Bảo vệ quyền tác giả - Thiếu chuyên nghiệp

Sáng 19-10, giới sáng tác trong nước xôn xao trước thông tin bài thơ Bạch lộ của nhà thơ Phan Huyền Thư trong tập thơ Sẹo độc lập xuất bản năm 2014 (Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015) thực chất được sao chép từ bài thơ Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan in trong tập Đếm cát, xuất bản từ năm 2003.
Bảo vệ quyền tác giả - Thiếu chuyên nghiệp

Sáng 19-10, giới sáng tác trong nước xôn xao trước thông tin bài thơ Bạch lộ của nhà thơ Phan Huyền Thư trong tập thơ Sẹo độc lập xuất bản năm 2014 (Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2015) thực chất được sao chép từ bài thơ Buổi sáng của nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan in trong tập Đếm cát, xuất bản từ năm 2003.

Những tranh chấp

So sánh thực tế cho thấy bài Bạch lộ không chỉ giống về ý mà có rất nhiều câu thơ, cách sắp xếp câu hoàn toàn giống với bài Buổi sáng. Thậm chí ngay trong 4 câu đầu của bài Bạch lộ thì có đến 3 câu hầu như giống nguyên văn với 4 câu đầu của bài Buổi sáng. Theo nhà thơ Thường Đoan, bài thơ Buổi sáng được sáng tác vào ngày 27-6-2000 nhân dịp đến quán cà phê mới mở của nhạc sĩ Phú Quang. Ngay sau đó, nhạc sĩ Phú Quang đã phổ nhạc bài thơ này thành bài hát Catinat cafe sáng. Bên cạnh đó, một số bài thơ trong tập thơ Sẹo độc lập còn bị tố đạo của các nhà thơ khác. Hội Nhà văn Hà Nội, đơn vị trao giải cho tập thơ Sẹo độc lập, cho biết sẽ tiến hành thẩm tra lại tập thơ này và nếu xác nhận là đạo văn thì sẽ chịu trách nhiệm và có thể sẽ tiến hành thu hồi giải thưởng.

Trước đó không lâu, vụ việc bài thơ Tổ quốc gọi tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai bị một nhà thơ khác tố “ăn cắp” được xem là một ví dụ điển hình của sự thiếu quan tâm đến quyền tác giả của người sáng tác. Vụ việc này có hai thái cực ngược nhau và ở khía cạnh xã hội thì nó rất nổi tiếng, báo chí tốn nhiều giấy mực, mạng xã hội xôn xao, dư luận quan tâm…

Buổi ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình

Có sự quan tâm đó là vì bài thơ đã được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc thành bài hát có nhan đề Tổ quốc gọi tên mình. Tuy nhiên ở thái cực ngược lại, về mặt pháp lý thì vụ việc này lại được giới luật sư đánh giá là “đơn giản” vì cho đến nay, người tự nhận mình là tác giả và hăng hái tố, thậm chí dọa kiện ra tòa nhà thơ Quế Mai là đạo thơ mình, vẫn chưa đưa ra được bất cứ một bằng chứng cụ thể nào để chứng minh là tác giả thực sự. Tuy cũng có một vài người tự nhận là đã từng đọc bài thơ này trước khi nhà thơ Quế Mai công bố, nhưng đáng tiếc rằng vẫn không có bằng chứng gì ngoài những lời phát ngôn. Với tình trạng như vậy, nếu ra trước tòa thì người tố cáo kia sẽ không có một hy vọng gì để thắng cuộc, đó là chưa kể nếu cứ khẳng định bà Quế Mai đạo thơ nhưng không có chứng cứ thì có thể bị tố ngược tội vu khống.

Bảo vệ quyền tác giả

Nhà thơ Quế Mai cho biết, bà cũng đã từng bỏ qua, xem chuyện tranh chấp quyền tác giả của nhà thơ kia như một trò đùa. Thế nhưng, những tuyên bố ầm ĩ trên các trang mạng xã hội, những lá thư điện tử yêu cầu “trả bài thơ”, những lời đòi kiện cáo… đã làm dư luận xôn xao, ầm ĩ khiến bà trở nên mệt mỏi vì phải giải đáp, trả lời bạn bè, người quen và cả giới truyền thông. Trong bối cảnh như vậy, không chỉ là chuyện sáng tác mà ngay cả cuộc sống, công việc của nhà thơ cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Có ý kiến cho rằng nếu ngay từ đầu các nhà thơ đều có đăng ký bản quyền tác phẩm thì đã không có những tranh cãi ầm ĩ như vừa qua. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận một thực tế là việc sáng tác ở Việt Nam, nhất là thơ rất phổ biến. Nếu tất cả nhà thơ trên đất nước đều được đăng ký bản quyền mọi bài thơ mình làm ra thì e rằng không có trung tâm bản quyền nào đảm đương nổi khối lượng công việc nặng nề đó.

Đó là chưa kể việc đăng ký có thể tranh việc kiện tụng chứ không thể tránh những việc tranh cãi như vụ bài thơ Tổ quốc gọi tên. Vì dù có đăng ký đầy đủ thì việc bị một ai đó tố này nọ cũng không thể tránh khỏi như trường hợp nhà thơ Quế Mai tuy không đăng ký nhưng có bằng chứng đầy đủ vẫn phải mệt mỏi trước những lời tố cáo không có căn cứ cụ thể.

Không phải ngẫu nhiên mà dư luận cho rằng việc đòi quyền tác giả bài thơ trên mang tính chất “lấy tiếng” hơn là thực chất, bởi chính người tố cáo cũng từng thừa nhận trên báo chí rằng không nghĩ mình sẽ thắng vì không có chứng cứ nào cả. Sự việc này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, một nền sáng tác sẽ ra sao khi cứ tác phẩm nào nổi tiếng thì sẽ có người nhảy ra tự nhận là tác giả rồi đòi kiện, đòi “trả” dù trong tay không có bằng chứng nào.

Bảo vệ quyền tác giả là một yêu cầu thiết yếu nhưng bảo vệ cũng cần có sự chuyên nghiệp hóa. Nếu đó là một đòi hỏi có bằng chứng, có tính hợp pháp và khả thi thì rất cần tiếng nói bảo vệ để trả lại công bằng cho người sáng tác. Trong những trường hợp tranh cãi vừa qua, vẫn chỉ là những tiếng nói cá nhân, không có một tiếng nói cụ thể của một tổ chức, hội đồng chuyên môn nào. Dĩ nhiên, tòa án có thể là nơi phán quyết cuối cùng, nhưng sẽ hay hơn khi có các trọng tài cũng trong giới để hòa giải, giải quyết giữa những người nghệ sĩ, sáng tác.

TƯỜNG VY

Tin cùng chuyên mục