Trẻ mầm non làm quen tiếng Anh: Triển khai mỗi nơi mỗi kiểu

Năm học 2017-2018 là năm thứ tư cả nước thí điểm cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh. Số lượng tham gia thí điểm đã lên đến 41/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Một giờ tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh tại Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TPHCM)
Một giờ tổ chức cho trẻ làm quen tiếng Anh tại Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5, TPHCM)

Trẻ làm quen tiếng Anh (LQTA) thể hiện sự tự tin, mạnh dạn trong giao tiếp, có khả năng nghe, nói và phát âm tiếng Anh chuẩn theo ngữ âm và giọng điệu ngôn ngữ bản địa. Tuy nhiên, công tác tổ chức giảng dạy vẫn còn nhiều hạn chế, trình độ giáo viên chưa đồng đều, chưa có chương trình khung thống nhất, khiến chất lượng triển khai mỗi nơi một kiểu.

Mở rộng quy mô

 

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, việc triển khai thí điểm cho trẻ mầm non LQTA được thực hiện không chỉ tại các thành phố lớn, tập trung đông dân cư mà còn tổ chức tại một số tỉnh miền núi, giáp biên giới như Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lạng Sơn…

Cả nước hiện có 192.149 trẻ trong độ tuổi mầm non được LQTA. Trong đó, độ tuổi trẻ làm quen nhiều nhất là 5-6 tuổi với hơn 90.000 trẻ. Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ trẻ LQTA chiếm số lượng lớn như TPHCM với 96.000 trẻ (chiếm 58% tổng số trẻ đến trường), Đà Nẵng 13.473 trẻ (chiếm 19,2%), Hà Nội gần 30.000 trẻ (chiếm 10%)…

Theo PGS-TS Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, các trường chủ yếu tổ chức trên tinh thần đăng ký tự nguyện của phụ huynh. Những trẻ không tham gia LQTA vẫn hoạt động theo chế độ sinh hoạt bình thường của chương trình giáo dục mầm non tại đơn vị. Nội dung LQTA xoay quanh các chủ đề gần gũi, phù hợp với chương trình giáo dục mầm non. Trẻ được nghe, nói những câu chào hỏi, giao tiếp thông thường, làm quen bảng chữ cái, các bài hát trẻ thơ vui nhộn, số đếm, từ ngữ về bản thân, gia đình, thế giới động thực vật, phương tiện giao thông, màu sắc… Giờ học LQTA được giáo viên tổ chức thông qua các trò chơi, bài hát, bài thơ, câu chuyện, phim ảnh, qua các hoạt động nhóm và vui chơi trải nghiệm… tạo nhiều hứng thú cho học sinh. 

Hiện nay, đa phần các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm đều hoàn tất hồ sơ báo cáo thẩm định tài liệu, học liệu. Tại TPHCM, Sở GD-ĐT TP đã thẩm định và cho phép sử dụng 4 bộ tài liệu, gồm: Phonics - LBUK (Công ty CP Phát triển giáo dục Việt Nam VPBOX), Poly Phonics - Korea Poly School, Happy Hearts (Công ty Đại Trường Phát Kindergarten) và My Adventure (do Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp với NXB Giáo dục Việt Nam và NXB Pearson biên soạn). Tại Hà Nội, tổng số đơn vị được phê duyệt tài liệu gồm 14 trung tâm ngoại ngữ và 10 hệ thống trường mầm non tư thục.

Theo đánh giá của các chuyên gia, trẻ được LQTA đều thể hiện sự mạnh dạn, tự tin hơn trong giao tiếp, có kỹ năng phát triển ngôn ngữ tốt, biết đặt nhiều câu hỏi, có khả năng tìm từ và trả lời nhanh, mạch lạc; đặc biệt hình thành kỹ năng nghe, nói tiếng Anh hiệu quả. Đây là tiền đề, nền tảng quan trọng giúp trẻ phát triển ngôn ngữ và kỹ năng học tiếng Anh ở các giai đoạn sau.

Sớm ban hành chương trình khung thống nhất

Bên cạnh hiệu quả và thành công bước đầu của chương trình, việc tổ chức thí điểm đang gặp một số khó khăn như tại Hà Nội và một số địa phương khác có tình trạng do thiếu phòng học, trẻ không tham gia LQTA được tổ chức vui chơi ngoài trời trong thời gian chờ các bạn học. Điều này dẫn đến việc không đảm bảo công bằng đối với trẻ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, nhất là trong trường hợp thời tiết xấu. 

Ngoài ra, theo bà Hà Thị Thanh Thuận, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, các trường mầm non công lập đang tổ chức cho trẻ LQTA theo hình thức xã hội hóa, tức phụ huynh đóng học phí. Do đó, nếu gia đình không có điều kiện hoặc phụ huynh thiếu mặn mà sẽ khiến trẻ mất cơ hội LQTA. 

Bên cạnh đó, nhiều trường mầm non hiện chưa có phòng chức năng, đội ngũ giáo viên thiếu ổn định khiến phụ huynh chưa tin tưởng chất lượng giảng dạy. Hầu hết giáo viên người nước ngoài, giáo viên chuyên ngữ không có chứng chỉ sư phạm mầm non, trong khi giáo viên mầm non lại không đạt chuẩn trình độ ngoại ngữ nên công tác giảng dạy còn nhiều hạn chế. 

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là chưa có chương trình khung chỉ đạo thống nhất từ Bộ GD-ĐT nên việc giảng dạy còn mang tính tự phát, có nơi chạy theo lợi nhuận gây thiệt thòi cho học sinh. Bà Hà Thị Thanh Thuận bày tỏ: “Thẩm định chương trình giảng dạy là rất quan trọng nhưng nhân sự lại hạn chế; trong đó chỉ 1-2 người có chuyên môn về lĩnh vực ngôn ngữ, còn lại chỉ nắm công tác chỉ đạo chung”. Mặt khác, ở giai đoạn xây dựng nền tảng ngôn ngữ đầu đời cho trẻ, đòi hỏi giáo viên tiếng Anh phải trải qua các khóa bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, có kiến thức về tâm sinh lý trẻ em. Nhưng hiện nay quy định chuẩn giáo viên chưa có khiến các trường loay hoay thực hiện. 

Từ thực tế đó, bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT TPHCM, kiến nghị Bộ GD-ĐT sớm có văn bản hướng dẫn về tài liệu, khung chương trình cho trẻ mầm non LQTA, nghiên cứu đưa hoạt động LQTA vào chương trình giáo dục chính khóa ở bậc mầm non, song song với hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên mầm non. 

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, cơ quan chủ quản cần nghiên cứu bổ sung nội dung cho trẻ mầm non LQTA vào một trong những nhiệm vụ của đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, ban hành thêm một số quy định thống nhất về thời gian, cách thức tổ chức cũng như quy định chuẩn trình độ giáo viên, cơ chế tuyển dụng hợp lý giúp đội ngũ yên tâm công tác, việc triển khai mới đạt hiệu quả như mong đợi.

Tin cùng chuyên mục