Vẫn chủ yếu sửa sai?

Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp càng mạnh dạn, càng triệt để càng tốt, chứ không chỉ dừng ở việc điều chỉnh một số điều. Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia pháp lý và doanh nhân khi nêu ý kiến về dự luật này.
Vẫn chủ yếu sửa sai?

Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 và xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 (kỳ họp cuối năm 2019). Ai quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật hẳn đều biết rõ sự khác biệt giữa luật sửa đổi, bổ sung một số điều và luật sửa đổi điều đó khiến đội ngũ soạn thảo, thẩm tra có thể mất thêm hàng năm trời làm việc. Kèm theo đó, tất nhiên, là rất nhiều kinh phí, lẫn… lòng dũng cảm. Nhưng đó là việc cần thiết - Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO nhấn mạnh. 

Theo dõi rất kỹ tiến trình chuẩn bị sửa đổi, bổ sung 2 luật nêu trên, ông Đức nhận xét, nếu nhìn vào hình thức thì việc sửa đổi lần này khá nhiều, với dự kiến sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ tổng cộng 75 điều trên tổng số 289 điều của 2 luật và 9 luật khác, chưa kể đã sửa đổi 3 điều và 1 phụ lục Luật Đầu tư vào năm 2016. Tuy nhiên, phần lớn những sửa đổi lại chưa mang tính “đổi mới”, mà chủ yếu là… sửa sai. Trong khi đó, một số vấn đề đã “nổi cộm” từ lâu, vẫn chưa được giải quyết rốt ráo. “Nếu việc sửa đổi còn luẩn quẩn, không rõ mục tiêu, sẽ dẫn đến nguy cơ còn phải sửa đổi nhiều nữa. Ví dụ định nghĩa doanh nghiệp nhà nước từ chỗ là 100% vốn nhà nước, sang trên 50% theo Luật Doanh nghiệp năm 2005, rồi đổi 100% theo Luật Doanh nghiệp năm 2014 và giờ lại định quay về trên 50% như dự thảo”, ông Đức dẫn chứng. Thậm chí, ông Đức cũng đề nghị xem xét lại sự tồn tại của Luật Đầu tư. Chuyên gia này lập luận: Cốt lõi của Luật Đầu tư là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh, mà ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây. Do đó, hoàn toàn có thể bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển danh mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện sang Luật Doanh nghiệp; có thể thêm 1 chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài. Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy...

Về chủ thể kinh doanh, đề nghị của ông Trương Thanh Đức cũng rất quyết liệt: loại bỏ hẳn khái niệm hộ kinh doanh (phải đăng ký kinh doanh), để chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty; đồng thời quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán hết sức đơn giản, phù hợp với thực tế. 

Có băn khoăn về loại hình đầu tư nước ngoài, Luật sư Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Pháp chế Apollo Vietnam và Đại học Anh quốc Việt Nam góp ý: “Luật Đầu tư hiện chưa quy định rõ số vốn bao nhiêu thì được gọi là đầu tư nước ngoài, mà chỉ đề cập về thủ tục đầu tư: khi có số vốn điều lệ từ 51% trở lên thì thực hiện theo thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài, dưới mức đó thì thực hiện theo thủ tục đầu tư trong nước. Quy định tại điều này tạo nên sự không đồng nhất, chồng chéo với các luật chuyên ngành, gây khó hiểu cho nhà đầu tư”. 

Bên cạnh đó, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của UBND cấp tỉnh hiện nay là khá “mờ”. Cần xác định rõ UBND cấp tỉnh chỉ có thẩm quyền cấp chủ trương đối với loại dự án đầu tư nào, bởi ở một số tỉnh, “cứ dự án đầu tư nước ngoài là phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh”. Vì thế, đôi khi, chỉ một quy định nhỏ thuần túy hành chính lại làm khó nhà đầu tư đến bất ngờ. Theo quy định hiện hành, giấy chứng nhận đầu tư ghi tên và địa chỉ của nhà đầu tư và nhà đầu tư có giấy chứng nhận này đương nhiên được miễn giấy phép lao động. Nhưng trên thực tế, một số giấy chứng nhận chỉ ghi tên công ty, còn nhà đầu tư - chủ sở hữu của công ty đó, thì không ghi, dẫn tới nhà trường hợp có nhà đầu tư đã làm ăn tại Việt Nam trên 20 năm nay, vẫn cứ phải đi… xin miễn giấy phép 2 năm một lần.

Tin cùng chuyên mục