Diện mạo showbiz Việt - Bài 2: Sự tiếp tay của truyền thông?

Điều kiện thuận lợi
Diện mạo showbiz Việt - Bài 2: Sự tiếp tay của truyền thông?

Thời internet, tốc độ lan truyền thông tin cũng nhanh một cách chóng mặt. Các phát biểu, hình ảnh gây sốc chỉ sau ít phút đã tràn ngập trên các trang mạng, khiến những người thật sự tâm huyết với nghệ thuật nước nhà phải ngao ngán vì cách khai thác thông tin “lạnh lùng, tàn nhẫn” đã kích động lối sống thực dụng, thiếu định hướng của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Với phong cách âm nhạc dân gian đương đại và trang phục trẻ trung, duyên dáng - Nhóm nhạc Năm Dòng Kẻ thu hút khán giả lâu bền. Ảnh: An Dung

Với phong cách âm nhạc dân gian đương đại và trang phục trẻ trung, duyên dáng - Nhóm nhạc Năm Dòng Kẻ thu hút khán giả lâu bền. Ảnh: An Dung

Điều kiện thuận lợi

Các chương trình truyền hình thực tế đang nở rộ và rất được ưa chuộng bởi tính tương tác cao. Khán giả thấy thích thú với sự đối đáp, phản ứng hết sức tự nhiên, đời thường của các nhân vật (cả nổi tiếng lẫn không) trong các chương trình được chuyển tải trên sóng truyền hình - vốn được xem là sự chuẩn mực, đáng tin cậy của các loại thông tin. Nhưng dường như mọi thông tin, phát biểu trên truyền hình - chủ yếu là trong các chương trình truyền hình thực tế, đang hướng đến sự tự nhiên thái quá.

Siu Black từng nhận xét nặng lời với thí sinh khuyết tật trong chương trình Vietnam’s Idol; chị cũng là người tạo scandal với “nghi án áo đỏ” trong chương trình “Cặp đôi hoàn hảo”. Các màn tranh cãi của ban giám khảo, tuyên bố rút lui của thí sinh (Cặp đôi hoàn hảo, Vietnam’s Idol), thí sinh nói xấu, văng tục… bị “ném” lên mạng; thông tin rò rỉ về kết quả các vòng thi, giải thưởng được sắp xếp, kiện cáo đòi bồi thường tiền tỷ (Vietnam’s Net Top Model); mới đây là màn “phản pháo” của mẹ thí sinh Q.A vì cho rằng con bà có tài năng, đáng được vào vòng trong (Vietnam’s Got Talent)… tất cả những “tiểu tiết” ấy được cho là “chiêu” để câu khách, thu hút sự chú ý của khán giả, nhằm tăng lượng quảng cáo cho chương trình. Nhưng, sau mỗi sự cố như thế, thiên hạ lại thi nhau lên mạng mắng mỏ, xỉ vả tơi bời, khiến thị trường giải trí trở nên hỗn loạn.

Ngay cả các chương trình văn nghệ của nhà đài hiện cũng rất “thoáng” trong việc để ca sĩ, nghệ sĩ có trang phục mát mẻ lên sóng truyền hình. T.M, T.T bị kêu ca nhiều về trang phục hở hang, nhưng vẫn xuất hiện trong một vài chương trình truyền hình với trang phục kiệm vải, thiếu thẩm mỹ. Các ca sĩ khi tham gia chương trình của nhà đài (nhất là chương trình trực tiếp), hầu hết đều hát nhép để đảm bảo đường tiếng khi phát sóng. Nhưng nếu căn cứ vào quy định ca sĩ không được hát nhép, thì chính nhà đài đang tiếp tay cho một vấn nạn đang cần phải loại bỏ trong đời sống âm nhạc hiện nay.

Cơ quan quản lý bị động

Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn là hành vi “Mặc trang phục, hoá trang gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục Việt Nam” (điểm c khoản 1 Điều 16, Nghị định số 75/2010/NĐ-CP) áp dụng đối với diễn viên biểu diễn ca nhạc, trình diễn thời trang... Tuy nhiên trên thực tế, rất khó để phân định thế nào là ngắn (ngắn đến đâu là vừa), thế nào là hở (hở đến đâu thì được), thế nào là phản cảm, khiêu dâm, gợi dục? Các tranh cãi về ảnh khỏa thân nghệ thuật và ảnh khiêu dâm, thường không đi đến thống nhất và ranh giới này cũng rất khó phân định.

Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước có lúc lúng túng, bị động trong việc kết luận mức độ vi phạm. Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm thừa nhận rằng “Quản lý tác phẩm nhiếp ảnh hiện nay gặp khó khăn trong việc thẩm định ảnh khỏa thân nghệ thuật và ảnh khiêu dâm”. Ông Vương Duy Biên, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng cho rằng “Quy định về độ ngắn, độ hở, độ mỏng của trang phục là khó vì với người này được, người khác lại không”.

Mức phạt và đối tượng bị phạt cũng đang là những cuộc tranh cãi chưa ngã ngũ. Hiện nay, trong thời gian chờ nghị định mới của Chính phủ quy định về hành vi vi phạm và việc xử phạt trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, việc xử phạt vẫn được áp dụng theo những nghị định cũ. Thời gian qua, các ca sĩ, người mẫu vi phạm, rất ít cá nhân chịu phạt.

Trước đó, các vụ vi phạm vì ăn mặc phản cảm, sự cố “lộ hàng” như: Minh Hằng trong chương trình “Đêm mỹ nhân”, chịu mức phạt 3,5 triệu đồng nhưng là phạt đơn vị tổ chức (không phải phạt ca sĩ ăn mặc phản cảm); người mẫu Bebe Phạm tụt váy, người mẫu Hà Anh lộ nội y trong chương trình Diamond Night cũng bị Sở VH-TT-DL TPHCM phạt tổng giá trị 11 triệu đồng (cũng là phạt đơn vị tổ chức). Chỉ có người mẫu Thái Hà mới bị Sở VH-TT-DL TPHCM phạt đích danh vì “lộ ngực” trong buổi tiệc Umbrella Party.

Để hạn chế những vụ vi phạm, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TPHCM cho rằng: “Các đơn vị quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm tra hơn nữa và xử lý nhanh chóng, mạnh mẽ các vụ vi phạm. Tăng cường thẩm định, duyệt chương trình trước khi cấp phép và đề nghị Bộ VH-TT-DL đình chỉ hoạt động biểu diễn đối với cá nhân, đơn vị vi phạm nhiều lần”.

Theo dự thảo nghị định mới do Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trình lên Chính phủ, nghệ sĩ ăn mặc phản cảm có thể sẽ bị cấm diễn từ 3 đến 6 tháng, nặng hơn là 6 tháng đến một năm, thậm chí có thể bị cấm vĩnh viễn biểu diễn nghệ thuật và xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Vương Duy Biên cho biết: “Mức phạt như thế nào, cấm diễn ra sao sẽ được hướng dẫn cụ thể trong Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định của Cục Nghệ thuật biểu diễn, sau khi nghị định được Chính phủ thông qua”.

Nhìn vào thực trạng hoạt động biểu diễn nghệ thuật của showbiz Việt thời gian qua để thấy, mảng màu tối đang lấn lướt. Những nghệ sĩ, ca sĩ, diễn viên chân chính, có tự trọng gần như nản chí, “bỏ trận địa”. Thực tế rất cần sự can thiệp mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng và nên chăng, các phương tiện thông tin cũng phải nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc “lăng xê” hoặc phê phán theo kiểu “lăng xê” vô tội vạ trong thời gian qua.

Như Hoa – Thúy Bình

- Bài 1: Mất dần chuẩn mực

Tin cùng chuyên mục