Đề nghị Bộ Xây dựng thẩm định lại các bản vẽ

Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến bài viết “

Xoay quanh vụ cấp phép dự án trên đất chưa phân định ranh giới

Những ngày qua dư luận đặc biệt quan tâm đến bài viết “Dự án du lịch trên đất chưa phân định ranh giới: Chưa thể thi công vì đang tranh cãi” đăng trên Báo SGGP ngày 3-11. Để có cái nhìn khách quan và đa chiều, PV Báo SGGP tiếp tục tra cứu tài liệu; tiếp xúc, lấy ý kiến của các sở ngành và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế xung quanh vấn đề trên.

Tại văn bản số 2481/UBND-XD ngày 15-5-2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế gửi Bộ Xây dựng về việc xác định lại ranh giới đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao khẳng định, dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD được Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô cấp giấy chứng nhận đầu tư cho phép Công ty cổ phần Thế Diệu thực hiện tại khu vực mũi Khẻm là một trong những dự án du lịch có quy mô lớn, trọng điểm, làm đòn bẩy phát triển du lịch của khu vực Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên -Huế theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22-1-2013.

Trước đó, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô đã cấp phép cho Công ty TNHH MTV Bãi Chuối thực hiện Khu nghỉ dưỡng Bãi Chuối Việt Nam với tổng vốn đầu tư 102 triệu USD tại khu vực mũi Khẻm. Qua đó, đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, xác định lại ranh giới đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 2357/QĐ-TTg ngày 4-12-2013 của Thủ tướng Chính phủ và điều chỉnh lại các bản vẽ quy hoạch đã được thẩm định để phù hợp với ranh giới quy hoạch Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1771/QĐ-TTg ngày 5-12-2008. Cụ thể qua kiểm tra, khu vực mũi Khẻm và hòn Sơn Chà không thể hiện trong thuyết minh quy hoạch và Quyết định 2357/QĐ-TTg nhưng lại được thể hiện tại các bản vẽ quy hoạch do Bộ Xây dựng thẩm định, với mục đích sử dụng đất là đất rừng đặc dụng.

Bên cạnh đó, trong báo cáo số 84/BC-UBND ngày 28-7-2014 gửi Bộ Nội vụ về “Hiện trạng địa giới hành chính giữa tỉnh Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng”, ông Nguyễn Văn Cao khẳng định, hòn Sơn Chà với độ cao 235m và diện tích tự nhiên khoảng 1,6km² nằm phía Đông Nam tỉnh Thừa Thiên - Huế với khoảng cách gần nhất đến bờ đất liền là 600m, cách thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế 13km, cách Nam Ô (Đà Nẵng) 16km, là điểm trọng yếu về an ninh quốc phòng. Từ năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc diễn ra, lực lượng vũ trang Bình Trị Thiên đã bố trí Đại đội 2 chốt giữ phòng thủ trên hòn Sơn Chà.

Năm 1993, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế thành lập Trạm kiểm soát biên phòng đảo Sơn Chà thuộc Đồn biên phòng Lăng Cô với việc xây dựng ngôi nhà kiên cố 2 tầng, diện tích sàn 173m2 với vốn đầu tư 303 triệu đồng. Hiện đã bố trí các chiến sĩ đóng quân, tuần tra, quản lý và bảo vệ… Đặc biệt, vào ngày 30-10-2012, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt quy mô xây dựng dự án công trình điện hòn Sơn Chà. Dự án cung cấp điện bằng hệ thống năng lượng mặt trời do Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Công thương tỉnh này làm chủ đầu tư với kinh phí 1,5 tỷ đồng. Hiện dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng cung cấp năng lượng trung bình từ 25-30kWh/ngày, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, đảm bảo phục vụ các nhu cầu sinh hoạt, thông tin liên lạc thông suốt giữa đất liền với hải đảo cũng như nâng cao chất lượng sống cho lính đảo. Ngoài ra, Bộ Nội vụ đã có Công văn ngày 3-6-2009 về phụ cấp đặc biệt cho cán bộ công tác tại đảo Sơn Chà (hòn Sơn Chà) với nội dung “Bổ sung phụ cấp đặc biệt mức 30% đối với địa bàn đảo Sơn Chà thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế”.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế, từ những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến việc chưa thống nhất đường địa giới hành chính giữa Thừa Thiên - Huế và TP Đà Nẵng là do phía Đà Nẵng chỉ nhấn mạnh đến vấn đề thuận tiện quản lý về quốc phòng - an ninh mà không xem xét đến yếu tố lịch sử và hiện trạng là các nguyên tắc quan trọng trong việc xác lập ranh giới.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục