Tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, mặc dù bão số 8 đã tan nhưng ở trên biển Đông hiện vẫn tồn tại dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14 - 16 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 8 trên khu vực Nam Lào kết hợp với đới gió Đông trên cao nên khu vực vịnh Bắc bộ có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 gây biển động và thời tiết xấu.
Tập trung khắc phục hậu quả bão, lũ

* 5 người chết, 10 người mất tích

(SGGP). - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, mặc dù bão số 8 đã tan nhưng ở trên biển Đông hiện vẫn tồn tại dải hội tụ nhiệt đới có trục ở khoảng 14 - 16 độ vĩ Bắc nối với vùng áp thấp suy yếu từ cơn bão số 8 trên khu vực Nam Lào kết hợp với đới gió Đông trên cao nên khu vực vịnh Bắc bộ có gió Đông Bắc cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7 gây biển động và thời tiết xấu.

Trong một diễn biến khác, hiện cơn bão Usagi đang có xu hướng đổi hướng đi vào khu vực Bắc biển Đông. Đây là một cơn bão rất mạnh. Chiều 19-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ Bắc và 127,7 độ kinh Đông, di chuyển theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15km.

Đến ngày 19-9, nhiều nơi ở huyện Ea Súp, Đắk Lắk vẫn ngập chìm trong nước. Ảnh: CÔNG HOAN

Đến ngày 19-9, nhiều nơi ở huyện Ea Súp, Đắk Lắk vẫn ngập chìm trong nước. Ảnh: CÔNG HOAN

Theo Trung tâm PCLB miền Trung - Tây Nguyên, do mưa lớn trong nhiều ngày qua làm cho lũ dâng cao đã gây thiệt hại nặng nề về người và của. Đến chiều 19-9, có 5 người chết (Quảng Nam 2, Quảng Trị 1, Đắk Lắk 2) và 10 người khác xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) mất tích, hiện các ngành chức năng đang nỗ lực tìm kiếm.

Đến 20 giờ tối 19-9, lực lượng cứu hộ gồm quân đội, công an, chính quyền địa phương và người dân xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) vẫn đang nỗ lực tìm kiếm 5 người bị mất tích trong vụ trôi ô tô 7 chỗ ngồi khi đi qua đập tràn Khe Ang (xã Nghĩa Hồng).

Tại tỉnh Hà Tĩnh, tàu Luck Star trọng tải 3.612,5 tấn và 8 thủy thủ đang neo đậu phía ngoài cầu cảng bị sóng to đánh đứt neo trôi dạt tự do vào Mũi Dung (cách cảng Vũng Áng 1,5km về phía Tây Bắc) va đập bãi đá ngầm làm thân tàu bị thủng, hư hỏng nặng. Đồn Biên phòng Vũng Áng phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh kịp thời đưa 8 thuyền viên vào bờ an toàn.

Đến chiều 19-9 mưa lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, địa bàn Quảng Bình đã xuất hiện lũ cục bộ tại một số địa phương ở huyện Minh Hóa và huyện Lệ Thủy. Tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, đường Hồ Chí Minh đã ngập sâu từ 0,5 - 1m nước, giao thông đi lại ách tắc, mưa cũng gây sạt lở tại đèo Đá Đẽo khiến đi lại bị cô lập hoàn toàn.

Tại huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện cho biết, mưa lũ đã cô lập hơn 5.000 hộ dân các xã Tân Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn... UBND huyện đã trực chiến 24/24 để ứng cứu người dân, cho di dời tại chỗ khoảng 2.500 người già, phụ nữ, trẻ em... đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Tấn Thành (Quảng Ninh, Quảng Bình) phải kê giường chạy lũ. Ảnh: MINH PHONG

Ông Nguyễn Tấn Thành (Quảng Ninh, Quảng Bình) phải kê giường chạy lũ. Ảnh: MINH PHONG

Tại Quảng Trị, tuyến tỉnh lộ độc đạo nối quốc lộ 9 đến 8 xã vùng Lìa - địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào Vân Kiều và Pa Cô bị ngập sâu hơn 2m. Ông Nguyễn Ngọc Sắc, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết, huyện đã tiến hành di dời khẩn cấp trên 2.500 hộ dân đến nơi an toàn, trên 1.100 hộ dân đang được các cơ quan chức năng, lực lượng vũ trang tiến hành sơ tán đến nơi an toàn. Tại thị trấn Lao Bảo, các khách sạn, trung tâm thương mại, nhà hàng và nhà dân đều chìm trong nước. Người dân di chuyển trên đường nhựa bằng thuyền gỗ và bè chuối. Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Quảng Trị cho biết, mưa rất lớn trên diện rộng, cường suất lũ các con sông lên rất nhanh đã gây ra ngập lụt 22 xã, phường, thị trấn của 5 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh với khoảng 3.000 hộ dân bị ngập. Quốc lộ 15D tại 8 điểm, tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Tây bị sạt lở tại 15 điểm, tắc giao thông tại Km 304+300.

Tính đến trưa ngày 19-9, Quảng Nam đã có 2 người mất tích, hàng ngàn héc ta lúa hè thu bị hư hại, nhiều tuyến đường bị sạt lở.

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Tây Giang sạt lở ta luy dương 7 điểm, ước tính khối lượng sạt lở trên 2.000m³, giao thông bị ách tắc hoàn toàn; tuyến đường DT 606 (Azứt đi xã Lăng) có 5 điểm sạt lở nặng, gây ách tắc giao thông, ước tính khối lượng sạt lở 14.000m³; cầu A Vương tại Trung tâm huyện bị sạt lở mố cầu khối lượng 2.000m³... Tại Nhà máy thủy điện Axan, một khối lượng đất đá lớn, ước tính khoảng 2.000m³ đã vùi lấp bể áp lực, hệ thống mương dẫn nước của thủy điện..

Tại Đắk Lắk, qua 3 ngày mưa lớn, cộng với nước từ thượng nguồn các huyện Ea Hleo, Krông Buk đổ về làm 8/10 xã, thị trấn huyện Ea Súp chìm trong biển nước. Đến trưa ngày 19-9, mực nước đã giảm nhưng nhiều thôn, buôn ở xã Cư Kbang, Ea Rớt, Ea Tmốt và Ea Rốk vẫn bị ngập lụt, làm cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Mưa lũ cũng đã làm nhiều tuyến đường giao thông ở Ea Súp như tuyến liên xã Ea Lê - Ea Rốk, Ea Bông - Ia Tmốt, đường liên huyện Ea Súp - Cư Mgar bị tê liệt.

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể 2 nạn nhân lên bờ tại Đắk Lắk. Ảnh: CÔNG HOAN

Lực lượng cứu hộ đưa thi thể 2 nạn nhân lên bờ tại Đắk Lắk. Ảnh: CÔNG HOAN

Vào lúc 11 giờ sáng 19-9, lực lượng cứu hộ huyện Ea Súp đã tìm thấy và đưa được thi thể ông Đào Văn Lý (49 tuổi) và bà Hầu Thị Mỵ (44 tuổi, cùng ở xã Cư K’bang) về mai táng. Lực lượng cứu hộ cũng đã đưa 3 mẹ con bà Lý Thị Pằng (47 tuổi, vợ ông Lý), Đào Thị May (16 tuổi) và bé Đào Thị Thủy (16 tháng tuổi) vào khu vực an toàn. Hiện vẫn còn 6 người mất tích.

NHÓM PV

>> Miền Trung - Tây Nguyên: 14 người chết và mất tích do bão, lũ

Tin cùng chuyên mục