mình nên chịu sóng gió cấp lớn vô tư.

Có lẽ hiệu ứng từ những chuyến xuất ngoại của các ngư dân tiên phong đó đem lại, nên rất nhiều ngư dân của Quảng Ngãi đang tích cực học tiếng nước ngoài để nuôi kế hoạch xuất ngoại. Ngư dân Phan Viết Tùng (23 tuổi), ở xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ đang học tiếng Hàn để đi xuất khẩu tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi, tâm sự: “Do thu nhập từ đánh bắt với các tàu trong vùng thấp, tôi đăng ký học ngoại ngữ để tìm cơ hội làm giàu từ đi biển ở nước bạn. Hy vọng, sau một vài năm xuất ngoại, tôi sẽ có vốn liếng để làm ăn”.

Rào cản vẫn là vốn

Mới đây tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi, đoàn công tác của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTB-XH) cùng một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã có buổi làm việc với lãnh đạo huyện này để lắng nghe ý kiến nhằm xây dựng chính sách xuất khẩu lao động cho ngư dân. Theo huyện Lý Sơn, dù có trên 3.000 lao động đang tham gia khai thác tại các ngư trường xa bờ nhưng từ năm 2003 đến nay, Lý Sơn chỉ có 15 người đi xuất khẩu lao động tại các thị trường Hàn Quốc, Malaysia… với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, toàn huyện có trên 30 ngư dân đang tham gia khai thác hải sản bằng việc ký kết hợp đồng làm việc tại các ngư trường Malaysia, Indonesia. Thu nhập của số lao động này khá cao, từ 130 - 150 triệu đồng/người/năm. “Chúng tôi đã tuyên truyền và vận động ngư dân tham gia xuất khẩu lao động tại một số thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nhật Bản. Tuy nhiên, phần lớn ngư dân không mặn mà vì chi phí đi lại cao, thủ tục vay vốn rườm rà, tay nghề của hầu hết lao động còn thấp” - ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết.

Đồng quan điểm trên, ông Võ Duy Yên, Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Quảng Ngãi, nói thêm, chỉ khoảng 20% ngư dân đủ vốn đóng mới tàu thuyền, sắm ngư lưới cụ hành nghề đánh bắt gần và xa bờ. Từ năm 2010 đến nay, khoảng 180 ngư dân trong tỉnh sang Hàn Quốc khai thác thủy sản.

Theo ông Yên, so với các chương trình tương tự đang triển khai thì EPS là cơ hội vàng cho ngư dân nghèo ở vùng ven biển, hải đảo của tỉnh. Với các chương trình xuất khẩu lao động khác, muốn xuất ngoại, ngoài thời gian học ngoại ngữ 4 tháng, thi tuyển gắt gao, ngư dân phải chịu chi phí khá cao, ít thì 25 triệu đồng/người, nhiều lên đến 80 triệu đồng/người. Trong khi đó, tuy mức thu nhập theo đề án xuất khẩu lao động thuyền viên cho ngư dân vùng ven biển, hải đảo chỉ khoảng 400 USD/người/tháng, bằng gần 50% so với các chương trình khác nhưng chi phí chỉ bằng 1/3. Cụ thể, chi phí ngư dân bỏ ra chỉ 500 USD/người, khoảng trên 10 triệu đồng; thời gian học ngoại ngữ 3 tháng, các tiêu chuẩn cũng đơn giản, dễ hơn. Ngoài mức thu nhập khá cao và ổn định, đây cũng là cơ hội để ngư dân học hỏi, tiếp cận với phương pháp đánh bắt khoa học, hiện đại. Tuy nhiên, ông Yên cũng thừa nhận hiện rào cản chính là nguồn vốn vay (120 - 150 triệu đồng/suất) còn ở mức lãi suất cao, khiến nhiều người e ngại.

Ghi nhận những ý kiến đề xuất trên, đại diện Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị Sở LĐTB-XH Quảng Ngãi và huyện Lý Sơn cần có đề xuất cụ thể để tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách đối với người tham gia xuất khẩu lao động để trình Bộ LĐTB-XH. Đồng thời, đoàn cũng đề nghị các doanh nghiệp xuất khẩu lao động phải công khai mức phí đi lại, mức thu nhập và các quyền lợi khác của người lao động, đặc biệt là ngư dân khi tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, cả nước hiện có khoảng 40 doanh nghiệp đã và đang cung ứng thuyền viên đánh cá cho các đội tàu của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... với khoảng 20.000 lượt người. Mức lương của các thuyền viên đi xuất khẩu lao động khá hấp dẫn, từ 400 - 1.000 USD/tháng. Ngư dân xuất ngoại chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục