Ứng phó sao cho hiệu quả?

Ngay sau khi xảy ra sự cố cháy chung cư Carina Plaza (quận 8, TPHCM), hàng loạt người dân ở một số TP lớn trên cả nước, trong đó có TPHCM vội vàng tìm mua các thiết bị thoát hiểm, mặt nạ phòng độc xuất xứ Mỹ, Anh, Israel, Hàn Quốc… với đủ mức giá “thượng vàng, hạ cám”.
Thế nhưng, các chuyên gia trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho rằng, việc chủ động trang bị cho gia đình các thiết bị an toàn là điều cần thiết, tuy nhiên vẫn chưa đủ. Người dùng còn phải biết cách sử dụng các thiết bị ấy một cách thành thạo và được rèn luyện, tập huấn kỹ năng thoát nạn. 
Thông tin từ một số trung tâm chuyên doanh thiết bị PCCC trên địa bàn các quận 1, 3, 12, Tân Bình… cho biết, sau hàng loạt sự cố cháy nổ gây chết người cách nay ít ngày, số lượng khách tới trực tiếp tìm hiểu sản phẩm hoặc đặt mua hàng qua mạng tăng đột biến so với ngày thường.
Song song đó, các hợp đồng lắp đặt trọn gói thiết bị dây thoát hiểm tại gia cũng tăng đáng kể. Phần lớn khách mua hàng gồm doanh nghiệp, cá nhân sinh sống ở các chung cư cao tầng. Mức giá lắp đặt trọn gói khoảng 5-10 triệu đồng cho bộ sản phẩm nhập từ Hàn Quốc, tùy thuộc độ cao căn hộ (giá dao động từ 70.000-100.000 đồng/mét dây)…
Ứng phó sao cho hiệu quả? ảnh 1
Ngoài ra, một số sản phẩm đi kèm như bình chữa cháy (loại bình CO2, bình bột…), mặt nạ chống độc cũng khá hút khách (giá từ 300.000 - 1,4 triệu đồng/chiếc, tùy loại). Riêng mặt hàng cao cấp, chẳng hạn như ba lô thoát hiểm xuất xứ Israel dùng cho 1 người có giá khoảng 30 triệu đồng/chiếc.
Đáng chú ý, ăn theo “cơn sốt” thiết bị thoát hiểm, trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm mặt nạ chống độc, thang dây… có tên gọi gần giống nhau nhưng giá bán chênh nhau đáng kể. Chính điều này đã khiến cho người tiêu dùng cảm thấy phân vân, có cảm giác như lạc vào ma trận khi quyết định mua đồ.
Đối với các vụ tử vong liên quan đến hỏa hoạn, các chuyên gia chỉ ra rằng, khoảng 80% nạn nhân bị nhiễm khí độc. Càng vùng vẫy, hoảng loạn, khả năng ngộ độc càng cao. Do vậy, muốn thoát hiểm, người dân phải tự trang bị các kỹ năng cần thiết để có thể ứng phó kịp thời nếu xảy ra sự cố.
Chẳng hạn, phải bình tĩnh, tìm cách thoát khỏi nơi nguy hiểm một cách nhanh nhất có thể. Tránh việc tiếc của, nán lại lấy đồ đạc, của cải… Để hạn chế ngộp thở bởi khói, lửa cần nhanh chóng dùng khăn ướt bịt mũi, đồng thời dùng áo, chăn, khăn thấm nước trùm lên người nhằm hạn chế cháy, bỏng. Tuyệt đối không dùng thang máy khi xảy ra hỏa hoạn. Tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người, thậm chí bò sát đất khi di chuyển tránh ngạt khói…
Ở Việt Nam, việc giáo dục ý thức phòng cháy, chữa cháy chưa được quan tâm. Chính vì thế, việc người dân chủ động phòng ngừa rủi ro bằng việc tìm mua các sản phẩm thoát hiểm, mặt nạ phòng độc… là điều rất đáng khuyến khích.
Thế nhưng, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo, nếu người dân không được rèn luyện, tập huấn các kỹ năng ứng phó rủi ro mà chỉ mua các thiết bị thoát nạn là chưa đủ.
Chưa kể, trên thị trường còn tràn ngập các sản phẩm trôi nổi không rõ chất lượng, dẫn đến nguy cơ rủi ro chồng rủi ro. Do vậy, để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng của chính mình, người dân nên tăng cường tập huấn kỹ năng thoát hiểm, ứng phó rủi ro, đồng thời phải thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm bán trên thị trường.

Tin cùng chuyên mục