Canh bạc “vàng trắng”

Theo quy hoạch của Chính phủ về phát triển cây cao su đến năm 2015, hiện khu vực Đông Nam bộ đã vượt quy hoạch đến 135.000ha. Đến nay, toàn vùng đã trồng khoảng 537.000ha cao su (chiếm 64% diện tích cao su cả nước).

Theo quy hoạch của Chính phủ về phát triển cây cao su đến năm 2015, hiện khu vực Đông Nam bộ đã vượt quy hoạch đến 135.000ha. Đến nay, toàn vùng đã trồng khoảng 537.000ha cao su (chiếm 64% diện tích cao su cả nước).

Ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai… có thể thấy người dân đã quá kỳ vọng vào việc làm giàu nhờ loại cây cho “vàng trắng” trong thời gian dài. Đến khi cao su mất giá, cả nông dân và chính quyền địa phương đều… mất phương hướng.

Ở thời điểm hiện tại, giá mủ cao su giảm mạnh nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Trên thực tế, do quản lý lỏng lẻo và kiểu làm ăn manh mún, nông dân trồng cao su thường không đảm bảo chất lượng mủ khiến sản phẩm không xuất khẩu được sang thị trường châu Âu, nơi có giá thành cao. Vì chất lượng mủ thấp nên sản lượng cao su tiểu điền chỉ có thể xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc và một số thị trường “dễ tính” về chất lượng. Để xảy ra tình trạng trên, không thể không nói đến trách nhiệm của Bộ NN-PTNT.

Một nghịch lý khác, mặc dù vùng Đông Nam bộ luôn ở vị trí “quán quân” trong cả nước về diện tích cao su, sản lượng đạt 2 - 2,5 tấn/ha, cao gấp rưỡi so với khu vực Tây Nguyên và cao gấp đôi khu vực Tây Bắc, song các doanh nghiệp chế biến mủ cao su thành sản phẩm tiêu dùng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Quay đi, ngoảnh lại chỉ có nệm Vạn Thành, nệm - gối Đồng Phú, săm lốp Casumina, găng tay Khải Hoàn… sử dụng nguồn nguyên liệu “vàng trắng”.

Trong bối cảnh ngành cao su Việt Nam đã và đang đương đầu với muôn vàn khó khăn, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã gợi ý ngành cao su cần xây dựng chiến lược phát triển dài hạn để tái cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; điều chỉnh lại cơ cấu chủng loại sản phẩm theo hướng tăng cường cho công nghiệp chế biến và giảm xuất khẩu nguyên liệu thô. Mặt khác, trước tình hình cung vượt cầu, ngoài việc kiềm chế sản lượng cao su nguyên liệu, ngành cao su cần triển khai các giải pháp để giảm giá thành, đa dạng hóa nguồn thu trên vườn cao su, vận động sử dụng sản phẩm cao su chế biến trong nước nhằm giảm thiểu rủi ro về giá và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành.

Để chèo chống trong “cơn bão giá”, Hiệp hội Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp nên tập trung vào việc đổi mới công nghệ, quản lý nâng cao chất lượng sản phẩm. Đây là yếu tố quyết định cho sự cạnh tranh của cao su Việt Nam trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, nhất thiết các doanh nghiệp phải tập trung cho công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường cao su xuất khẩu Việt Nam.

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục