Khắp nơi vui đón xuân mới

Tối 7-2 (29 tháng Chạp), lễ hội đón giao thừa Bính Thân đã diễn ra tại khu vực trung tâm TPHCM, thu hút hàng ngàn người dân TP đến vui xuân. Tại khu vực phố đi bộ, Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường sách xuân và các tuyến đường khu vực trung tâm TP được trang trí ánh sáng nghệ thuật lung linh, thu hút đông đảo người dân TP đến thưởng lãm, vui chơi.
Khắp nơi vui đón xuân mới

Tối 7-2 (29 tháng Chạp), lễ hội đón giao thừa Bính Thân đã diễn ra tại khu vực trung tâm TPHCM, thu hút hàng ngàn người dân TP đến vui xuân. Tại khu vực phố đi bộ, Đường hoa Nguyễn Huệ, Đường sách xuân và các tuyến đường khu vực trung tâm TP được trang trí ánh sáng nghệ thuật lung linh, thu hút đông đảo người dân TP đến thưởng lãm, vui chơi.

Người dân TPHCM tham quan đường hoa Tết Bính Thân.Ảnh: VIỆT DŨNG

Là hoạt động chính trong lễ hội đón giao thừa Bính Thân, từ 20 giờ 29 tháng Chạp, tại sân khấu khu A, Công viên 23-9, quận 1, TPHCM đã diễn ra chương trình nghệ thuật chủ đề “Xuân yêu thương”. Đây là chương trình do UBND TPHCM tổ chức với nội dung “Mừng xuân Bính Thân, Mừng Đảng quang vinh”. Chương trình nghệ thuật còn đón tiếp hàng ngàn người dân TP, du khách đến thưởng thức.

Năm nay, TPHCM tổ chức bắn pháo hoa đón giao thừa Tết Bính Thân năm 2016 tại 4 điểm bắn pháo hoa tầm thấp và tầm cao. Bắn pháo hoa tầm cao tại khu vực đầu đường hầm sông Sài Gòn (phường Thủ Thiêm, quận 2). Bắn pháo hoa tầm thấp tại 3 điểm: Công viên Văn hóa Đầm Sen (phường 3, quận 11), Khu truyền thống cách mạng Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định (xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi), sân bóng đá Cần Giờ (thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ). Các điểm bắn pháo hoa cũng thu hút rất đông người dân TP đến thưởng lãm.

Từ 29 tháng Chạp đến mùng 2 Tết Bính Thân, chương trình nghệ thuật “Mừng xuân Bính Thân, Mừng Đảng quang vinh” diễn ra tại Công viên Gia Định (quận Phú Nhuận), sân khấu đường Trường Sa (khu vực trước Nhà thi đấu Rạch Miễu, quận Phú Nhuận). Cũng trong những ngày tết, các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật quần chúng đồng loạt diễn ra ở các quận, huyện vùng ven, ngoại thành, một số khu chế xuất - khu công nghiệp tại TPHCM, thu hút sự tham gia của đông đảo bà con, công nhân ăn tết xa nhà.

Tại Hà Nội, trong đêm giao thừa, dòng người du xuân, đón mừng năm mới nườm nượp đổ về khu vực trung tâm thành phố, hồ Hoàn Kiếm, quảng trường Nhà hát Lớn, công viên Thống nhất, hồ Ngọc Khánh, sân vận động quốc gia Mỹ Đình... là những địa danh diễn ra nhiều sự kiện văn hóa, văn nghệ đón chào năm mới 2016 và đặc biệt là những màn pháo hoa rực rỡ chào mừng năm mới Bính Thân.

Trong những ngày đầu năm mới Bính Thân, trên địa bàn Hà Nội cũng đã diễn ra rất nhiều các hoạt động vui chơi giải trí thu hút được đông đảo người dân và du khách tham dự. Trong đó phải kể tới Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tháp Bút, đền Ngọc Sơn, tượng đài Lý Thái Tổ, Hoàng thành Thăng Long, Công viên Thống Nhất... luôn đông nghịt người dân tới du xuân và tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ sáng sớm tới tối khuya.

