Quy định về quảng cáo: Thay đổi để sát thực tiễn

Quảng cáo được xem như một trong những ngành công nghiệp văn hóa mang lại nhiều lợi nhuận, đóng góp chung vào tổng sản phẩm quốc gia. Trên thực tế, trước khi mang lại doanh thu “khủng”, quảng cáo cũng gặp không ít khó khăn khi thủ tục còn cái thừa, cái chưa kịp định nghĩa theo xu hướng hiện đại.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

“Đau đầu” với quảng cáo nền tảng số

Hiện tại, Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) đang lấy ý kiến rộng rãi về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Vấn đề quảng cáo trên các nền tảng số được nhiều công ty, đơn vị trong lĩnh vực quan tâm, bởi đây là xu hướng của hiện tại, cùng với sự phát triển của công nghệ, quảng cáo trên các nền tảng trực tuyến gần như chiếm lĩnh thị trường.

Tại hội thảo lấy ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo tại khu vực phía Nam do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL) phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức vào cuối tháng 4 vừa qua, vấn đề Quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; hoạt động của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo có tầm ảnh hưởng… được nhiều công ty quan tâm, bày tỏ ý kiến.

Bà Phạm Thị Thu, đại diện Unilever Việt Nam, chia sẻ: “Hiện tại, xu hướng quảng cáo trên nền tảng số là rất lớn và trước giờ chúng ta chỉ quản lý nghệ sĩ tham gia quảng cáo. Trong khi trên thực tế, một lượng lớn quảng cáo lại đến từ các tài khoản mạng xã hội được nhiều người theo dõi.

Trong khi đó, các định nghĩa, khái niệm KOC (Key Opinion Consumer) hay KOLs (Key Opinion Leader) còn chưa rõ ràng. Thế nào là người nổi tiếng, thế nào là người có tầm ảnh hưởng?. Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo cần có một khái niệm cụ thể về các trường hợp trên. Như vậy, trong quá trình vận hành vào thực tế sẽ dễ quản lý và doanh nghiệp có sản phẩm cần quảng cáo cũng dễ thực hiện hơn”.

Quy định về quảng cáo trên báo chí, hoạt động quảng cáo xuyên biên giới, quảng cáo trong chương trình thời sự, bản tin hay các chương trình khác… cũng được nhiều đơn vị truyền thông quan tâm, nhất là tình trạng quảng cáo thụ động.

CN3 duoi.jpg
Quảng cáo ngoài trời ở góc đường Nguyễn Thị Minh Khai - Lý Thái Tổ, quận 3, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Nguyễn Hải Triều, Đài truyền hình TPHCM, cho biết: “Hiện nay, quảng cáo cá độ, tiền kỹ thuật số (coin) đã được cho phép ở một số quốc gia trên thế giới. Trong quá trình tiếp sóng những giải đấu thể thao nước ngoài, đài truyền hình cũng bị vướng các quảng cáo này, đây là một dạng quảng cáo thụ động. Chúng ta cần có giải pháp từ đơn vị nắm bản quyền phát sóng giải đấu hay cao hơn là đơn vị tổ chức giải đấu hoặc giải pháp để quản lý kiểu quảng cáo thụ động này. Họ đã can thiệp “nhúng” quảng cáo từ gốc, nên đài truyền hình khi tiếp sóng hoàn toàn không thu lợi từ quảng cáo này và phương án để đài xử lý khi tiếp sóng mà không vi phạm luật quảng cáo cũng rất khó”.

Đau đáu với quảng cáo ngoài trời

Nhiều đơn vị sở ban ngành tại các địa phương nêu ý kiến cần có sự thay đổi theo hướng tinh gọn nhưng phải rõ ràng hơn đối với thủ tục cấp phép quảng cáo ngoài trời. Các đại biểu đề xuất cần bãi bỏ thủ tục cấp phép công trình quảng cáo đối với biển hiệu, bảng quảng cáo trên 20m2 gắn vào công trình xây dựng có sẵn; quản lý hoạt động quảng cáo trên màn hình đặt nơi công cộng; nội dung, thẩm quyền, cách thức xây dựng và thực hiện quy hoạch quảng cáo ngoài trời…

Ông Phạm Văn Đâu, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Ví dụ như, khi xây dựng một bảng quảng cáo ngoài trời phải thuê đất của người dân. Diện tích bảng quảng cáo chừng 20-30m2, nhưng chẳng lẽ người cho thuê phải đi tách thửa đất, rồi làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang đất đặt bảng quảng cáo thì quá rườm rà. Cần có một giải pháp để quản lý chung linh hoạt và hiệu quả hơn”.

Trăn trở về thủ tục xin phép quảng cáo, ông Trần Việt Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông Vinama, chia sẻ: “Hiện nay, nếu chúng tôi muốn triển khai một chiến dịch quảng cáo ngoài trời ở 30 tỉnh thành, thì chúng tôi phải cầm đủ 30 bộ hồ sơ đến các sở ngành có liên quan ở 30 tỉnh, thành để xin phép, quá tốn kém và mất thời gian. Tại Điều 9 trong Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có quy định về hội đồng thẩm định nội dung quảng cáo cấp bộ. Như vậy chúng ta có thể tính đến phương án khi hội đồng này đã duyệt nội dung, vị trí đặt bảng quảng cáo ngoài trời ở mỗi tỉnh, thành phù hợp theo quy định pháp luật, thì các doanh nghiệp có thể triển khai kế hoạch quảng cáo, để đỡ một phần thủ tục tốn kém và mất nhiều thời gian xin giấy phép”.

Liên quan đến quảng cáo ngoài trời, vấn đề quản lý quảng cáo màn hình LED cũng được chú ý vì nội dung quảng cáo rất dễ thay đổi, có nguy cơ xuất hiện nội dung trái phép nếu thiếu cơ chế giám sát, ngăn chặn.

Ông Đỗ Kim Dũng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo quảng cáo Việt Nam, trăn trở: “Hiện tại, công nghệ đã phát triển rất mạnh, các công ty quảng cáo có thể ngồi tại văn phòng làm việc, thậm chí ngồi nhà để điều khiển nội dung hiển thị trên hàng loạt màn hình LED thuộc đơn vị mình quản lý. Đặt vấn đề, trường hợp hệ thống màn hình LED quảng cáo của họ bị hacker tấn công, phát nội dung không phù hợp thì sẽ gây tác động xấu vào dư luận xã hội rất lớn. Đó là điều chúng ta cần lưu ý để tìm giải pháp từ bây giờ”.

Về phía các doanh nghiệp kinh doanh quảng cáo màn hình LED tham dự hội thảo, tất cả đều khẳng định việc đảm bảo nội dung đúng pháp luật trên các màn hình, bởi điều này còn gắn liền với thương hiệu và tương lai của công ty. Vì thế, những nội dung phản cảm, trái pháp luật... luôn được các đơn vị quan tâm và kiểm soát. Tuy nhiên, các đơn vị cũng thừa nhận việc can thiệp từ bên ngoài là mối nguy có thật và việc tăng cường các biện pháp từ kỹ thuật đến kỷ luật làm việc là điều các đơn vị đặt lên hàng đầu.

Bà Ninh Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT-DL), cho biết: “Dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo đã được Chính phủ đồng ý, đề nghị Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Dự án luật dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2025)”.

Tin cùng chuyên mục