Hồi sinh vẻ đẹp ca trù

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định ca trù là một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Do vậy nghiên cứu ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, tác giả công trình khoa học “Lịch sử và nghệ thuật ca trù”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện năm nay 40 tuổi, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Hồi sinh vẻ đẹp ca trù

Nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định ca trù là một bộ môn nghệ thuật lâu đời, độc đáo. Ca trù gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, âm nhạc, tư tưởng, triết lý sống của người Việt. Do vậy nghiên cứu ca trù cũng là góp phần vào việc nghiên cứu các giá trị truyền thống trong văn hóa Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, tác giả công trình khoa học “Lịch sử và nghệ thuật ca trù”. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện năm nay 40 tuổi, đang công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm.

* Phóng viên: Cùng lúc với việc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) gửi hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, Nhà hát Ca trù thuộc Trung tâm Văn hóa Ca trù Thăng Long cũng đã chính thức ra mắt. Là người có duyên với ca trù, ông có cảm nhận như thế nào?

* Tiến sĩ NGUYỄN XUÂN DIỆN: Vốn yêu thích và gắn bó với ca trù, đã có nghiên cứu về môn nghệ thuật này, tôi rất vui khi biết hồ sơ về ca trù đã đến trụ sở của UNESCO tại Paris.

Mấy năm gần đây, Bộ VH-TT-DL Việt Nam, các địa phương và đông đảo người yêu thích ca trù rất quan tâm đến ca trù, tìm cách để quảng bá, giới thiệu, truyền dạy và phổ biến về ca trù. Nhiều CLB ca trù đã được thành lập, nhiều người đã bắt đầu quan tâm tìm hiểu về ca trù, đặc biệt là giới trẻ. Tôi rất phấn khởi khi thấy mọi người đang chung tay góp sức vào việc làm sống dậy một bộ môn nghệ thuật quý giá trong kho tàng văn hóa và âm nhạc Việt Nam.

* Theo ông, ca trù có vị trí như thế nào trong nền nghệ thuật truyền thống Việt Nam?

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

* Ca trù là một di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Đặc sắc ở sự phong phú làn điệu, thể cách, cả không gian, thời gian biểu diễn và phương thức thưởng thức; đặc sắc còn vì từ cội nguồn nó gắn bó mật thiết với lễ nghi, phong tục, với sinh hoạt cộng đồng.

Ca trù làm người ta nhớ tới những tao nhân mặc khách với lối chơi ngông, chơi sang, rất tinh tế và giàu cá tính sáng tạo của những danh nhân như Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Tản Đà…Và cùng với đó là mối quan hệ giữa văn nhân (nhà thơ, nhà báo, họa sĩ) với ả đào - mối quan hệ quan trọng nhất của lối thưởng thức ca trù. Bởi quá trình tham gia sinh hoạt ca trù là quá trình văn nhân sáng tạo, thể nghiệm và thưởng thức các tác phẩm của mình.

* Với những nguồn tư liệu còn lưu giữ được, chúng ta có 26 điệu ca trù. Thế nhưng, có thể hy vọng những điệu ca trù nào có sức hồi sinh thực sự trong đời sống văn hóa?

* Nghiên cứu về ca trù, tôi nhận thấy ca trù nay khác với ca trù xưa nhiều lắm. Khác nhau trước hết là ở chỗ ca trù xưa thì phong phú, đầy đủ, mà nay thì mất mát đi nhiều quá. Thư tịch cổ cho biết ca trù có đến 99 thể cách. Trong đó loại thể cách hát lên được, tức là làn điệu đã có tới 66 thể cách. Vậy mà nay, các đào nương già cũng biết chỉ khoảng mười lăm điệu. Lục tìm trong kho băng đĩa lưu trữ tại Viện Âm nhạc và Đài Tiếng nói Việt Nam, thấy có tư liệu của 26 điệu ca trù. Tức là chỉ từng ấy điệu mới có thể phục hồi được mà thôi…

Thế nhưng cái khác lớn nhất giữa xưa và nay là không gian, không khí ca trù, hay còn gọi là văn hóa ca trù thì đã mất thật rồi. Đâu còn những đêm hội làng, các đào kép về hát thờ Thành hoàng theo lệ hàng năm? Đâu còn những ca quán nhộn nhịp khách văn nhân? Người nghe đã khác xưa nhiều. Đào kép cũng khác xưa nhiều. Không gian văn hóa của việc thưởng ngoạn ca trù càng khác xưa. Đó là một điều khác nhau lớn nhất của sinh hoạt ca trù xưa và nay.

Chính vì những lý do trên việc tìm lại một không gian cho ca trù là rất quan trọng. Và tất nhiên, việc truyền dạy ca trù là điều phải ưu tiên trước nhất.

* Ông có tin: giữa nhịp sống công nghiệp, một cái chiếu được trải ra giữa nhà hát, liệu có khả năng thu hút được khán giả đến với ca trù không?

* Xã hội càng văn minh hiện đại thì văn hóa truyền thống càng có sức hấp dẫn riêng. Thưởng ngoạn văn hóa cổ truyền khi ấy sẽ chính là tìm kiếm lại trạng thái cân bằng tâm lý trong xã hội và trong mỗi con người. Vì thế, tôi tin rằng, người ta sẽ tìm đến với chiếu hát ca trù, là người ta cần một trạng thái cân bằng sau tất cả những gì mà cuộc sống công nghiệp đã cuốn họ đi. Tất nhiên, trên cái chiếu đó phải là những nghệ sĩ thực sự, và tiếng hát ấy phải là ca trù đích thực, tức là “ca trù ra ca trù”.

* Theo tôi, muốn bảo tồn ca trù, phải làm cho giới trẻ yêu thích loại hình nghệ thuật này. Có thể nghe một giải pháp nào đó của ông chăng?

* Từ phía công chúng, chúng ta thấy ngay cả đối với người Việt Nam nếu chưa được tiếp xúc một cách sâu sắc cũng khó có thể nghe và hiểu được ca trù. Theo tôi thì chỉ có cách là giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua những buổi nói chuyện của các chuyên gia về cái hay cái đẹp của ca trù. Từ chỗ chưa hiểu đến chỗ hiểu, từ chỗ hiểu ít đến chỗ hiểu nhiều, hiểu rồi thích, thích rồi yêu, yêu rồi đắm say, mà khi đã đắm say thì cứ muốn gìn giữ mãi nó, quảng bá rộng cho ca trù.

Hiện nay giới trẻ cũng đang quan tâm nhiều đến ca trù. Nhiều bạn tìm đến với ca trù bằng cách đến nghe ca trù ở các CLB, hoặc đọc các bài viết về ca trù trên mạng internet, hoặc tìm đến các liên hoan ca trù. Tôi còn thấy các bạn trẻ chia sẻ cho nhau các bài viết về ca trù, các đoạn nhạc ca trù trên các diễn đàn.

Đối với một môn nghệ thuật như ca trù, thì đó là những dấu hiệu đáng mừng. Hy vọng rằng các nhà quản lý văn hóa sẽ tổ chức nhiều liên hoan ca trù, nhiều cuộc thuyết trình, nói chuyện về ca trù; còn các đài truyền thanh, truyền hình sẽ có thêm các buổi giới thiệu ca trù để giới trẻ có thêm điều kiện đến với ca trù. Ca trù nhất định sẽ tìm lại được cho mình chỗ đứng trong đời sống văn hóa văn nghệ phong phú và đa dạng hôm nay.

* Xin cảm ơn những ý kiến tâm huyết của ông. 

TUY HÒA (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục