Khắc phục hậu quả lũ miền Trung

Tập trung cứu đói

Tập trung cứu đói

* Đã có 29 người thiệt mạng, 4 người mất tích
* Giao thông trên quốc lộ 1A vẫn bị ách tắc

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tại miền Trung, tính đến 16 giờ ngày 13-11, lũ lụt đã làm 29 người chết (Thừa Thiên-Huế: 2, Đà Nẵng: 1, Quảng Nam: 9, Quảng Ngãi: 8, Bình Định: 7, Khánh Hòa: 2) và 4 người mất tích (Quảng Nam: 2, Đà Nẵng: 1 và Quảng Ngãi: 1). 
 

Tập trung cứu đói ảnh 1

Bà con vùng rốn lũ ở phường Kim Long, TP Huế nhận quà cứu trợ của bạn đọc Báo SGGP trao chiều 13-11. Ảnh: Vũ Văn Thắng

Tập trung cứu đói ảnh 2

Xã Hương Phong, huyện Phong Điền vẫn còn ngập sâu trong lũ. Ảnh: TTXVN

Tập trung cứu đói ảnh 3

Đường Nguyễn Tất Thành, Đà Nẵng bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: NGUYÊN KHÔI

Tập trung cứu đói ảnh 4

Đến chiều 13-11, hàng trăm ôtô còn mắc kẹt trên QL1A đoạn qua địa phận Đà Nẵng. Ảnh: NG.HÙNG


Đà Nẵng: 27.600 hộ dân ngập sâu

Chiều tối 13-11 vẫn còn 22 xã, phường với 27.600 hộ dân ngập sâu trong nước. Dọc tuyến quốc lộ 14B, trâu, bò, heo của nhân dân cột đầy đường chưa thể đưa về nhà vì nước lũ còn ngập sâu. Tại các thôn Thạch Bồ, Bồ Bản, Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong, hyện Hòa Vang), La Châu, Phú Sơn 2, Phú Sơn 3 (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang) vẫn còn bị cô lập do nước lũ và sạt lở. Cái cần nhất hiện nay của bà con vùng lũ là đèn cầy, dầu lửa, nước uống và mì gói. Dọc tuyến QL 14B và QL 1A đoạn cầu vượt Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng, hơn 200 xe khách, xe tải bị mắc kẹt do nước lũ ngập đường.


Quảng Nam: 6.000 dân huyện Tây Giang thiếu ăn

Ông Trương Công Kích, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho biết: Theo thống kê sơ bộ, đến chiều 13-11, toàn huyện có 4 người chết, 1 người bị thương, trên 35.000 nhà dân bị ngập sâu trong nước. Những ngày qua, Lữ đoàn 270 Quân khu 5 cũng đã triển khai lực lượng cứu dân ra khỏi vùng nguy hiểm.

Chiều 13-11, ông Bh’ríu Liếc, Chủ tịch huyện Tây Giang, cho biết: Hiện nay, 6.000 người dân các xã biến giới Tr’hy, Axan, Ch’um, Gary của huyện Tây Giang thiếu ăn do đường bị chia cắt. Hơn 1.000 em học sinh của Trường THCS bán trú cụm xã Lý Tự Trọng và Trường THPT Tây Giang đang trọ học bị cô lập hoàn toàn với gia đình. UBND huyện Tây Giang xuất 10 tấn gạo và UBND tỉnh Quảng Nam xuất 45 tấn gạo cứu đói nhưng chưa đưa gạo đến đồng bào do đường tắc. UBND huyện Tây Giang đã đề nghị các đồn biên phòng biên giới giúp đỡ đồng bào gạo và các nhu yếu phẩm cần thiết trong thời gian chờ gạo tiếp tế. UBND huyện Tây Giang đã di dời 67 hộ dân tại khu tái định cư Ala và Kalua, xã Dang ra khỏi vùng sạt lở núi.


Quảng Ngãi: 4.000 khách bị kẹt trên QL1A

Đến hết ngày 13-11, tại khu vực ngã ba Dốc Sỏi (tỉnh Quảng Ngãi) hàng trăm ôtô các loại, với trên 4.000 hành khách (từ Nam ra) bị kẹt lại, gặp khó khăn về sinh hoạt. Nhiều người đã phải trải qua một đêm trắng trên xe với những tâm trạng khác nhau. Sáng 13-11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trương Ngọc Nhi đã đến động viên, thăm hỏi và chia sẻ những khó khăn mà bà con đang phải đối mặt, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng, đơn vị trong tỉnh và huyện Bình Sơn làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ, giúp đỡ bà con hành khách trong thời gian bị kẹt lại Quảng Ngãi. 

