Truy trách nhiệm cán bộ quản lý rừng

Việc Tổ liên ngành của huyện Đông Giang và Kiểm lâm Đà Nẵng phát hiện vụ cất giấu hàng trăm phách gỗ kiền kiền với số lượng lên đến 35m³ tại vùng giáp ranh rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa với xã Tư (huyện Đông Giang) đã làm lộ rõ lỗ hổng trách nhiệm trong quản lý rừng đặc dụng tại đây. Vậy ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm trong vụ này?
Truy trách nhiệm cán bộ quản lý rừng

Vụ buông lỏng quản lý tại rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa

Việc Tổ liên ngành của huyện Đông Giang và Kiểm lâm Đà Nẵng phát hiện vụ cất giấu hàng trăm phách gỗ kiền kiền với số lượng lên đến 35m³ tại vùng giáp ranh rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa với xã Tư (huyện Đông Giang) đã làm lộ rõ lỗ hổng trách nhiệm trong quản lý rừng đặc dụng tại đây. Vậy ai, đơn vị nào chịu trách nhiệm trong vụ này?

Trả lời PV Báo SGGP, ông Đinh Văn Hươm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang kiêm Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành đóng tại huyện Đông Giang khẳng định, hiện nay khu vực xã Tư (huyện Đông Giang) hoàn toàn không còn gỗ kiền kiền nên chắc chắn số gỗ mà lực lượng phát hiện trong hai đợt ngày 6 và 11-10 là gỗ có nguồn gốc từ khu vực sông Nam, thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa (Đà Nẵng), còn nơi phát hiện gỗ là nơi tập kết chờ đưa đi tiêu thụ. Vì vậy, theo ông Hươm, trách nhiệm trước hết thuộc về Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Tổ liên ngành huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đang truy tìm ai là người đứng sau vụ phá rừng.

Nói về vai trò và trách nhiệm của Trạm Quản lý và bảo vệ rừng Cà Nhông (Trạm Cà Nhông), ông Hươm cho rằng, theo phản ánh của người dân thì các cán bộ quản lý rừng tại đây chưa được chặt chẽ, không thường xuyên trong việc kiểm tra nên vụ việc xảy ra không phát hiện được.

Ông Phạm Ngọc Sự, Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, cho biết: Lâu nay Trạm Cà Nhông đóng trên địa bàn của xã Tư, nên công tác phối hợp bảo vệ rừng giữa Đông Giang và Đà Nẵng rất tốt nhưng bây giờ xã Tư không muốn để trạm tại đây và không phối hợp nữa. Trong khi đó, vùng giáp ranh giữa rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa với xã Tư dài đến 27km nên công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, thiếu sót. Vì vậy, vụ việc xảy ra nếu nằm trên lâm phận thuộc Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa thì trách nhiệm thuộc về các cán bộ quản lý, bảo vệ rừng tại Trạm Cà Nhông. Cụ thể, trách nhiệm chính ở đây là 5 cán bộ quản lý bảo vệ rừng do ông Hồ Tấn Hai, Trạm phó phụ trách và 2 cán bộ kiểm lâm địa bàn đóng tại Trạm Cà Nhông.

Về trách nhiệm của Trạm Quản lý bảo vệ rừng Cà Nhông, Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa đề nghị 5 cán bộ quản lý bảo vệ rừng của Trạm Cà Nhông giải trình, kiểm điểm trách nhiệm và đề xuất hình thức kỷ luật trong thời gian tới. Tại Trạm Cà Nhông còn có 2 kiểm lâm địa bàn nên Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa cũng đề nghị Sở NN-PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng yêu cầu giải trình, kiểm điểm trách nhiệm. Còn mức độ kỷ luật phụ thuộc vào kết quả điều tra của các cơ quan chức năng. Nếu những cán bộ này tiếp tay cho lâm tặc thì sẽ xử lý nghiêm, nhẹ thì đuổi việc, nặng thì khởi tố.

Chiều 16-10, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng, cho biết, hiện Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng đang tổ chức điều tra. Do đây là rừng đặc dụng nên khi phát hiện vụ việc, ngoài việc xử lý vụ việc, Chi cục Kiểm lâm Đà Nẵng còn tổ chức kiểm tra toàn diện rừng xem có điểm cất giấu, phá rừng nào nữa không. Vì vậy, sẽ khởi tố vụ án để điều tra làm rõ nguồn gốc gỗ.

Theo ông Lương, đây là vụ phá rừng lớn nhất từ trước đến nay ở TP Đà Nẵng nên ngày 17-10, Chi cục Kiểm lâm TP Đà Nẵng tổ chức 50 cán bộ kiểm lâm đến hiện trường để điều tra làm rõ nguồn gốc gỗ là của Quảng Nam hay Đà Nẵng.

Nói về trách nhiệm của vụ việc, ông Trần Văn Lương khẳng định trách nhiệm chính thuộc về chủ rừng mà ở đây là Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa và Trạm Cà Nhông vì chỗ tập kết gỗ chỉ cách trạm hơn 1km. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn gốc gỗ nên chưa chính thức quy trách nhiệm cho ai mà trước mắt tập trung xử lý vụ việc và điều tra làm rõ.

Ông Trần Viết Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Đà Nẵng, cho biết, sở chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và các đơn vị liên quan tổ chức truy quét toàn diện rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Về trách nhiệm, trước mắt thuộc về Ban Quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa. Hiện nay Sở NN-PTNT đã có văn bản chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm điều tra xử lý nghiêm khắc vụ việc.

NGUYÊN KHÔI

- Buông lỏng quản lý rừng đặc dụng

Tin cùng chuyên mục