Truyện ngắn

Nhà bác học và nàng tiên

Nhà bác học và nàng tiên

Từ Paris, viện sĩ Sylvestre Bonnard, một nhà nghiên cứu uyên thâm về văn học cổ đại, đến Lusance để làm thống kê một tủ sách bị bỏ quên tại một lâu đài cổ. Đêm. Ông đang làm việc, nghe hơi mệt mỏi, buồn ngủ và chú ý đến một quyển sách nhan đề “Ký sự về Nurenberg”.

Đột nhiên, ông thấy xuất hiện trên lưng quyển sách ấy một người phụ nữ nhỏ thó và xinh đẹp, trong vẻ đẹp sắc sảo lộng lẫy của một hoàng hậu có xen lẫn một chút hóm hỉnh, ngạo mạn của một cô gái ưa đùa nghịch. Ông biết là ông đang gặp tiên.

***
(...) Và tôi thử mỉm cười. Hơn thế nữa, tôi lên tiếng:

- Thưa bà – tôi nói với sự lễ độ và trân trọng – cái vinh hạnh được bà đến viếng, bà ban bố nó không phải cho một người ngây ngô như trẻ thơ, cũng không phải cho một gã quê mùa chất phác, mà đúng là cho một tay thư tịch học nhà nghề có cái hân hạnh được biết về bà.

Biết rằng vào một thời rất xa xưa, bà thường làm rối tung bờm ngựa trong các máng cỏ, bà uống trộm sữa trong những bình sữa sủi bọt, bà rắc những hạt gây ngứa ngáy lên lưng các cụ già lụm cụm, bà làm cho than lò sưởi bắn tung vào mũi những con người tốt bụng, tóm lại bà đem đến sự xáo trộn vui vẻ trong các gia đình...

Hơn nữa, bà còn tự hào là bà đã từng gây nên những nỗi kinh sợ đẹp nhất trần gian cho những cặp tình nhân trễ muộn trong rừng rậm về chiều. Nhưng tôi ngờ rằng bà đã tan biến mất đi rồi, chí ít cũng là từ ba trăm năm qua. Có thể nào – thưa bà – con người lại còn được nhìn thấy bà vào thời đại của đường sắt và những bức điện báo như hôm nay. Bà già gác cổng của tôi hồi trẻ từng làm vú em không hề biết lịch sử của bà; chú bé láng giềng của tôi mà cô vú em giữ trẻ còn phải chùi mũi quả quyết rằng hiện nay, bà không còn có mặt nữa.

- Rồi ông nghĩ sao về chuyện đó? – Nàng tiên hỏi lớn bằng một giọng rất thanh và ưỡn cái thân hình bé bỏng nhưng oai vệ như hoàng hậu của nàng theo kiểu cách một kỵ sĩ. Nàng vụt roi xuống quyển ký sự Nurenberg coi đó như lưng con ngựa Hippogriffe (*) trong thần thoại.

- Tôi không biết – Tôi vừa đáp vừa giụi mắt.

 Câu trả lời hàm chứa tính hoài nghi khoa học sâu sắc ấy của tôi đã gây một phản ứng hết sức tai hại.

- Ông Sylvestre Bonnard, ông chỉ là một con người thô lỗ. Xưa nay tôi vẫn hồ nghi về ông như vậy. Thằng bé con nhỏ nhất trong lũ trẻ đi lang thang trên các nẻo đường với những chiếc quần đùi rách để lòi vạt áo sơ mi vẫn biết về tôi hơn mấy ông già đeo kiếng lão ở các viện hàn lâm của ông. Tri thức không là gì cả.

Tưởng tượng là tất cả. Chỉ có những gì do con người tưởng tượng ra mới có thật mà thôi. Tôi là sản phẩm của tưởng tượng, vì vậy tôi có thật. Người ta mơ ước được gặp tôi và tôi hiện ra. Tất cả mọi thứ trên đời đều chỉ là mơ ước. Và bởi lẽ không ai mơ ước được gặp ông, chính ông mới là không có thật. Tôi làm cho thế giới mê mẩn. Tôi có mặt ở mọi nơi, trong một ánh trăng, trong cái xao động nhẹ của một nguồn nước ẩn, trong vòm lá rung rinh đang ca hát, trong làn hơi nước trắng mỗi buổi sáng bốc lên từ khe trũng của đồng cỏ, ở chính giữa những bụi dương xỉ màu hồng, ở tất cả mọi nơi....

Người ta nhìn thấy tôi, người ta yêu mến tôi. Người ta thở dài, người ta khẽ rùng mình trên dấu vết nhẹ nhàng do bước chân tôi để lại, những bước chân làm cho lá chết cất tiếng hát. Tôi làm cho những em bé sơ sinh mỉm cười. Tôi cung cấp trí tuệ cho những chị vú em cục mịch, đần độn nhất. Tôi nghiêng mình trên những chiếc nôi, tôi chọc ghẹo, tôi vỗ về, tôi ru ngủ... ấy vậy mà ông dám nghi ngờ sự có mặt của tôi. Ông Sylvestre Bonnard, chiếc áo choàng ấm của ông khoác lên tấm da thuộc của một con lừa!

Nàng tiên dừng nói. Sự phẫn nộ làm cho cánh mũi của nàng phồng lên. Mặc dù lòng tự ái bị tổn thương, tôi vẫn ngưỡng mộ nỗi căm giận kiêu hùng của con người nhỏ thó ấy. Nàng cầm lấy cây bút của tôi, khoắng nó trong bình mực như cầm chèo khuấy nước trong một cái hồ, rồi ném nó vào mũi tôi, cái ngòi nhọn của cây bút chĩa về phía trước.

Tôi sờ lên mặt tôi bị mực làm đẫm ướt. Nàng tiên biến mất. Ngọn đèn của tôi đã tắt. Ánh trăng xuyên qua cửa kiếng rọi sáng quyển “Ký sự về Nurenberg”. Một luồng gió mát, nổi lên từ lúc nào không biết, thổi tung lên nào bút, nào giấy, nào sáp dùng để niêm phong bì. Bàn làm việc của tôi lốm đốm những vết mực. Thì ra, tôi đã để ngỏ cửa trong cơn dông. Thật là bất cẩn biết bao!

(*) Quái vật thần thoại, đầu chim ưng, mình ngựa, có cánh.

 Lusance, ngày 11-9-1874 - Anatole France (Pháp)
giải thưởng Văn chương Nobel 1921  
(TRANG THẾ HY
trích dịch)

Tin cùng chuyên mục