X.THIỀU - T.HẢI - N.HÙNG - N.KHÔI - H.MINH 

Mưa giảm, nhưng ngập lụt còn nghiêm trọng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hôm nay (14-11), lượng mưa ở các tỉnh Trung bộ giảm nhiều; lũ trên các sông ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và Bình Định còn trên mức báo động (BĐ) 2; các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi ở mức BĐ1. Lũ hạ lưu các sông thuộc các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam xuống chậm, nhưng còn ở mức cao, tình trạng ngập lụt vẫn xảy ra nghiêm trọng ở hạ lưu các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam.

Do ảnh hưởng của lưỡi áp cao lục địa kết hợp với đới gió Đông trên cao hoạt động mạnh, các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Nam có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được từ chiều tối 12 -11 đến chiều tối 13-11 phổ biến 70 – 150mm, một số nơi trên 200mm. Chiều tối 13-11, lũ hạ lưu các sông ở Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Bình Định xuống mức BĐ3, có nơi dưới mức BĐ3; các sông ở Quảng Trị, Quảng Ngãi ở trên mức BĐ1.

L.VĂN


  • Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát: Phương tiện cứu hộ còn quá ít

Sau chuyến kiểm tra tình hình phòng chống lũ lụt và thăm hỏi, động viên người dân vùng lũ phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng vào chiều tối 13-11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã dành cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn ngắn về tình hình lũ lụt của các tỉnh miền Trung trong mấy ngày qua cũng như những công việc cần thiết, cấp bách trong thời gian tới. Bộ trưởng cho biết:

Công tác cứu trợ người dân cũng đã được các địa phương thực hiện trong và ngay sau khi lũ rút. Tuy nhiên, một thực tế cần nhìn nhận là phương tiện dùng trong công tác cứu hộ, ứng cứu người dân còn quá ít, không đủ đáp ứng với yêu cầu thực tế. Các địa phương phải thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là không để bất kỳ người dân nào đói, rét trong và sau lũ. Vì vậy, trước mắt, ngoài việc hỗ trợ cấp bách trong việc cứu đói người dân, các địa phương cần tập trung tuyên truyền, thập chí hạn chế việc người dân đi lại trong khi lũ chưa rút nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra. Chuẩn bị đầy đủ thuốc men, xử lý môi trường sau lũ để phòng ngừa các dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là dịch tiêu chảy cấp...

N.HÙNG

  • Thừa Thiên-Huế: dân đang chờ gạo!

Lũ chồng lũ. Trong chưa đầy một tháng, người dân Thừa Thiên - Huế phải chống chọi với 4 đợt lũ liên tiếp. Sức dân đang kiệt quệ theo từng cơn lũ. Vấn đề cấp thiết hiện nay là vừa cứu đói, vừa giúp dân khôi phục sản xuất, ổn định đời sống và chống tái nghèo...

Sáng 13-11, phải mất hơn 3 giờ đi bằng thuyền máy, cặp theo tuyến tỉnh lộ 4B chúng tôi mới về trung tâm huyện Quảng Điền - đang trắng xóa trong biển nước. Các xã cặp phá Tam Giang như: Quảng Lợi, Quảng Phước, Quảng Thái… bị nhấn chìm sâu trong lũ hơn 2m. Chiếc đò máy ì ạch lướt qua những xóm làng ngập sâu, những ngôi nhà ẩn hiện sau những rặng tre. Anh Ngô Văn Hòa, thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước, cho hay, hai ngày qua nước tràn vào ngập chìm nhà anh hơn 1m, cả gia đình 5 người phải di tản.

Toàn thôn giờ ngập chìm trong nước. Hơn tháng qua, người dân ở các xã vùng trũng Quảng Điền chủ yếu dồn sức chống chọi với lũ, chuyện làm kinh tế trong thời điểm này chỉ là con số không. Hầu hết diện tích rau màu, ao hồ nuôi cá, nghề mưu sinh chính của bà con, đã bị lũ cuốn trôi hoàn toàn.

Từ xã Quảng Phước, phải mất hơn một giờ đi đò máy, chúng tôi mới đặt chân lên được trụ sở UBND xã Quảng Thành, toàn bộ 2.600 hộ dân ở trong xã đều bị ngập sâu 1 đến 2m. Ban phòng chống lụt bão xã Quảng Thành liên tục chạy đò máy đi cứu trợ mì tôm. Tại thôn Phú Lương, toàn thôn bị cô lập sâu trong lũ. Chị Trương Thị Lành cho hay: “Đợt lũ trước, một cơn lốc đã cuốn mất mái nhà. Bà con trong xóm giúp đỡ, mượn tôn của xã lợp lại nhà cửa, nhờ vậy mà cả gia đình tôi không lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Nhưng chưa ổn định thì đợt lũ mới về dâng cao”.

