Những đô thị “ma”

Ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong vòng 15 năm trở lại đây, chính quyền một số địa phương được mệnh danh “năng động” đã đầu tư xây dựng những đô thị hiện đại, với mục đích thu hút dân cư đến sinh sống, làm việc. Tuy nhiên, do mang tính chất chủ quan, các đô thị mới đã nhanh chóng mọc lên nhưng thiếu hẳn bóng người.

Đầu tiên phải kể đến thành phố mới (TPM) Nhơn Trạch. Đô thị này được quy hoạch thuộc phía Đông tỉnh Đồng Nai, giáp với 2 vùng kinh tế năng động là TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong trung tâm TPM, đường sá rộng rãi rợp bóng cây nhưng thi thoảng mới có người qua lại. Khi mùa thu đến, lá vàng rơi vãi đầy đường, vỉa hè phủ rêu xanh rì. Các trụ sở cơ quan Nhà nước thưa thớt người đến giao dịch, trước cổng cỏ mọc um tùm, điểm xuyết là những chiếc ghế đá trơ lạnh trong sân. Khách bộ hành có dịp đi sâu vào bên trong của đô thị Nhơn Trạch, mới thấy sự “hoang phế” đến ngỡ ngàng. Hệ thống đường sá được đầu tư bài bản, những dãy cột điện thẳng tắp. Cạnh đó là những dãy biệt thự cao cấp đầy vẻ quý phái, rồi sân tennis, hồ bơi… Nhưng điểm chung là không có người sử dụng, cỏ cây giăng kín, vắng lặng như “thành phố ma”.

Tương tự, TPM Bình Dương (thuộc địa bàn TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) có diện tích 1.000ha, được Chính phủ phê duyệt là quận trung tâm của TP Bình Dương (khi trực thuộc Trung ương) theo định hướng quy hoạch đến năm 2020. Vậy là chính quyền tỉnh Bình Dương đã chính thức khởi công xây dựng đô thị này vào năm 2010 và nay đã có những con đường đại lộ thênh thang được mở ra, những khu phố nhà liên kế, trung tâm thương mại phức hợp, nhà ở xã hội được hình thành. Nổi bật là Khu đô thị Tokyu Bình Dương, với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD của Công ty TNHH Becamex Tokyu (liên doanh giữa Tập đoàn Tokyu Nhật Bản và Tập đoàn Becamex IDC của Việt Nam). Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt dự án khác như Khu công nghệ kỹ thuật cao Mapletree của Singapore; phố Golden Town, dự án Aroma… Nhưng trái với sự đầu tư hàng tỷ USD vào TPM này là sự vắng lặng bóng người; thay vào đó, những đàn trâu, bò được chăn thả tự do trên những mảng đất trống đầy cỏ xanh. Quanh đi quẩn lại, chỉ thấy lác đác vài hàng quán nhỏ lẻ phục vụ người đi đường. Qua quan sát một dự án nhà liền kề của Công ty Địa ốc Tấc Đất Tất Vàng, dẫu nằm ở vị trí khá “hot” - đối diện Đại học Quốc tế miền Đông và công viên rộng 120ha của TPM, nhưng hình ảnh đọng lại là hàng chục căn nhà sát nhau đang trong tình trạng “cửa đóng then cài”…

Trong hành trình đi tìm nguyên nhân của việc “đô thị vắng bóng người” ở vùng Đông Nam bộ, một chuyên gia bất động sản ở tỉnh Đồng Nai cho biết, thất bại lớn ở “thành phố Nhơn Trạch tương lai” là chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan hơi vội vàng trong việc phát triển các khu đô thị, khu dân cư một cách tràn lan, khiến hàng ngàn héc ta đất bị hoang hóa. Chính quyền không xót, chủ đầu tư cũng không xót vì họ đã phân lô, bán nền trên giấy từ lâu. Còn tại TPM Bình Dương, không khó để nhận diện cảnh “chợ chiều” của các dự án bất động sản. Tại khu vực trung tâm, một căn hộ liền kề diện tích hơn 100m2 có giá khoảng 3 - 5 tỷ đồng, còn căn biệt thự lên đến hơn 10 tỷ đồng. Ở nước ta, mức giá này chỉ phù hợp cho các chuyên gia nước ngoài, hoặc “đại gia”. Nhưng phần đông chuyên gia vẫn thuê nhà ở TPHCM, địa phương cách đó khoảng 40km vì đi lại cũng thuận tiện, hơn nữa “Hòn ngọc Viễn Đông” có nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí phục vụ cuộc sống sinh hoạt hơn tại TPM Bình Dương. Còn đối với giới công nhân, người lao động nhập cư, những căn hộ hàng tỷ đồng là điều “không tưởng” đối với họ.

Để cải thiện tình hình trên, có lẽ chính quyền các địa phương trong vùng Đông Nam bộ cần phải xây dựng thêm nhiều những tiện ích dịch vụ ở các khu đô thị mới kể trên. Ở đó chắc chắn phải có trung tâm thương mại, trường học các cấp, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, các phương tiện giao thông công cộng, trung tâm văn hóa thiếu nhi. Mọi cái phải không thua kém, thậm chí là hơn khu đô thị cũ thì mới mong thu hút được người dân đến sinh sống. Và có lẽ là giá nhà đất cũng cần được các chủ dự án “nới lỏng” để dân cư, phần lớn là công nhân và người thu nhập trung bình có điều kiện “an cư lạc nghiệp” tại những vùng đất này.

ĐỨC THANH

Tin cùng chuyên mục