Bàn cách đưa Lý Sơn phát triển

Ngày 1-10, tại Quảng Ngãi, lần đầu tiên một hội thảo cấp quốc gia được Ban kinh tế Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các nhà khoa học đầu ngành về hoạch định chiếc lược phát triển kinh tế, cơ chế và chính sách về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để đưa huyện đảo này phát triển.
Bàn cách đưa Lý Sơn phát triển

Ngày 1-10, tại Quảng Ngãi, lần đầu tiên một hội thảo cấp quốc gia được Ban kinh tế Trung ương và Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức với sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các nhà khoa học đầu ngành về hoạch định chiếc lược phát triển kinh tế, cơ chế và chính sách về đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) để đưa huyện đảo này phát triển.

Điện về thắp sáng đảo Lý Sơn. Ảnh: T.L.

Bức thiết về diện tích đất

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Lê Thế Chữ mở đầu hội thảo bằng những khó khăn mà Lý Sơn đang đối mặt như hạ tầng quá yếu kém, chưa có cảng, đường giao thông, cấp nước chưa được đầu tư; thiếu cây xanh, nước ngọt; xói lở bờ biển diễn ra nhanh; kinh tế kém phát triển với gần 24% hộ nghèo, hơn 10% hộ cận nghèo; lao động chưa được đào tạo nhiều, dân trí thấp so với nhiều vùng khác... Xác định thủy sản là ngành kinh tế động lực; phát triển du lịch, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp với ưu tiên công nghiệp chế biến, bảo quản phục vụ thủy sản và hậu cần nghề cá; quan tâm đến văn hóa, xã hội cũng như bảo đảm quốc phòng và an ninh.

Đối với cơ chế, chính sách đặc thù cho Lý Sơn, ông Lê Viết Chữ kiến nghị cần có ưu đãi đầu tư cao nhất cho nhà đầu tư về tín dụng, đất đai; với ngư dân cần hỗ trợ vốn, bảo hiểm, đào tạo thuyền viên, thuế; chính sách thu hút nguồn lực như được hưởng phụ cấp ưu đãi 0,7% cho cán bộ làm việc trên đảo; đầu tư kết cấu hạ tầng cần ưu tiên bố trí vốn cho một số công trình thiết yếu trên đảo...

TS Trần Du Lịch, Phó trưởng ban điều phối vùng duyên hải miền Trung, cho rằng nhiều nhà đầu tư có ý định kinh doanh ra Lý Sơn, nhưng họ xác định lợi nhuận chứ không phải vì biển đảo. Kinh doanh về biển đảo sẽ phá sản ngay, do đó toàn bộ chính sách phải có yếu tố để tạo điều kiện cho nhà đầu tư có lời. Tuy nhiên, điều mà TS Trần Du Lịch băn khoăn là mặt bằng Lý Sơn rất hẹp thì việc chọn nhà đầu tư sẽ khó nên ông đề nghị phải ra đầu bài làm quy hoạch đảo. Bên cạnh đó, quy hoạch phải hướng theo đô thị lớn. Phải có tầm, không thể chắp vá, Lý Sơn mạnh về kinh tế mới mạnh được quốc phòng.

Đồng quan điểm trên, TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương cho rằng, muốn cho Lý Sơn vượt lên phải có nguồn lực bên ngoài. Lý Sơn có khó về đất, tiềm ẩn trong tương lai nữa là nước biển dâng. Quy hoạch Lý Sơn phải tính đến vấn đề này nếu không cũng sẽ “bể”.

Sẽ có cơ chế đặc thù cho Lý Sơn

Để tiếp tục thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, cần phát triển mạnh kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền đất nước.

“Mục tiêu đến năm 2020, Lý Sơn trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng - an ninh, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của dân cư trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao; phấn đấu trở thành một huyện đảo xanh, sạch đẹp; là một điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn của tỉnh Quảng Ngãi và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu chỉ đạo: Việc tổ chức hội thảo này là bước đi nhằm cụ thể hóa chiến lược biển mà Trung ương đã đề ra trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đặt ra nhiệm vụ phát triển kinh tế biển của huyện đảo Lý Sơn. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải xác định rõ vai trò và vị thế của huyện đảo Lý Sơn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi, trong chiến lược phát triển kinh tế biển của Việt Nam; nhận dạng tiềm năng và lợi thế, khó khăn và thách thức của huyện đảo Lý Sơn trong quá trình phát triển gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu sau hội thảo, Quảng Ngãi phải hoàn thiện quy hoạch từng khu vực để phát triển các phân khu chức năng gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, hậu cần nghề cá, phát triển nông nghiệp đặc hữu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao... Chính phủ đang xem xét về cơ chế, chính sách khi nhà đầu tư vào Lý Sơn; chính sách hỗ trợ ngư dân cao nhất trong đánh bắt thủy hải sản; chính sách cán bộ làm việc trên đảo được hưởng phụ cấp 0,7%. Hiện nay, hiệu quả kinh tế trồng tỏi và hành rất cao với thu nhập trung bình trồng tỏi từ 1,5-2 tỷ đồng/ha/năm.

Do đó, kiên quyết bảo vệ đất nông nghiệp cho dân, không được lấy đất để làm các công trình công cộng, xây dựng... Đồng thời, quan tâm và có giải pháp đặc biệt đến tình trạng nước biển xâm thực đảo Lý Sơn, vì trong vòng 40 năm đảo đã bị nước biển xâm thực 1 km².

Trong khuôn khổ hội thảo, các tổ chức và cá nhân đã trao tặng hơn 22 tỷ đồng cho huyện đảo Lý Sơn và ngư dân. Cụ thể, Ngân hàng BIDV hỗ trợ an sinh xã hội cho huyện đảo Lý Sơn 10 tỷ đồng; chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa - Trường Sa của Tổng LĐLĐ Việt Nam hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng trường mầm non “Tấm lưới nghĩa tình” ở Lý Sơn. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng  tặng 10 tỷ đồng cho huyện đảo Lý Sơn xây nhà vệ sinh, cải thiện môi trường. Ngân hàng NN-PTNT cũng tài trợ UBND tỉnh Quảng Ngãi đóng mới 1 tàu cá kiểu mẫu cho ngư dân Lý Sơn. Dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng 10 căn nhà tình nghĩa cho bà con nghèo Lý Sơn. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng tặng 126 tủ thuốc cho ngư dân Lý Sơn.

HÀ MINH

Tin cùng chuyên mục