Thúc đẩy nghiên cứu công nghệ phục vụ sản xuất

Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TPHCM mới đây đã công bố 4 Chương trình Nghiên cứu KH-CN mục tiêu giai đoạn 2018 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 (chương trình mục tiêu).
Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM, chương trình mục tiêu sẽ gắn kết với các ngành công nghiệp trọng điểm, đề án của thành phố. Đồng thời, thúc đẩy gắn kết hoạt động nghiên cứu với thương mại hóa, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Sở KH-CN TPHCM cho biết, 4 chương trình mục tiêu gồm có: Nghiên cứu phát triển công nghệ sản xuất tế bào gốc trung mô phục vụ chăm sóc sức khỏe (chương trình 1); nghiên cứu công nghệ thông tin phục vụ đô thị thông minh và cách mạng công nghiệp 4.0 (chương trình 2); nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt (chương trình 3); nghiên cứu chế tạo máy CNC và công nghệ 3D (chương trình 4). 
Thúc đẩy nghiên cứu công nghệ phục vụ sản xuất ảnh 1 Công ty CP phần mềm hiệu năng cao Việt Nam (VHES) ứng dụng kết quả từ chương trình phát triển vi mạch TPHCM để phát triển hệ thống HES
Theo đó, mỗi chương trình có ban điều hành gồm các chuyên gia hàng đầu trong từng lĩnh vực tư vấn, xét duyệt các đề tài phù hợp với nội dung chương trình. Các cá nhân, đơn vị có đề tài đều có thể đăng ký tham gia.
Theo ông Phạm Văn Xu, Trưởng phòng Quản lý khoa học - Sở KH-CN TPHCM, đối tượng tham gia các chương trình này là những tổ chức, doanh nghiệp KH-CN hoặc trường, viện, tổ chức có chức năng nghiên cứu trên địa bàn TPHCM.
Các tổ chức này có thể đề xuất các nhiệm vụ KH-CN, Sở KH-CN sẽ tổ chức hội đồng xét duyệt. Những nhiệm vụ phù hợp với mục tiêu của các chương trình mục tiêu sẽ được ưu tiên cấp kinh phí để triển khai thực hiện.
Tại buổi công bố các chương trình mục tiêu, nhiều chuyên gia nhận định, hiện nay doanh nghiệp đang có nhu cầu ứng dụng rất lớn các sản phẩm, công nghệ mới, song hoạt động nghiên cứu phát triển trong nước thời gian qua vẫn còn rời rạc, chưa sát với thực tế.
Những đơn vị, doanh nghiệp có năng lực nghiên cứu, sản xuất lại chưa mạnh dạn làm. Trong khi đó, nếu mua các hệ thống máy móc từ nước ngoài phục vụ sản xuất thì giá rất đắt.
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng này được chỉ ra là do thiếu sự hợp tác giữa các bên.
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng thư ký Hội Tin học TPHCM, đánh giá cách làm này giúp Sở KH-CN TP tập hợp được nguồn nhân lực chất lượng cao ở hầu hết các lĩnh vực chuyên môn. Các chuyên gia trong từng lĩnh vực sẽ giúp định hướng, thẩm định được các đề tài, công nghệ.
Song, PGS-TS Phạm Văn Phúc, Viện Tế bào gốc - Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, đề xuất các ban chủ nhiệm chương trình cần phải xây dựng lộ trình công nghệ sản phẩm dựa trên sự hiểu biết về khả năng làm chủ công nghệ hoặc mức độ sẵn sàng tiếp nhận công nghệ của doanh nghiệp; đồng thời xác định nhu cầu của doanh nghiệp để đặt hàng đề tài nghiên cứu phù hợp với định hướng của chương trình mục tiêu.
Ông Nguyễn Việt Dũng kỳ vọng, với việc ra mắt 4 chương trình mục tiêu, cùng với đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu khác của sở có tính tập trung, trọng điểm, trong giai đoạn tới sẽ tạo mối lên kết chặt chẽ hơn giữa trường, viện, tổ chức KH-CN với doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Qua đó, không chỉ hình thành những thiết bị, công nghệ chất lượng cao, giá thành rẻ mà còn thúc đẩy hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh cho TPHCM.
Sở KH-CN TPHCM cũng đã công bố Ban Chủ nhiệm 4 chương trình. Chương trình 1 có 5 thành viên, do PGS-TS Phạm Văn Phúc, Viện trưởng Viện Tế bào gốc Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, làm chủ nhiệm. Chương trình 2 có 7 thành viên, do PGS-TS Thoại Nam, Trưởng khoa Khoa khoa học và kỹ thuật máy tính Trường Đại học Bách khoa TPHCM, làm chủ nhiệm. Chương trình 3 có 8 thành viên, do GS-TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, làm chủ nhiệm. Chương trình 4 có 7 thành viên, do PGS-TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TPHCM, làm chủ nhiệm.

Tin cùng chuyên mục