Sẽ phát triển một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài

Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về chủ trương sử dụng vốn đầu tư công để thành lập một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia). 

Năm 2023, ước tính lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% tổng số lao động có việc làm. Ảnh minh họa
Năm 2023, ước tính lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% tổng số lao động có việc làm. Ảnh minh họa

Hồ sơ về chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 (chương trình) vừa được Chính phủ gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, chương trình thực hiện với quy mô cả nước, bao gồm tất cả đơn vị cấp tỉnh, huyện, xã, thôn và đáng lưu ý là bao gồm cả một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở một số quốc gia có mối quan hệ văn hóa lâu dài (như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Campuchia). Nội dung này nằm ngoài phạm vi quy định tại khoản 9, điều 4, Luật Đầu tư công.

Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về nội dung trên, đề nghị cho phép nghiên cứu thành lập các trung tâm này và đưa việc triển khai đầu tư xây dựng vào chương trình trong giai đoạn 2031-2035.

Về nguồn lực huy động để thực hiện chương trình, Chính phủ dự kiến giai đoạn 2025-2030 là 122.250 tỷ đồng. Bao gồm: vốn ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 tối thiểu khoảng 77.000 tỷ đồng (chiếm 63%), vốn ngân sách địa phương khoảng 30.250 tỷ đồng (chiếm 24,7%), vốn huy động hợp pháp khác dự kiến khoảng 15.000 tỷ đồng (chiếm 12,3%). Chính phủ cũng dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỷ đồng. Tổng cộng cả hai giai đoạn là 256.250 tỷ đồng.

Trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể, dự kiến các ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 7% GDP vào năm 2030; lực lượng lao động trong các ngành công nghiệp văn hóa chiếm 7% tổng số lao động có việc làm trên cả nước.

Đóng góp doanh thu của ngành công nghiệp điện ảnh đạt khoảng 250 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 125 triệu USD), ngành nghệ thuật biểu diễn đạt khoảng 31 triệu USD, ngành mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm đạt khoảng 125 triệu USD; ngành quảng cáo đạt khoảng 3,2 tỷ USD; ngành du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số khoảng 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.

Cùng với đó, 3 sàn giao dịch thương mại các sản phẩm và dịch vụ văn hóa tại TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng được hình thành và vận hành nhằm khuyến khích sáng tạo, phát triển thị trường; bảo đảm quyền tiếp cận, hưởng thụ và sáng tạo của công chúng. Số lượng doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng và chiếm 12% tổng số doanh nghiệp đăng ký cả nước.

Qua thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình, đa số thành viên Hội đồng thẩm định thống nhất với tổng vốn thực hiện chương trình, riêng thành viên Bộ Tài chính cho rằng, dự kiến tổng vốn thực hiện giai đoạn 2025-2030 vẫn còn tương đối lớn.

Tuy nhiên, hiện chưa đến thời điểm dự toán nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công trung hạn sau theo quy định của Luật Đầu tư công, nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn cho chương trình trong giai đoạn 2026- 2030.

Tin cùng chuyên mục