Đường sách - một không gian văn hóa đọc

LTS:
Đường sách - một không gian văn hóa đọc

LTS: Sau  khi bài viết Không gian nào cho đường sách được đăng tải trên Báo SGGP ra ngày 22-11, chúng tôi nhận được ý kiến phản hồi của ông Lê Hoàng, Phó Chủ  tịch Hội Xuất bản Việt Nam - người phụ trách thực hiện dự án Đường sách tại TPHCM. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin đăng nguyên văn ý kiến này và mong nhận được thêm nhiều đóng góp khác của bạn đọc gần xa.

Đường sách Nguyễn Văn Bình. Ảnh: Tường Vy

Trong bài viết Không gian nào cho đường sách của nhà văn Lê Văn Nghĩa đăng trên Báo SGGP ra ngày 22-11-2015, có chi tiết tác giả “mong muốn đường Nguyễn Văn Bình nên là một mô hình ít nhất như phố sách Đinh Lễ!”. Nhà văn Lê Văn Nghĩa nói cụ thể hơn nơi này chỉ nên là những sạp (như sạp báo cũ ngày xưa) hay cũng chỉ là cái bàn, cái ghế hay tấm ni lông trải dưới đất trong một không gian thoáng đãng. Và rốt cuộc tác giả cho rằng nơi này nên như là một “chợ trời” nhưng là “chợ trời văn hóa”. Ở miền Nam, nói đến chợ trời mọi người đều hiểu rằng nơi đó bán đồ cũ, đồ lạc son nhưng ở đây rõ ràng điều nhà văn muốn nói là chỗ để bán và trao đổi sách cũ.

Như vậy, ông Nghĩa chưa hiểu hết về con đường sách - Đường sách TPHCM mà lãnh đạo thành phố cho phép và Sở TT-TT và Hội Xuất bản Việt Nam triển khai thực hiện trên đường Nguyễn Văn Bình, một con đường dài chưa tới 150m, rộng cả lòng đường và lề đường trên 20m (diện tích trên dưới 3.000m²), tọa lạc ngay giữa trung tâm thành phố, nơi lui tới của đông đảo người dân và khách du lịch nước ngoài.

Đường sách TPHCM được xác định là một không - gian - văn -  hóa - đọc, mà ở đó có cả khu bán sách mới lẫn sách cũ, có khu dành cho các hoạt động giao lưu văn hóa đọc và cũng là không gian “nghỉ ngơi”, “hưởng thụ” để mọi người đến đó với quyển sách trên tay và họ có thể “nhâm nhi” cả hàng giờ trong một không gian yên tĩnh dưới tán cây xanh đầy bóng mát.

Khu bán sách mới có 20 gian hàng nằm sát trên phần đất phía sau trụ sở UBND quận 1 (trước đây là bãi giữ xe) khoảng 400m², chỉ gần bằng 1/8 diện tích của cả con đường sách, làm nơi cho các nhà xuất bản (NXB), công ty sách có năng lực xuất bản giới thiệu những ấn phẩm mới nhất cũng như giới thiệu nguồn xuất bản phẩm, là “tài sản đặc sắc nhất” trong quá trình xuất bản trước nay của họ. Như vậy, hầu hết sách tại mỗi gian hàng là sách của NXB, công ty sách mà họ tự xuất bản.

20 NXB, công ty sách đã chính thức tham gia đường sách là những đơn vị có bề dày nhiều năm hoạt động, có uy tín thương hiệu như: NXB Trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Văn hóa văn nghệ, NXB Tổng hợp TP, Công ty Văn hóa Phương Nam, Xunhasaba, FirstNews, Phan Thị, Văn Lang, Nhã Nam, Đông A... từng có nhiều đầu sách được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt.

Như vậy 20 gian hàng với những không gian sách chuyên biệt này phải được bày và bán trong các gian hàng để đảm bảo việc bảo quản, ổn định cho việc mua bán lâu dài, chứ không thể bày bán trong một “chợ trời” như tác giả nói trong bài viết của mình.

Khu bán sách cũ trên không gian còn lại của đường Nguyễn Văn Bình, về lâu dài sẽ tổ chức định kỳ vào những ngày cuối tuần hay định kỳ mỗi tuần trong tháng với những phiên chợ bán sách cũ (nếu nhu cầu người mua tăng lên thì sẽ dành hẳn một không gian cố định để làm nơi bán, trao đổi sách cũ như điều mà tác giả đã đề cập trong bài viết của mình).

Như phần trên đã đề cập, đây không chỉ có nơi bán sách mới - cũ mà còn có không gian để diễn ra các hoạt động giao lưu, tiếp xúc, tọa đàm, giới thiệu tác phẩm, tác giả... nhằm cổ vũ, tôn vinh những giá trị của văn hóa đọc, sẽ diễn ra vào các buổi tối hay các ngày cuối tuần. Không chỉ thế, nơi đây còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, liên quan đến sách như: Ngày thơ Việt Nam, Ngày tình yêu, Ngày sách Việt Nam...

Tôi xin góp vài dòng để được nói rõ về hoạt động sắp tới của Đường sách TPHCM nhân bài viết có cái nhìn chưa đầy đủ về con đường sách này, cũng là để góp một phần minh tường trong công luận vậy. Dù sao, rất cảm ơn ý kiến của Báo SGGP, của nhà văn Lê Văn Nghĩa - muốn có một đường sách như mong muốn của người đam mê sách. Và chính tâm huyết của nhà văn Lê Văn Nghĩa từ một bài báo đã khởi sự cho ý tưởng Đường sách Sài Gòn mà tôi đã theo đuổi và bây giờ TPHCM có Đường sách Nguyễn Văn Bình.

Lê Hoàng

Tin cùng chuyên mục