Ngược về xã Hương Phong (huyện Hương Trà), tại các thôn Bàu Hạ, Thuận Hòa B, nước lũ đã tràn vào khu dân cư. Toàn xã có 2.140 hộ dân bị ngập sâu trong nước lũ 1-2m. Chống chọi các đợt lũ liên tiếp, từ giữa tháng 10 đến nay, người dân nơi đây gần như kiệt sức. Lũ chồng lũ khiến tình hình sản xuất, công việc làm ăn của người dân đình trệ kéo dài, lương thực dự trữ cũng đã cạn kiệt. Anh Phụng, thôn Bàu Hạ xã Hương Phong, tâm sự: Suốt một tháng qua, gia đình tui phải đánh vật với lũ, cả gia đình không kiếm được một cắc bạc. Gạo cơm dự trữ đã cạn kiệt, nay thêm cơn lũ lớn nữa tràn về, cả gia đình đang lo đói sẽ xảy ra nếu lũ kéo dài”. Không riêng gì các huyện Quảng Điền, Hương Trà mà hầu hết người dân 9 huyện, TP Huế bị lũ ngập chìm, gây chia cắt.

Trong hai ngày 12 đến 13-11, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã xuất 200 tấn gạo, 112 tấn mì ăn liền cứu trợ nhân dân vùng lũ. Ngành y tế đã huy động thuốc men xử lý môi trường, phòng chống dịch bệnh xảy ra. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị Trung ương cứu trợ 500 tấn mì tôm, lương khô cứu đói cho đồng bào; hỗ trợ 10 chiếc ca nô cao tốc để cứu những hộ dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Những chuyến hàng cứu trợ của các tổ chức, cá nhân hảo tâm trên mọi miền đất nuớc cũng bắt đầu đến giúp người dân vùng lũ ấm lòng…
 

P.LÊ - H.XUÂN

  • Dừng 18 đoàn tàu hỏa do lũ

Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Nguyễn Hữu Tuyên, Trưởng ban Kinh doanh - Vận tải (Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam), cho biết, mưa lũ ở miền Trung đã làm giao thông đường sắt đoạn từ km 659+760 (Quảng Bình) đến km 776+880 (Đà Nẵng) bị gián đoạn. Đường sắt đi qua đèo Hải Vân có nhiều đoạn bị sạt lở. Ngay trong ngày 13-11, ngành đường sắt đã chuyển tải bằng đường bộ khoảng 3.000 hành khách đi trên các chuyến tàu Thống Nhất mang số hiệu TN3, TN4, SE1, SE2, SE3, SE4 vượt qua đoạn đường sắt ngập lũ và sạt lở để tiếp tục hành trình. Riêng 2 đoàn tàu TN2 (539 hành khách) và SE6 (382 hành khách) phải chờ nước rút mới có thể chạy tiếp. Tính đến 10 giờ sáng 13-11, đã có 18 chuyến tàu phải dừng lại dọc đường do mưa lũ và sạt lở đường sắt. Tổng Công ty Đường sắt đã chỉ đạo các nhà ga, nơi có tàu dừng đỗ, phải phối hợp với địa phương và nhân viên trên tàu để đảm bảo an ninh và phục vụ miễn phí các bữa ăn cho hành khách.

Hôm qua 13-11, Vietnam Airlines cho biết sẽ ưu tiên vận chuyển miễn cước hàng hóa cứu trợ trên các chặng bay từ Hà Nội và TPHCM đến Huế và Đà Nẵng, thông qua UBMTTQ Việt Nam; UBND các tỉnh, TP; Hội Chữ thập đỏ Việt Nam các cấp; quỹ từ thiện của các cơ quan báo chí.

Các tổ chức có nhu cầu chuyển hàng cứu trợ có thể liên hệ trực tiếp qua các địa chỉ: Văn phòng Vietnam Airlines khu vực miền Bắc (điện thoại 04.9742808, số máy lẻ 4812 hoặc 4815; hoặc 0983566688); Văn phòng khu vực miền Nam (điện thoại 08.8446667, số máy lẻ 7756, hoặc 0984320712).

H.V. - H.Y.


Thông tin liên quan:

* Báo SGGP hỗ trợ 46 triệu đồng cho các gia đình có nguy cơ thiếu ăn ở Thừa Thiên-Huế

* Sáng nay, miền Trung còn chìm trong lũ

* Miền Trung ngập chìm trong “cơn đại hồng thủy”

* Miền Trung tiếp tục mưa to, lũ lớn

* Nam Trung bộ và Tây Nguyên 
Chiều nay, lũ trên các sông sẽ đạt đỉnh

* Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai 
Lũ lên vượt báo động 3 từ 0,2 – 0,5m

* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Quảng Ngãi, Quảng Nam 
Giúp dân sớm ổn định cuộc sống, triệt để phòng chống dịch bệnh

Tin cùng chuyên mục