Mộc mạc chè Thái

Mộc mạc chè Thái

“Chè Thái, gái Tuyên”. Lời truyền tụng đã đưa tôi đến với Thái Nguyên, vùng đất làm nên một thứ văn hóa ẩm thực không thể thiếu của người Việt Nam và đến Tân Cương – cái hồn của chè (trà) Thái. Ẩn trong sự mộc mạc của những gói trà là dư vị đặc trưng của một vùng đất trù phú, của những con người dễ mến.

Mộc mạc chè Thái ảnh 1

Chuyện trò với ông Vũ Thuận (phải)- con trai ông tổ đất chè Tân Cương.

Thành phố Thái Nguyên những ngày đầu xuân Đinh Hợi thời tiết không được đẹp lắm. Mưa xuân lắc rắc làm đường phố không được sạch sẽ nhưng vẫn không ngăn được những dòng người đổ về công viên trung tâm để xem Lễ hội văn hóa Trà lần thứ nhất do Sở Văn hóa - Thông tin, Báo Sài Gòn Giải Phóng và Công ty NEVI phối hợp tổ chức.

Đập vào mắt khách phương Nam là những gian hàng trà được dựng lên bằng lá cọ, tranh tre và những gói trà xanh bày biện đơn sơ từ các làng trà nổi tiếng của đất Thái. Tôi đã bị ấn tượng bởi nụ cười chân chất, cách ăn mặc của người làm trà, của vị chát ngọt của sản phẩm trà Thái làm mê hoặc. Say câu chuyện, say ánh mắt của người xứ Thái. Cứ hết chén trà này đến chén trà khác được rót mời.

Trong không gian ấy, tôi may mắn gặp được bác Nguyễn Văn Hiệt (75 tuổi), người sinh ra và lớn lên ở Tân Cương. Ông giúp tôi có những kiến thức đầu tiên về trà Thái, về cách thức nhận biết một sản phẩm trà ngon là phải đủ các yếu tố: sắc, thanh, vị. Và điều đặc biệt hơn, bạn học của ông thời nhỏ chính là con của ông Đội 5 (người được dân làm trà coi là thủy tổ của làng trà Tân Cương). Chính điều này đã thôi thúc tôi.

Đúng hẹn. Sáng hôm sau chúng tôi tìm đến nhà bác Hiệt ở trung tâm xã Tân Cương. Sau khi làm một tuần trà, bác cháu vội vã lên đường. Chúng tôi đi sâu vào làng. Khung cảnh thật là trù phú. Đường làng đều lát bê tông trải dài, len lỏi đến tận từng ngõ. Không thấy nhà tranh vách đất mà chỉ toàn nhà xây. Những vườn trà xanh ngát ôm lấy những xóm nhà xây kiên cố, hầu hết đều có tường rào xây gạch xỉ. Chúng tôi lội sông để đến nhà bạn ông bên hữu ngạn sông Công. Vừa lội giữa dòng nước mát chúng tôi vừa đưa mắt ngắm nhìn những khóm tre già ven sông. Một vài đàn chim bất chợt từ xa bay tới gợi nhớ những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm…

Nhà bạn ông đang ăn cơm trưa. Thấy bạn già tới, chủ nhà vồn vã mời trà. Chủ nhà là ông Vũ Thuận, 69 tuổi, con người vợ thứ ba của ông Đội 5. Ông nhớ lại: “Bố tôi là một trong những người bị Pháp bắt đi lính phục vụ ở châu Âu, vào khoảng năm 1919. Sau khi kết thúc thế chiến thứ nhất, khi trở về, cụ được chính phủ bảo hộ Pháp thưởng cho nhiều công danh trong đó có ban thưởng cho việc khai khẩn vùng đất này khi đó còn là rừng, cây chè Tân Cương xuất xứ từ Phú Thọ được ông tôi đem về trồng ở núi Guộc. Tôi nhớ ông cụ tôi có lập một xưởng chế biến chè, sản phẩm đóng gói trong bao giấy, ngoài bao bì có dòng chữ: Nước xanh cánh nhỏ chè Tân Cương hiệu con hạc; cụ còn lấy cả chè bên Phú Thọ về chế biến, nổi danh khắp 3 kỳ và sang tận Ấn Độ, châu Âu. Cụ tôi mất tháng 3 năm 1945…”.

Hiện bên này sông vẫn còn một vườn trà cổ mà người địa phương quen gọi là “Vườn chè ông Đội” trước được dành để làng làm công quả, sau cho dân. Đến khoảng năm 1942-1944 khi dân đến đông, chính ông Đội 5 đã vượt sông sang khai phá vùng đất phía hữu ngạn sông Công lập nên làng mới, trước vẫn thuộc xã Tân Cương, sau năm 1954 thuộc xã Bình Minh, thị xã Sông Công. Xóm Bình Định có hơn 200 nhà, bình quân mỗi hộ có tới hơn một mẫu Bắc bộ, nhiều hơn bên Tân Cương. Và như vậy, ông Đội 5 cũng chính là thủy tổ của 2 vùng trà Tân Cương và Bình Minh ngày nay. Và chỉ riêng xã Tân Cương hiện có 16 xóm với 1.100 hộ chuyên sống bằng nghề làm trà...

Hiện ông Thuận đã già nên việc làm trà được chuyển giao cho các con. Theo ông thì chất lượng trà bên này không bằng bên kia: “Vị có kém hơn, như chát hơn mà vị ngọt lại không bằng bên Tân Cương, dù cũng kỹ thuật sao sấy vẫn giữ như nhau, có thể do chất đất bên Tân Cương cũ vẫn tốt hơn”.

Trở về bên kia sông, chúng tôi vào nhà chị Đinh Thị Tình - chủ nhân của ngôi nhà hai tầng mái khang trang ở xóm Lam Sơn. Bác Hiệt nói ngay: “Gái đảm Tân Cương đấy!”. Ẩn bên trong sự mộc mạc của cách ăn mặc, của lời nói chính là sự am hiểu về kỹ thuật chế biến lẫn buôn bán trà rất đáo để. Chị là “thợ chè” theo cách gọi của người địa phương và cả xã có khoảng hơn 100 người. Họ vào từng nhà để mua gom “chè mộc” sau đó đem về sàng sẩy, tuyển lại cho trà ngon hơn, giá bán cao hơn. Bình quân mỗi tháng chị thu nhập từ 4 – 5 triệu và nhờ đó kinh tế gia đình thuộc loại khá giả.

Trải qua hơn 80 năm, đến nay người Tân Cương vẫn giữ cách làm trà truyền thống từ hái (1 tôm 2 lá), hong héo, sao, vò đến sấy khô vì thế vẫn giữ cho sản phẩm trà hương vị mộc mạc đặc trưng. Cùng với chất lượng của vùng nguyên liệu đã đem đến cho đời những chén trà sóng sánh màu xanh hương cốm, chát nơi đầu lưỡi nhưng ngọt nơi cuống họng rất khó lẫn lộn.

Nhưng để làng trà Tân Cương phát triển hơn nữa rất cần gắn kết yếu tố thương mại tự phát từng nhà thành những làng nghề văn hóa – du lịch – thương mại như quy hoạch một tuyến đường gắn với danh thắng hồ núi Cốc hay các điểm trưng bày thuận tiện cho việc khám phá văn hóa của du khách gần xa.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục