Bộ trưởng Bộ VH -TT Lê Doãn Hợp:

Làm kinh tế bằng tri thức văn hóa chính là làm giàu hoàn hảo nhất

(ảnh)
Làm kinh tế bằng tri thức văn hóa chính là làm giàu hoàn hảo nhất

Mục tiêu phấn đấu cho dân giàu, nước mạnh không gì khác là toàn xã hội đều phải đồng tâm xây dựng nếp sống văn hóa mới. Văn hóa chính là nền tảng tinh thần giúp cho các lĩnh vực kinh tế phát triển một cách hoàn hảo. Trên tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Lê Doãn Hợp (ảnh) đã có cuộc trao đổi với phóng viên về việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng X và vấn đề Việt Nam trên đường vào WTO.

- Thưa ông, với cương vị Bộ trưởng Bộ VHTT ông chủ trương sẽ triển khai thực hiện NQTƯ Đảng theo phương thức nào?

Làm kinh tế bằng tri thức văn hóa chính là làm giàu hoàn hảo nhất ảnh 1

- Theo hướng từ cơ sở - đó là Gia đình! VHTT là ngành đa dạng, đa chiều... Làm Bộ trưởng VHTT là làm đúng nhiệm vụ mà Đảng trao cho. Nhiệt tình thì có, nhiệt tình cũng cần đặt đúng chức năng, đúng nhiệm vụ mới làm hết công suất để hoàn thành tốt nhiệm vụ chiến lược. Về việc thực hiện Nghị quyết TƯ Đại hội X của Đảng, tôi chủ trương dồn vào 5 trọng điểm văn hóa. Trọng tâm chính là xây dựng nếp sống văn hóa. Nếp sống văn hóa, tôi chú trọng vào một việc cốt yếu nhất là: Gia đình văn hóa (GĐVH) - bởi vì gia đình chính là kinh tế hộ. Gia đình là đơn vị kinh tế cơ sở, là chủ thể sáng tạo trực tiếp, làm giàu trực tiếp. Tôi quan niệm gia đình là An sinh cơ sở.

- Theo ông tiêu chí xây dựng GĐVH mới thế nào?

- Trước tiên là tiêu chí kinh tế. Một GĐVH không có tri thức văn hóa thì không thể phát triển được kinh tế. Nghĩa là làm giàu chân chính. Nếu có cuộc sống gia đình giàu sang thì sẽ luôn chăm lo cho xã hội. Đó chính là tiêu chí kinh tế của GĐVH. Thứ hai là hòa thuận: vì nó là nền tảng xã hội. Hòa thuận cũng là biết người biết ta, biết đòi hỏi đúng cái mình có. Sống hòa thuận sẽ biết hy sinh, giàu hiểu biết và là người có tri thức văn hóa, không đòi hỏi cao hơn điều mình cống hiến cho xã hội. Đương nhiên họ sẽ làm chủ kinh tế gia đình tốt và tạo ra môi trường sống văn hóa tốt hơn. Thứ ba là tiến bộ: Học, học không ngừng, học hỏi chính là để làm chủ bản thân, làm chủ gia đình và làm chủ xã hội. Có tiến bộ sẽ có tri thức tạo dựng một nếp sống văn hóa lành mạnh thúc đẩy kinh tế phát triển từ gia đình đến xã hội. Chính vì vậy, xây dựng GĐVH là chìa khóa, là chất keo dính, làm nền tảng văn hóa thúc đẩy nền kinh tế phát triển.

- Gia đình làm nòng cốt văn hóa cơ sở - Vậy những trọng tâm thiết yếu khác thì sao? Ýù nghĩa phát triển kinh tế nổi trội?

- Di sản! Tôi cho rằng cần phải giữ gìn, tôn tạo, nâng cấp, phục chế tất cả các di sản của cha ông ta để lại cho chúng ta (bao gồm cả di sản vật thể và phi vật thể). Tiến tới hội nhập thế giới, chúng ta phải bảo vệ di sản và biết tạo ra di sản cho thế hệ sau. Thế kỷ 21 là thế kỷ giao lưu và đi lại, đã đến lúc chúng ta phải làm giàu bằng văn hóa. Có tri thức văn hóa sẽ dễ dàng sử dụng trong mọi lĩnh vực làm giàu kinh tế. Làm kinh tế bằng tri thức văn hóa chính là làm giàu hoàn hảo nhất. Bởi nền kinh tế ấy tự nói lên lịch sử, giá trị văn hóa và khoe tài năng dân tộc với thế giới. Kinh doanh có văn hóa, đúng khả năng, đúng bản chất kinh tế thị trường thì luôn thành công và có uy tín trên thương trường.

Mặt khác, các công trình văn hóa hoành tráng của đất nước xây dựng hôm nay để hoạt động văn hóa, mai sau nó là di sản cho con cháu. Ví dụ: Trung Quốc có các công trình kiến trúc, văn hóa từ hàng trăm năm trước, nay làm giàu bằng du lịch. Hiện nay, gắn việc làm văn hóa với du lịch cũng được coi là làm văn hóa thời đổi mới, tạo ra nền kinh tế lành mạnh, sạch sẽ. Tóm lại phải phục hồi di sản nhưng phải tạo ra di sản cho thế hệ sau. Đó là phát triển kinh tế lành mạnh.

- Trên đường gia nhập WTO, ngành văn hóa thông tin Việt Nam có nhiệm vụ gì được coi là chiến lược? Vấn đề hội nhập quốc tế thì sao, thưa ông?

- Nhiệm vụ chiến lược là mạnh dạn cử cán bộ đi học tại các nước có nền văn hóa truyền thống đa dạng, đậm tính dân tộc. Đưa cán bộ sang các nước láng giềng để giao lưu và mở cửa cho các đoàn văn hóa nước ngoài vào giao lưu. Thông qua văn hóa nghệ thuật để hiểu biết lẫn nhau và tạo mối quan hệ kinh tế tốt hơn. Chúng ta cần hiểu văn hóa là chất xúc tác, keo dính, mở đường, làm nền tảng cho các lĩnh vực kinh tế khác. Thông qua hoạt động giao lưu văn hóa với các nước, thế giới hiểu Việt Nam có nền văn hóa dân tộc đặc sắc. Hơn nữa, đó chính là nguồn thu lợi cho kinh tế từ văn hóa. Đã đến lúc các đoàn cao cấp nước ta đi nước ngoài cần có đoàn văn hóa đi cùng chứ không chỉ có doanh nghiệp cùng đi. Văn hóa và kinh tế luôn tương hỗ lẫn nhau và là động lực cùng phát triển. Chúng ta mạnh dạn cử cán bộ có triển vọng đi nước ngoài để học tập, tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ để có thể đào tạo văn hóa cho khu vực.Vận nước, thế nước đang lên! Thế nước, vận nước được nhìn từ nền kinh tế phát triển vững chắc có văn hóa. Đó là nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế trên nền tảng văn hóa dân tộc.

Với hội nhập văn hóa, điều chủ chốt là phải quản lý văn hóa tốt! Để phát triển văn hóa thời kỳ đổi mới thì giữ gìn văn hóa truyền thống và giao lưu văn hóa thế giới phải đồng thuận. Không lo bồi dưỡng cán bộ quản lý thì không thể đổi mới được. Bên cạnh bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở, cần đào tạo cán bộ đầu đàn. Có người dẫn đầu giỏi thì mọi ngành nghệ thuật đều phát triển mạnh.

- Xin cảm ơn Bộ trưởng. 

THỦY VÂN thực hiện

Tin cùng chuyên mục