Nghệ nhân dân gian Sáu Xiếu: Kiếp tằm mãi luyến tơ vương

Say mê đàn đến ám ảnh, theo học lóm và tự mày mò học lấy, vậy mà ông lại có được những ngón đàn điêu luyện của một bậc thầy. Hơn 70 năm gắn bó với nghiệp đàn, ông đã tham gia truyền dạy, hướng dẫn cho nhiều thế hệ học trò. Năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian môn đàn tranh và hiện là một trong những bậc danh cầm cao niên còn gắn bó với tài tử cải lương. Ông là danh cầm, Nghệ nhân dân gian Lâm Văn Xiếu, người trong nghề thường gọi là ông Sáu Xiếu.
Nghệ nhân dân gian Sáu Xiếu: Kiếp tằm mãi luyến tơ vương

Say mê đàn đến ám ảnh, theo học lóm và tự mày mò học lấy, vậy mà ông lại có được những ngón đàn điêu luyện của một bậc thầy. Hơn 70 năm gắn bó với nghiệp đàn, ông đã tham gia truyền dạy, hướng dẫn cho nhiều thế hệ học trò. Năm 2007, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian môn đàn tranh và hiện là một trong những bậc danh cầm cao niên còn gắn bó với tài tử cải lương. Ông là danh cầm, Nghệ nhân dân gian Lâm Văn Xiếu, người trong nghề thường gọi là ông Sáu Xiếu.

Cái nghiệp tình cờ

Mới 9-10 tuổi, Sáu Xiếu đã mê đàn. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở Cao Lãnh, Đồng Tháp, cha mẹ lo chạy ăn cho cả nhà còn thiếu trước hụt sau, Xiếu đâu dám mơ đến việc được mua đàn mà học. Cũng thật tình cờ, ở cùng làng Tân Thuận Tây với Xiếu có công tử Khiêm - là con một điền chủ giàu có trong làng - được học đàn từ thầy riêng.

Cha của Khiêm mời thầy Sáu Lương đến tận nhà dạy đàn kìm cho cậu quý tử. Mỗi khi thầy dạy cho Khiêm thì Xiếu lại mon men xin vào ngồi xem. Vậy mà, thầy dạy tới đâu, Xiếu nhớ như in đến đó…

Dù xấp xỉ tuổi 90, nhưng NSDG Sáu Xiếu vẫn tham gia viết lời mới cho các bài bản tài tử cải lương

Dù xấp xỉ tuổi 90, nhưng NSDG Sáu Xiếu vẫn tham gia viết lời mới cho các bài bản tài tử cải lương

Năm 15 tuổi thì cậu Xiếu đàn rành rẽ nhiều bài bản tài tử cải lương. Thấy con quá ham mê, cha mẹ Xiếu gom góp tiền mua cho cậu cây đàn kìm giá 1 đồng bạc chẵn. Xiếu mê mẩn đến mất ngủ, cả ngày không rời khỏi cây đàn và từ đó cây đàn đã vận vào cậu như một cái nghiệp.

Một hôm có gánh hát bội về làng, có một cô đào hát là cháu của mẹ Xiếu ghé nhà chơi. Thấy Xiếu còn nhỏ mà đàn hay, cô đào hết lời khen ngợi. Trước khi ra về, cô đào bất ngờ rút ra một “Tập bản đàn” tặng lại cho Xiếu, Xiếu mới biết chồng cô này cũng là một thầy đàn vừa mới mất. Nhìn bản đàn ghi đủ các thể loại Bắc-Nam, Oán-Hạ của nhạc tài tử, ngày đêm cậu Xiếu đàn miệt mài các bài bản tài tử cải lương, cậu cũng thêm thắt vài nét luyến láy. Để thỏa đam mê, cậu nghe dĩa hát, đài phát thanh, nhạc sĩ nào đàn hay thì gắng nghe theo để học...

Lúc này, ngón đàn của cậu Xiếu đã có mặt tại hầu hết các chiếu đàn ca tài tử ở vùng sông nước Cao Lãnh. Những dịp cưới, hỏi, giỗ chạp, cậu Xiếu lại được người ta mời đến biểu diễn. Kiếm được tiền, cậu Xiếu để dành mua thêm nhạc cụ, tự học thêm đàn cò, đàn tranh. Không bao lâu, Sáu Xiếu trở thành một nhạc sĩ có tiếng, thông thạo ba nhạc cụ: đàn kìm, cò, tranh.

70 năm gắn bó với nghiệp đàn

Năm 1935, ông rời quê lên Sài Gòn. Buổi tối, ông chơi đàn cò cho gánh hát Tấn Thành Ban (của ông bầu Cung) cùng với các danh cầm Vũy Chỗ (đàn tranh), Tư Sức (đàn kìm) và Tư Đống (guitar phím lõm). Ban ngày ông mở lò dạy đàn tranh tại nhà. Những năm 1960 - 1965, ông đàn cho gánh cải lương Thúy Nga - Phước Trọng, Thanh Minh 2…

Sau năm 1975, Viện Nghiên cứu âm nhạc (do nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm viện trưởng) tổ chức lớp thể nghiệm Đại học Âm nhạc tài tử - cải lương đầu tiên đã mời ông Sáu Xiếu tham gia Ban giảng huấn, cùng với các danh cầm - nghệ sĩ tên tuổi như: Giáo Thinh, Mười Phú, Ba Trung, Văn Luyện, Năm Vinh, Bạch Huệ…

Sau nhiều khóa giảng dạy ở viện, năm 1984 - 1989, ông được điều về giảng dạy tại Trường Nghệ thuật sân khấu II (nay là Đại học Sân khấu và Điện ảnh TPHCM). Sau đó, ông được mời đào tạo nâng cao tại Nhà Văn hóa quận 3, đến năm 1997 mới nghỉ hẳn.

Ngoài hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Sáu Xiếu còn là một trong những cơ sở hoạt động bí mật ở nội thành Sài Gòn, ông đã được nhà nước trao tặng Huy chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhì, Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Dù tuổi đã xấp xỉ 90, nhưng chỉ hơn 3 tháng nay, lò dạy đàn tranh tại nhà của ông mới tạm ngưng. Ông kể, vài tháng trước, có một đôi bạn trẻ vẫn tìm đến nhà ông học đàn mỗi tuần. Thấy cả hai quá khó khăn, đồng lương lại ít ỏi (2 người đều là công nhân ở KCX Tân Thuận), ông đã bớt tiền học phí, nhưng được hơn 6 tháng thì 2 người này thôi không học nữa.

Thương 2 cô cậu học trò nghèo, ông đã tặng họ 2 cây đàn tranh cũ mà ông vẫn dùng dạy học. “Khi nào còn sức, học trò còn tìm đến tôi thì tôi vẫn còn dạy đàn. Những nét độc đáo văn hóa truyền thống của dân tộc, còn người chịu học là tôi mừng”, ông Sáu Xiếu tâm sự.

MINH AN

Tin cùng chuyên mục