Ngày 10-2 (mùng 3 Tết Nguyên đán), sự kiện phố sách Xuân Bính Thân 2016, phố sách đầu tiên của Hà Nội đã chính thức khai mạc tại phố Lê Thạch (Hoàn Kiếm, Hà Nội), thu hút đông đảo người dân thủ đô tới tham dự. Phố sách Xuân Bính Thân 2016 là sự kiện do Sở TT-TT Hà Nội phối hợp với các nhà xuất bản trên địa bàn thành phố tổ chức đã thu hút sự tham gia của 20 gian hàng với hàng ngàn đầu sách được giới thiệu và bày bán. Phố sách hoạt động từ ngày 10 đến 15-2 (tức mùng 3 đến mùng 8 tháng Giêng). Dự kiến đây sẽ là hoạt động thường niên được tổ chức nhân dịp đầu năm mới.

Mùng 3 Tết Bính Thân, khách du lịch từ TPHCM và các tỉnh phía Nam bắt đầu ùn ùn kéo lên Đà Lạt du xuân. Ngoài khách du lịch đi theo đoàn thì Đà Lạt còn đón một lượng lớn khách đi bằng ô tô gia đình và xe gắn máy, chủ yếu đến từ các tỉnh lân cận như Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ với sức chứa khoảng 40.000 lượt khách/ngày của Đà Lạt đã được đăng ký kín chỗ trong các ngày từ mùng 3 đến mùng 5 Tết; giá phòng nghỉ cũng tăng mạnh so ngày thường. Các khu du lịch ở trung tâm Đà Lạt như Thung lũng Tình Yêu, Vườn hoa Đà Lạt, thác Đatanla, thác Prenn, đồi Mộng Mơ… từ trưa mùng 3 Tết đã nhộn nhịp du khách và người dân đến du xuân. Trong đó, tại Vườn hoa Đà Lạt đang diễn ra Hội hoa xuân, nên ngoài không gian hoa như thường ngày, khách còn được thưởng lãm gần 6.000 tác phẩm hoa, cây cảnh, bon sai do các nghệ nhân trong nước mang đến trưng bày. Ngoài các danh thắng, những điểm du lịch văn hóa tâm linh như chùa Linh Phước, Thiền viện Trúc Lâm… cũng thu hút đông du khách.

Đồn biên phòng Roòn quản lý các xã ven biển Vũng Chùa (Quảng Trạch, Quảng Bình) cho biết trong 3 ngày Tết Nguyên đán có hơn 30.000 lượt người khắp mọi miền đến dâng hương viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong khi đó, các địa chỉ tâm linh khác như đền Liễu Hạnh Công Chúa (Quảng Đông, Quảng Trạch), đền thờ liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng (Bố Trạch) cũng đón nhận mỗi ngày hơn 10.000 lượt khách đến hương khói tri ân. Tại địa chỉ những ngôi chùa cổ có tiếng như chùa Non trên núi Thần Đinh (huyện Quảng Ninh), chùa Hoằng Phúc (huyện Lệ Thủy) cũng thu hút hàng vạn người đi lễ chùa đầu năm. Ban quản lý đền thờ liệt sĩ Long Đại, xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh cho biết, trước và trong Tết Nguyên đán có hơn 20.000 lượt du khách hành hương tri ân các liệt sĩ được thờ tự trong đền thờ Long Đại do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP xây tặng.

Người dân thập phương về dâng hương và dâng hoa tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc vào sáng mùng 3 Tết Bính Thân. Ảnh: DƯƠNG QUANG

Ngày 10-2 (mùng 3 Tết), ông Đào Anh Tuân, Phó trưởng Ban quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, từ ngày mùng 1 Tết đến nay, bình quân mỗi ngày có khoảng 5.000 - 6.000 lượt du khách thập phương trong nước (kể cả khách vãng lai và khách trực tiếp vào làm thủ tục đăng ký hướng dẫn thuyết trình, xem tư liệu) và nhiều đoàn khách quốc tế như Anh, Pháp, Lào… đã đến khu di tích dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, thanh niên xung phong và vãn cảnh du xuân đầu năm mới.


 NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục